Khám phá và bảo tồn tài nguyên nước qua câu chuyện của PGS.TS Phan Thị Thanh Hằng

Chị cùng các đồng nghiệp đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu các vấn đề môi trường cấp bách, đặc biệt tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng là nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường và tài nguyên nước tại Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cùng các đồng nghiệp đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu các vấn đề môi trường cấp bách, đặc biệt tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

PGS.TS Phan Thị Thanh Hằng sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là Trưởng phòng Tài nguyên Nước mặt và Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Địa lý. Với vai trò chính trong việc triển khai nhiều đề tài, dự án quan trọng về bảo vệ và quản lý tài nguyên nước, chị đã không ngừng thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng thực tế vào công tác giám sát, quản lý nước mặt, cải thiện chất lượng nước cũng như giảm thiểu tác động của thiên tai, lũ lụt.

Hành trình phát triển đam mê

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa học, bố và mẹ đều là cán bộ nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tuổi thơ chị gắn liền với phố phường Hà Nội và những ngày tháng chỉ có bà ngoại, mẹ và em trai ở bên, vì bố thường xuyên vắng nhà trong các chuyến công tác ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Chính niềm đam mê nghiên cứu của bố đã truyền cảm hứng sâu sắc cho chị và em trai. Khi bước vào đại học, biến cố xảy đến với gia đình chị khi bố gặp tai nạn trong một chuyến công tác thuộc chương trình Tây Nguyên 2. Đối diện với nỗi mất mát này, chị quyết tâm tiếp nối những hoài bão khoa học còn dang dở của bố, coi đó là cách để thực hiện giấc mơ và tiếp nối lòng nhiệt huyết mà ông đã để lại.

Chia sẻ về tình yêu đối với lĩnh vực nghiên cứu mà chị đang theo đuổi, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cho biết: Khi bước vào Khoa Thủy văn - Môi trường tại Đại học Thủy lợi Hà Nội tháng 9 năm 1988, chị cũng chưa rõ “Thủy văn” là gì. Nhưng chính những tâm huyết của Nhà giáo Nhân dân Ngô Đình Tuấn, lúc đó là Phó chủ nhiệm khoa, đã thắp lên trong chị ngọn lửa đam mê với ngành. Những năm tháng học tập ở Trường Thủy lợi, nơi không có nhiều sinh viên nữ, chị đã trải qua “9 kỳ thi và 1 kỳ đồ án” cùng những chuyến thực tập từ rừng Cúc Phương đến thủy điện Hòa Bình, để rồi đam mê mãnh liệt với việc lập trình trên Turbo Pascal 5.5 và Fortran. Thời điểm đó, nghiên cứu môi trường vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ và chị đã bị cuốn hút bởi việc phát triển các mô hình chất lượng nước. Niềm vui và cảm giác tự hào đã đến trong năm thứ tư đại học, khi mô hình Streeter-Phelps chạy thành công, giúp chị giành Giải nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1993, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng tiếp tục nghiên cứu phát triển chuyên môn tại các viện nghiên cứu uy tín trên thế giới và đạt học vị Tiến sĩ tại Đại học Yamanashi, Nhật Bản năm 2011. Tiếp đó, chị đã mở rộng học tập và nghiên cứu thông qua các chương trình bồi dưỡng chuyên ngành tại nhiều quốc gia tiên tiến. Từ khóa đào tạo về mô hình thủy văn tại Đại học Vrije Universiteit Brussel, Vương quốc Bỉ năm 1997, đến khoá học quản lý chất lượng nước tại Viện Kỹ thuật tài nguyên nước Hà Lan năm 2006 và quản lý lũ lụt tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc năm 2017, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên sâu và kỹ năng ứng dụng thiết thực. Những trải nghiệm này đã giúp chị nâng cao kiến thức, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cho nhóm của mình.

PGS.TS Phan Thị Thanh Hằng (đầu tiên bên trái) trao đổi cùng các đồng nghiệp tại Hawkesbury City Council, NSW, Úc.
PGS.TS Phan Thị Thanh Hằng (đầu tiên bên trái) trao đổi cùng các đồng nghiệp tại Hawkesbury City Council, NSW, Úc.

Chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc trong suốt hành trình khoa học của mình, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã nhớ lại thời gian được đào tạo ở Nhật Bản, nơi chị đã theo học thạc sĩ tại Đại học Nagoya dưới sự hướng dẫn của GS. Ohta Keichi và sau đó là luận án tiến sĩ tại Đại học Yamanashi dưới sự dẫn dắt của GS. Kengo Sunada. Trong quá trình học tập, chị đã thực hiện các thí nghiệm phân tích hàm lượng dinh dưỡng và đồng vị trong nước. Có những đêm chị làm việc đến 2 giờ sáng mới về đến ký túc xá, nhưng niềm đam mê với công việc luôn giúp chị vượt qua mọi khó khăn. Chị đã học hỏi rất nhiều từ những người thầy của mình, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về cách sống và ứng xử trong nghiên cứu khoa học. Kỷ niệm này không chỉ là một phần trong hành trình của chị mà còn là động lực mạnh mẽ để chị tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu sau này.

Những đóng góp đáng kể cho tài nguyên nước

Trong suốt quá trình công tác, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã chủ trì và tham gia hơn 50 đề tài, dự án các cấp, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến môi trường và tài nguyên nước. Một trong những đề tài nổi bật là nghiên cứu “Điều tra điều kiện vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình tại một số xã vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc” hoàn thành năm 2008. Đề tài không chỉ cung cấp dữ liệu cơ bản về môi trường sống ở vùng nông thôn mà còn giúp xây dựng các khuyến nghị cải thiện điều kiện vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2011, với vai trò chủ nhiệm, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã thực hiện nghiên cứu về tiêu thoát lũ cho hạ lưu sông Trà Khúc. Đề tài có ý nghĩa đặc biệt trong việc phòng chống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại từ lũ lụt cho khu vực.

Ngoài ra, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng còn tích cực triển khai các nghiên cứu về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến tài nguyên nước và môi trường. Năm 2019, chị chủ trì đề tài cấp Nhà nước về “Cơ sở khoa học, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững các huyện đảo Lý Sơn và Phú Quý” góp phần xây dựng các giải pháp bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho hệ thống đảo ven bờ Việt Nam. Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước và hệ sinh thái biển trong phát triển bền vững vùng đảo, đồng thời đề xuất các giải pháp tổng thể bảo vệ nguồn nước trước các thách thức biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cũng tham gia sâu vào các nghiên cứu liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc Bộ. Đề tài nghiên cứu “Đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp đới bờ phục vụ phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc bộ - thí điểm tại tỉnh Thái Bình” mà chị là thành viên chính, đã đóng góp giải pháp quản lý khoa học cho tài nguyên đới bờ, từ đó bảo vệ và phát triển bền vững khu vực duyên hải nhạy cảm trước các tác động của con người và biến đổi khí hậu.

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cũng đã công bố hơn 100 bài báo trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Các bài báo tập trung vào những vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và phát triển bền vững, mang đến những giải pháp thiết thực cho các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Tính riêng 2 năm 2023 và năm 2024, chị và đồng nghiệp đã công bố 17 bài báo khoa học với nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế uy tin như tạp chí Journal of Water and Climate Change của IWA, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực tài nguyên nước và bảo tồn biển đảo.

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng bộc bạch rằng, hơn ba thập kỷ gắn bó với Viện Địa lý là một chặng đường đong đầy những trải nghiệm ý nghĩa. Với chị, mỗi dự án không chỉ đơn thuần là công việc mà là cả một hành trình tìm hiểu, khám phá và phục vụ cho cộng đồng. Lần đầu tiên tham gia khảo sát tại Na Son, Điện Biên Đông năm 1999, khi con đường từ Hà Nội lên Điện Biên đầy rẫy ổ gà và những khúc cua hiểm trở khiến chị mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng chứng kiến cuộc sống thiếu thốn trăm bề của người dân, đặc biệt là sự khan hiếm nguồn nước sạch, chị như quên hết mệt mỏi và tràn đầy khao khát được giúp đỡ. “Tôi chỉ mong sao có thể làm điều gì đó, dù nhỏ bé, để bà con có thêm nước sạch để dùng”, chị nhớ lại.

Trong một chuyến đi khác tới Tam Đường, Lai Châu, chị đến thăm một gia đình mà nước sinh hoạt hiếm đến mức hai tháng mới được tắm một lần, chị lại càng quyết tâm hơn với công việc của mình. Những chuyến đi không chỉ mang đến cơ hội để học hỏi mà còn giúp chị thấy rõ tầm quan trọng của việc đóng góp cho cộng đồng. Chính những khó khăn lại trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để chị tiếp tục theo đuổi đam mê. Đối với chị, từng dự án là lời nhắc nhở về trách nhiệm với những người dân nơi vùng sâu vùng xa, để giúp họ cải thiện cuộc sống và có thêm cơ hội phát triển.

Các ấn phẩm và thành tích nổi bật

Ngoài nghiên cứu, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng còn tham gia viết sách với vai trò nghiên cứu, biên soạn và đồng chủ biên của 8 cuốn sách chuyên khảo quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và cung cấp giải pháp cho các vấn đề môi trường hiện tại. Trong đó, cuốn sách “Integrated Water Resources Management in the Tropical Monsoon Region”, xuất bản tại Đức vào năm 2012, là một trong những dấu ấn đầu tiên của chị trong việc hệ thống hóa các phương pháp quản lý tài nguyên nước đặc thù của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Cuốn sách không chỉ là tài liệu khoa học mà còn là cẩm nang cho các nhà quản lý và nghiên cứu trong việc đưa ra quyết sách về khai thác tài nguyên nước ở Việt Nam và khu vực. Với tinh thần và nhiệt huyết, chương sách “Uncertainty Assessment of Climate Change Impacts on Hydrology - A Case Study for the Central Highlands of Vietnam” của PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng trong tuyển tập “Managing Water Resources under Climate Uncertainty: Opportunities and Challenges” do Springer phát hành năm 2015, đã đưa ra các đánh giá sâu sắc về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ thống thủy văn của Tây Nguyên. Chương sách đã góp phần hoạch định các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt trong việc bảo vệ nguồn nước.

  Cuốn sách do Springer phát hành năm 2015

Cuốn sách do Springer phát hành năm 2015

Năm 2017 và năm 2019, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã đóng góp vào việc nghiên cứu và phân tích các đặc điểm địa lý và tài nguyên của từng địa phương trong bộ sách “Bách khoa toàn thư Hà Nội - Phần Hà Nội mở rộng, Tập 1: Địa lý” và “Địa lý Hà Nội”. Qua các cuốn sách, chị cùng đồng nghiệp đã đưa ra những tư liệu quan trọng về địa lý tự nhiên và tài nguyên của Hà Nội, đồng thời phác họa bức tranh đa chiều về sự phát triển đô thị, tài nguyên và môi trường của thủ đô, tạo nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn về quy hoạch bền vững của Hà Nội.

Đáng chú ý, tác phẩm gần đây nhất của PGS.TS. Phan Thị Thanh, cuốn sách “Mô hình định hướng phát triển bền vững các huyện đảo ven bờ Lý Sơn và Phú Quý” xuất bản năm 2023, đã đánh dấu bước tiến lớn trong việc nghiên cứu và định hướng phát triển cho các khu vực đảo ven bờ. Đây không chỉ là công trình có giá trị về mặt khoa học mà còn chứa đựng các giải pháp thiết thực giúp huyện đảo Lý Sơn và Phú Quý phát triển theo hướng bền vững, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo tồn sinh thái.

Cuốn sách do PGS.TS. Phan Thị Thanh chủ biên, xuất bản năm 2023
Cuốn sách do PGS.TS. Phan Thị Thanh chủ biên, xuất bản năm 2023

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen và quyết định khen thưởng cao quý. Năm 2022, chị được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận là “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”. Trước đó, năm 2020, chị được trao bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được Viện Địa lý vinh danh là “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2016-2020. Những phần thưởng này là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp tích cực của PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng (bên phải) trong Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022
PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng (bên phải) trong Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022

Chia sẻ về phụ nữ trong ngành khoa học Trái đất và Thủy văn, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cho biết: Số lượng cán bộ khoa học là nữ trong lĩnh vực này không nhiều, một phần vì đây là ngành đòi hỏi sức bền và tinh thần làm việc vất vả mà đôi khi lại ưu tiên nam giới nhiều hơn. Làm khoa học đã vất vả, làm khoa học Trái đất lại thêm thử thách, có lẽ vì vậy mà sinh viên nữ thường ít đăng ký vào ngành này và với những ai đã chọn, tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một thử thách. Để phát triển bền vững ngành khoa học Trái đất thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tiệm cận với trình độ quốc tế là cần thiết. Đặc biệt, nữ cán bộ trong lĩnh vực này cần được quan tâm nhiều hơn. Với chị và các đồng nghiệp nữ, họ vừa phải cống hiến cho nghiên cứu, tham gia các chuyến khảo sát gian khổ như các đồng nghiệp nam, vừa phải chu toàn bổn phận gia đình. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện niềm đam mê với nghề mà còn là quyết tâm vượt qua mọi rào cản, để khẳng định rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đóng góp và tạo dấu ấn trong các lĩnh vực khoa học thách thức nhất.

PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng
PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng

Với hơn 30 năm trong nghề, PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng cảm giác như mới ngày bắt đầu nhận tấm bằng tốt nghiệp và chia tay bạn bè để khám phá khắp mọi miền đất nước. Chị cho rằng nghề đã chọn mình và mặc dù gặp phải không ít khó khăn và trắc trở, niềm đam mê với công việc chưa bao giờ suy giảm. Mỗi khi bắt tay vào một đề tài nghiên cứu mới, chị lại cảm thấy hào hứng như những ngày đầu. Chị cũng nhận thức rõ rằng, công việc trong lĩnh vực này không dễ dàng, với đãi ngộ có phần khiêm tốn so với nhiều ngành khác. Tuy nhiên, hiện tại, cơ hội học tập và làm việc trong lĩnh vực khoa học Trái đất đang mở ra rất nhiều cho thế hệ trẻ. Chị nhớ lại thời điểm sang Nagoya học thạc sĩ, lúc đó không có sinh viên Việt Nam trong các khoa kỹ thuật và khoa học. Nhưng ngày nay, với nhiều học bổng và chế độ đãi ngộ tốt cho những công bố quốc tế, các bạn trẻ có thể phát huy năng lực và xây dựng cuộc sống ổn định hơn.

Hành trình của nhà khoa học nữ không chỉ đầy ắp những áp lực từ công việc mà còn bao gồm cả những thách thức trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng luôn tin rằng, ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu có lòng kiên trì và tình yêu với nghề, chúng ta đều có thể đóng góp cho cộng đồng. Hiện chị giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong cương vị này, chị mong muốn cùng đội ngũ nữ trí thức Việt Nam nâng cao vai trò của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và đưa các ứng dụng công nghệ vào đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chu Thị Ngân - Trung tâm Thông tin - Tư liệu

Bảo tồn thiên nhiên qua câu chuyện của nhà khoa học trẻ

Bảo tồn thiên nhiên qua câu chuyện của nhà khoa học trẻ

TS. Ninh Thị Hòa đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, khẳng định vai trò của nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn thiên nhiên.