TS. Ninh Thị Hòa là một trong những gương mặt trẻ nổi bật trong lĩnh vực khoa học hệ gen động vật và bảo tồn đa dạng sinh học. Với niềm đam mê nghiên cứu và tình yêu đối các loài động vật hoang dã và môi trường tự nhiên, chị đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, khẳng định vai trò của nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn thiên nhiên.
TS. Ninh Thị Hòa sinh năm 1992 tại Nam Định, là nhà khoa học trẻ đầy triển vọng trong lĩnh vực sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sinh học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2016, chị tiếp tục con đường học thuật khi được chuyển tiếp chương trình nghiên cứu sinh.
Trong 5 năm, chị đã hoàn thành xuất sắc chương trình nghiên cứu và nhận học vị Tiến sĩ với luận án nghiên cứu về nhóm Ếch cây ở Việt Nam.Hành trình khám phá khoa học Sau khi tốt nghiệp, từ năm 2018, TS. Ninh Thị Hòa bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đến năm 2022, chị chuyển sang công tác tại Viện Nghiên cứu hệ gen, nơi chị tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học và hệ gen. Tính đến nay, chị đã công bố gần 30 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín và tham gia nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Song song với hoạt động khoa học, chị còn tích cực tham gia các chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương, dựa trên các kết quả nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên. Hình ảnh những em học sinh vẽ tranh bảo vệ môi trường hay những người dân chủ động bảo vệ loài Ếch cây ngay tại nơi sinh sống chính là minh chứng rõ ràng cho sự lan tỏa của khoa học vào đời sống.
Một số tranh vẽ của các em học sinh trong hoạt động tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học |
Trong sự nghiệp của mình, TS. Ninh Thị Hòa đã thực hiện nhiều chuyến thực địa, trong đó đáng chú ý là các dự án tại Hà Giang. Năm 2023, nhóm nghiên cứu của chị đã giành Giải thưởng Lãnh đạo bảo tồn của tổ chức Conservation Leadership Programme cho chương trình bảo tồn 3 loài Ếch cây mới được phát hiện và công bố. Những phát hiện này không chỉ là thành tựu khoa học mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam.
Chia sẻ cảm nghĩ về nghiên cứu này, TS. Ninh Thị Hòa khẳng định: Nhóm nghiên cứu đã kết nối khoa học với thực tiễn tạo ra những tác động tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Nghiên cứu về các loài Ếch cây không chỉ giúp nhận diện và bảo vệ những loài động vật quý hiếm, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt qua các hoạt động tuyên truyền tại địa phương. Chị tự hào về sự hợp tác trong nhóm nghiên cứu, nơi mọi nỗ lực cá nhân đều góp phần vào thành quả chung. Quan trọng hơn cả, công trình này mở ra hy vọng về một tương lai nơi đa dạng sinh học sẽ được bảo vệ bền vững, góp phần xây dựng môi trường tự nhiên xanh cho tương lai.
Ảnh chụp trong một chuyến khảo sát thực địa tại tỉnh Hà Giang |
Động lực chính thúc đẩy TS. Ninh Thị Hòa lựa chọn nghiên cứu hệ gen và bảo tồn sinh học xuất phát từ tình yêu thiên nhiên đã nuôi dưỡng từ thuở nhỏ. Khi trưởng thành, qua quá trình học tập và làm việc, tình yêu ấy càng được củng cố mạnh mẽ khi chị tận mắt chứng kiến những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng của con người và biến đổi khí hậu lên môi trường tự nhiên. Theo chị, việc ứng dụng các công nghệ khoa học hiện đại chính là chìa khóa để bảo vệ các loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu hệ gen không chỉ giúp khám phá bản chất di truyền của các loài mà còn mở ra những giải pháp bảo tồn hiệu quả, bền vững hơn.
Từ Giải thưởng khoa học đến thông điệp bảo vệ thiên nhiên
Năm 2024 đánh dấu cột mốc đáng nhớ khi chị vinh dự nhận Giải thưởng Công trình, Giải pháp, Sản phẩm sáng tạo, Sáng kiến tiêu biểu toàn quốc từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Giải thưởng này đến từ công trình khoa học về “Xây dựng mô hình bảo tồn các loài Ếch cây ở Việt Nam, thí điểm tại tỉnh Hà Giang”, một nghiên cứu không chỉ có giá trị khoa học mà còn mang lại ứng dụng thiết thực cho công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học.
Công trình đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì cân bằng hệ sinh thái tự nhiên thông qua các nghiên cứu về sinh thái và đa dạng loài Ếch cây tại tỉnh Hà Giang. Dựa trên cơ sở khoa học, nhóm nghiên cứu của chị đã triển khai các chương trình tập huấn nhằm nhận diện loài Ếch cây và ổ sinh thái của chúng, từ đó đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường sống tự nhiên. Song song với đó, chị và các đồng nghiệp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học và vai trò của loài Ếch cây trong hệ sinh thái. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài đặc hữu hoặc đang bị đe dọa mà còn tạo tiền đề cho các nghiên cứu khoa học sâu hơn, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hình ảnh tại buổi lễ trao bằng khen |
Khi chia sẻ về giải thưởng, TS. Ninh Thị Hòa bày tỏ: Đây là một niềm vinh dự và may mắn đối với chị. Chị hiểu rằng, trên hành trình nghiên cứu khoa học, có rất nhiều nhà khoa học khác cũng đang đóng góp quan trọng cho nền học thuật nước nhà. Chị cảm thấy vui mừng khi thông qua giải thưởng, công việc của mình được nhiều người biết đến. Đồng thời, chị mong muốn lan tỏa tới cộng đồng tinh thần chung tay bảo vệ và gìn giữ sự đa dạng sinh học của Việt Nam, qua đó bảo tồn những giá trị quý của thiên nhiên, góp phần xây dựng môi trường sống bền vững hơn. Nhân dịp này, chị muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới đồng nghiệp, cơ quan, đoàn thể của Viện Nghiên cứu hệ gen và gia đình đã luôn đồng hành, sẻ chia và tạo điều kiện thuận lợi cho chị trong suốt chặng đường vừa qua.
Ngoài đam mê khoa học, chị còn tìm thấy niềm vui và sự bình yên khi được hòa mình vào thiên nhiên, nơi chị cảm nhận rõ nét nhất vẻ đẹp của sự sống. Những chuyến đi thực tế luôn mang đến cho chị những trải nghiệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa. Chị kể về chuyến leo núi Tây Côn Lĩnh năm 2023, nơi khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên hiện ra trước mắt nhưng lại quá đỗi mong manh, khiến chị càng thấm thía giá trị của việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ mai sau.
Bày tỏ về những khó khăn trong nghiên cứu, TS. Ninh Thị Hòa bộc bạch: Trong quá trình công tác, chị đã không ít lần phải đối mặt với những thách thức lớn. Đặc biệt, là phụ nữ làm khoa học, chị vừa phải gắn bó với công việc trong phòng thí nghiệm tỉ mỉ, khắt khe, vừa phải dấn thân vào những chuyến khảo sát thực địa vào rừng sâu nơi địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Mỗi chuyến đi luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi tiếp xúc với các loài động vật hoang dã đã thử thách không chỉ sức khỏe mà cả ý chí kiên cường của chị. Có những lúc mệt mỏi, chị từng nghĩ liệu mình có đang đi đúng đường hay liệu mình đã làm đủ tốt chưa. Thế nhưng, với chị, đó không phải là rào cản thực sự. Đó chỉ là những đòi hỏi tự nhiên từ tính chất công việc, những khó khăn khách quan mà người làm khoa học đều cần phải đối mặt và vượt qua.
Nói về thách thức lớn nhất, TS. Ninh Thị Hòa cho rằng: Việc cân bằng giữa nghiên cứu khoa học vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian với trách nhiệm chăm lo cho gia đình nhỏ luôn là một thử thách không dễ dàng. Những chuyến thực địa kéo dài, khối lượng công việc lớn đôi khi khiến chị phải tạm gác lại những khoảnh khắc sum họp quý giá bên gia đình và người thân. Dù vậy, chị luôn khẳng định mình may mắn khi nhận được sự thấu hiểu và ủng hộ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cùng nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chính sự động viên và hỗ trợ ấy đã tiếp thêm sức mạnh để chị vững bước trên con đường đã chọn.
Với tất cả tâm huyết và tình yêu dành cho khoa học, TS. Ninh Thị Hòa tin rằng, mỗi nỗ lực dù nhỏ bé đều có thể góp phần phục hồi và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chị mong muốn lan tỏa thông điệp ấy đến cộng đồng để cùng chung tay xây dựng một hành tinh xanh tươi và bền vững hơn. Với chị, nghiên cứu không chỉ đòi hỏi kiến thức, sự tận tâm và khả năng làm việc nhóm hiệu quả, quan trọng hơn cả là kết nối lý thuyết với thực tiễn để tạo ra những giá trị thiết thực. Chị luôn tâm niệm rằng khoa học phải phục vụ đời sống và tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Dù chặng đường phía trước còn nhiều thử thách nhưng với tinh thần học hỏi không ngừng và nền tảng vững chắc, TS. Ninh Thị Hòa sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa và cùng với các cán bộ nghiên cứu trẻ Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định vai trò của thế hệ trẻ với tình yêu khoa học và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Ra mắt mô hình triển lãm bảo vệ động vật hoang dã trên xe buýt tại Hà Nội
Bắt đầu từ tháng 12/2024, Hà Nội sẽ triển khai các cuộc triển lãm bảo vệ động vật hoang dã trên xe buýt sau 6 năm ấp ủ ý tưởng.