Các nhà khoa học nữ trao đổi vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh

Hội thảo tạo ra một diễn đàn trao đổi ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam

Chiều 5/12, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”. Sự kiện có sự tham gia của hai nhà khoa học nữ nổi tiếng: GS. Susan Solomon, Giáo sư ngành Nghiên cứu Môi trường và Hóa học, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và GS. Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymers và Chất rắn Hữu cơ, Viện Hệ thống Nano California (CNSI) tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB).

Toàn cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”. Ảnh: Hoàng Toàn
Toàn cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”. Ảnh: Hoàng Toàn

Trước hội thảo, GS. Susan Solomon và GS. Nguyễn Thục Quyên đã có buổi hội đàm với Ban giám hiệu ĐHBKHN. Cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc ĐHBKHN; PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHBKHN; PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Trưởng Ban Hợp tác Doanh nghiệp ĐHBKHN; và GS.TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức ĐHBKHN. Các đại biểu đã trao đổi về những thách thức và chiến lược của ĐHBKHN nói riêng và các trường đại học tại Việt Nam nói chung trong việc tuyển sinh, đặc biệt là đối với sinh viên nữ. Ban lãnh đạo nhà trường cũng giới thiệu về các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật bán dẫn và thực tập, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới và hợp tác.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học thuộc nhóm G7 và G28 tại Việt Nam đông đảo giảng viên và sinh viên của ĐHBKHN. Ảnh Hoàng Toàn
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học thuộc nhóm G7 và G28 tại Việt Nam đông đảo giảng viên và sinh viên của ĐHBKHN. Ảnh Hoàng Toàn

Hội thảo “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên. Trong đó có sự hiện diện của GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam; GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, ĐHBKHN; PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc ĐHBKHN; lãnh đạo các trường đại học thuộc nhóm G7 và G28 tại Việt Nam; cùng 30 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học và 500 học viên, sinh viên của ĐHBKHN.

Các nhà khoa học nữ trao đổi vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh

 PGS.TS Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốcĐHBKHN phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Ngọc Khiêm thay mặt ĐHBKHN chào đón và cảm ơn Quỹ VinFuture, GS. Susan Solomon và GS. Nguyễn Thục Quyên.

GS. Susan Solomon đã chia sẻ về những nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự suy giảm tầng ozon và tác động của các hợp chất chứa clo, đặc biệt là chlorofluorocarbon (CFCs). Ảnh: Hoàng Toàn
GS. Susan Solomon đã chia sẻ về những nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự suy giảm tầng ozon và tác động của các hợp chất chứa clo, đặc biệt là chlorofluorocarbon (CFCs). Ảnh: Hoàng Toàn

Tại Hội thảo, GS. Susan Solomon đã chia sẻ về những nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự suy giảm tầng ozon và tác động của các hợp chất chứa clo, đặc biệt là chlorofluorocarbon (CFCs). Bà đã mô tả quá trình nghiên cứu tại Nam Cực trong những năm 1980, nơi bà và các đồng nghiệp đã ghi nhận sự suy giảm mạnh mẽ của tầng ozon và chứng minh mối liên hệ giữa sự gia tăng của khí chlorine trong khí quyển với hiện tượng này. Nghiên cứu của GS. Solomon đã đóng góp quan trọng vào việc ký kết Nghị định thư Montreal năm 1987, nhằm ngừng sản xuất và sử dụng các chất CFC trên toàn cầu, góp phần phục hồi tầng ozon. Bà cũng khuyến khích các nhà khoa học trẻ vượt qua những giới hạn truyền thống trong nghiên cứu và luôn tìm kiếm những câu hỏi lớn, những vấn đề cần được giải quyết.

GS. Nguyễn Thục Quyên, Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022, đã chia sẻ hành trình từ một cô bé Việt Nam đến vị trí một nhà khoa học uy tín quốc tế. GS. Quyên cho biết, bà lớn lên trong hoàn cảnh thời chiến vô cùng khó khăn. Tuổi thơ thiếu thốn điện, nước sạch đã hun đúc trong bà khát vọng cháy bỏng về việc cải thiện cuộc sống con người thông qua khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

GS. Nguyễn Thục Quyên, Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022, đã chia sẻ hành trình từ một cô bé Việt Nam đến vị trí một nhà khoa học uy tín quốc tế. Ảnh: Hoàng Toàn
GS. Nguyễn Thục Quyên, Chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022, đã chia sẻ hành trình từ một cô bé Việt Nam đến vị trí một nhà khoa học uy tín quốc tế. Ảnh: Hoàng Toàn

GS. Quyên nhấn mạnh vai trò then chốt của năng lượng tái tạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng. Bà chia sẻ những nghiên cứu đột phá về pin mặt trời hữu cơ (OPV) với tiềm năng ứng dụng rộng rãi, từ cung cấp năng lượng cho vùng sâu vùng xa đến các tòa nhà hiện đại. Hơn thế nữa, GS. Quyên kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học để giải quyết những thách thức chung của nhân loại.

Không chỉ truyền cảm hứng về khoa học, GS. Quyên còn chia sẻ những bài học quý báu về cuộc sống và sự nghiệp. Bà khuyến khích giới trẻ không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, kiên trì theo đuổi đam mê, đồng thời  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý thời gian hiệu quả, tư duy tích cực và tập trung vào mục tiêu.

GS. Nguyễn Thục Quyên để lại lời khuyên sâu sắc: hãy tự hào về bản thân, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Ảnh: Hoàng Toàn
GS. Nguyễn Thục Quyên để lại lời khuyên sâu sắc: hãy tự hào về bản thân, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Ảnh: Hoàng Toàn

Khép lại phần chia sẻ, GS. Nguyễn Thục Quyên để lại lời khuyên sâu sắc: hãy tự hào về bản thân, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Bà khẳng định rằng kiến thức là sức mạnh vĩnh cửu và là hành trang quý giá nhất trên con đường chinh phục thành công.

GS. Susan Solomon và GS. Nguyễn Thục Quyên giao lưu với các nhà khoa học nữ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Toàn
GS. Susan Solomon và GS. Nguyễn Thục Quyên giao lưu với các nhà khoa học nữ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Toàn

Hội thảo “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh” thực sự đã tạo ra một diễn đàn trao đổi ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ, tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Tân SV ĐH Bách Khoa giành huy chương vàng cuộc thi tin học thế giới

Tân SV ĐH Bách Khoa giành huy chương vàng cuộc thi tin học thế giới

Thầy giáo khẳng định huy chương vàng của Huy có phần bất ngờ nhưng không phải kỳ tích hay điều gì đột biến.