Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc 3 bị can thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Giám sát công ty đại chúng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có vi phạm.
Cụ thể, cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Lê Công Điền bị cáo buộc đã Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Kết luận điều tra nêu, với vai trò là Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, ông Điền có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng.
Khi được giao chỉ đạo, thẩm định hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Công ty CP Xây dựng Faros, ông Điền đã phát hiện ra hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp này không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, các báo cáo kiểm toán không đúng pháp luật... nhưng ông Điền không kiểm tra, xử lý, thu hồi báo cáo mà ký văn bản "chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng" cho Công ty Faros.
Theo kết luận điều tra, ông Điền sau đó công bố trên phương tiện thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Công ty Faros có số vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng.
Điều này giúp ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm lợi dụng để đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư chứng khoán.
Tại cơ quan điều tra, ông Điền khai nguyên nhân thực hiện hành vi trên là Công ty Faros là doanh nghiệp lớn, đồng thời Trịnh Văn Quyết có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, sở hữu một công ty chuyên tư vấn pháp luật.
"Khi thẩm định hồ sơ, Điền đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về việc góp vốn nhưng bị công ty khiếu nại 2 lần vì cho rằng Điền làm vượt thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do lo sợ, ảnh hưởng đến công việc của bản thân nên Điền biết sai vẫn làm", kết luận điều tra nêu.
Cùng bị khởi tố về tội danh trên còn có cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam Dương Văn Thanh và cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam Phạm Trung Minh.
Kết luận điều tra bổ sung nêu với vai trò Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, bị can Dương Văn Thanh biết rõ hồ sơ đăng ký, lưu ký chứng khoán của Công ty Faros "chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp" theo Văn bản số 4298/UBCK-GSĐC của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tài liệu có trong hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký.
Nhưng Thanh vẫn ký, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thể hiện Công ty Faros có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng, cấp mã chứng khoán để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng làm điều kiện đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu, rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Còn bị can Phạm Trung Minh được xác định là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ đề nghị đăng ký lưu ký chứng khoán đối với Công ty Faros.
Bị can Phạm Trung Minh biết rõ hồ sơ "chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp" nhưng vẫn ký Tờ trình tham mưu cho bị can Dương Văn Thanh ký Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Công ty Faros, tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo sau này Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm, theo Dân trí.
Sai phạm của 13 giao dịch viên ngân hàng
Liên quan đến vụ án Trịnh Văn Quyết, quá trình điều tra xác định, từ 2014 - 2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bị can Trịnh Thị Minh Huế nhờ các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ thống FLC và người thân đứng tên là cổ đông góp vốn, ký sẵn các chứng từ để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, tạo dòng tiền qua tài khoản, hợp thức việc góp khống vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng FLC Faros.
Theo cơ quan điều tra, hầu hết các cá nhân đều không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền nhưng các 13 giao dịch viên, Kiểm soát viên của một ngân hàng - Chi nhánh Thanh Xuân vẫn đồng ý thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo chứng từ đã được ký sẵn để Huế hợp thức tạo dòng tiền góp vốn khống, vi phạm quy định của ngân hàng này, theo TPO.
Khi thực hiện các giao dịch, trong tài khoản của các cá nhân có đủ số tiền; chứng từ đầy đủ về hình thức, nội dung, đủ chữ ký của chủ tài khoản; các giao dịch viên không biết mục đích việc nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền để nhằm mục đích nâng khống vốn, niêm yết, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư; không được hưởng lợi ích gì.
Theo đó, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với 13 giao dịch viên, kiểm soát viên nêu trên nhưng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý nghiêm các sai phạm.