Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đang ngày càng bức thiết

Nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn. Chính phủ cũng đã có sự quan tâm thích đáng đến việc xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển nhà ở xã hội còn cách xa so với nhu cầu và mong muốn đặt ra. Nhiều dự án gần như không có sự chuyển động.

Thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đang thiếu nguồn cung nhà giá rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư. Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp, tức có giá từ 25 triệu đồng một m2 trở lên, chỉ chiếm 20-30% thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu ở mức giá bình dân, dưới 25 triệu đồng mỗi m2 lại chiếm đến 70-80%.

Người nào thực sự hiểu vấn đề thì họ sẽ quan tâm đến hệ số sử dụng đất. Thực ra, làm NƠXH cho người thu nhập thấp đều phải làm cao khoảng 30 - 40 tầng, mật độ thấp, hạ tầng đẹp, xây dựng như vậy mới có thể tiết kiệm chi phí. Chúng ta nên phát triển như vậy thì mới có có hạ tầng tiện ích.

Tóm lại, câu chuyện có bán được NƠXH hay không, phụ thuộc vào hạ tầng, tiện ích và kết nối giao thông. Mấu chốt là giao thông, sau đó là tiện ích bao gồm nhà trẻ, trường học, bệnh viện. Ví dụ như các khu Nam An Khánh, Bắc An Khánh, người dân đã về ở rất nhiều.

Còn vấn đề nhiều dự án vì không bán được mà chủ đầu tư xin chuyển sang nhà ở thương mại tôi nghĩ không phải là vấn đề quan trọng. Vì doanh nghiệp muốn làm nhà giá rẻ nhưng không có được ưu đãi thì đương nhiên họ phải chuyển sang nhà ở thương mại.

Cần nhấn mạnh lại, chúng ta đừng quá chú trọng vào câu chuyện “thương mại” hay “xã hội”, điều cần quan tâm là các cơ quan ban ngành cần làm sao cho giá nhà rẻ đi mà vẫn nâng cao được chất lượng.  Chúng ta đừng lầm tưởng NƠXH thì hạ tầng không tốt, càng là NƠXH thì hạ tầng càng phải tốt và chất lượng cao để tránh tình trạng nhà ổ chuột, sớm phải đập đi xây lại.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thông tin, tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 NƠXH, tuy nhiên mới giải quyết được trên 40% nhu cầu.

Vị tư lệnh ngành xây dựng cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong phát triển NƠXH hiện nay là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập. Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở theo quy định pháp luật cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.

“Theo yêu cầu, chúng ta phải dành 9.000 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ, nhưng hiện nay mới bố trí được khoảng 4.000 tỷ đồng”, ông Hà cho biết.

Theo UBND TP Hà Nội, căn cứ vào diện tích chiếm dụng mà các dự án nhà ở thương mại được cấp phép trên địa bàn thành phố từ 2016 tới nay, diện tích đất dành cho nhà ở xã hội đã "bốc hơi" gần 2,3 triệu mét vuông.

Đơn cử tại dự án Park City (quận Hà Đông) với quy mô lên tới 77 ha nhưng lại được "miễn" quỹ đất 20%. Thậm chí chủ đầu tư của Park City còn giải thích rằng trước đây, Hà Tây không có nhu cầu phát triển quỹ nhà ở xã hội nên dự án không phải chịu quỹ đất này.

Tại dự án Golden Land tọa lạc tại số 275 Nguyễn Trãi cũng xảy ra trường hợp "bốc hơi" nhà ở xã hội tương tự. Được trao quyết định đầu tư từ năm 2009, tuy nhiên ô đất diện tích 3.557m2 (ô đất ký hiệu NO2) thuộc quỹ đất 20% xây NƠXH nhưng đến nay vẫn chỉ là sân bóng cho thuê trục lợi.

Hay tại Phan Thiết, với dự án KĐT biển Phan Thiết có tổng diện tích hơn 62 ha, tuy nhiên quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội đã được tỉnh Bình Thuận cho phép chủ đầu tư thay bằng việc nộp tiền để thực hiện quỹ nhà ở xã hội chỉ với giá 2,57 triệu đồng/m2. Việc này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng không phù hợp và thất thoát hơn 34 tỷ đồng...

Đến năm 2025, Hà Nội cần xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tổng vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị về vốn cho dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gần đây, ông Chu Nguyên Thành, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội cho biết, các dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội nằm trong diện được cho vay vốn từ quỹ. Nguồn vốn từ quỹ thực hiện vai trò vốn mồi, chiếm 20-30% tổng mức đầu tư dự án.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ phát triển khoảng 6,2 triệu m2 sàn. Đến nay, thành phố triển khai được 62 dự án với khoảng hơn 1 triệu m2 sàn, gồm: 59 dự án nhà ở xã hội, 3 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà xã hội. Trong 5 năm tiếp theo, Hà Nội cần đầu tư xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho công nhân. Như vậy, đến năm 2025, lượng sàn xây mới khoảng 7,22 triệu m2, tương đương số vốn đầu tư khoảng 90.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia bất động sản, 15 triệu đồng/m2 là mức giá tối thiểu cho nhà ở xã hội và khó lòng giảm sâu hơn nữa.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)