Chủ đầu tư Khu dân cư Nam Sài Gòn bỏ trốn, chính quyền kêu gọi khách hàng cung cấp thông tin

Chính quyền đề nghị khách hàng mua đất nền ở Khu dân cư Nam Sài Gòn cung cấp các loại giấy tờ để UBND TP.HCM xem xét giải quyết.

Chủ đầu tư bỏ trốn

UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa có thông báo về việc thu thập thông tin các hộ dân mua đất trong Khu dân cư Nam Sài Gòn do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Phi Long làm chủ đầu tư trên địa bàn xã.

Cư dân từng nhiều lần kêu cứu ở Khu dân cư Nam Sài Gòn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cư dân từng nhiều lần kêu cứu ở Khu dân cư Nam Sài Gòn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo đó, UBND xã Phong Phú đề nghị các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức liên hệ UBND xã cung cấp các loại giấy tờ như hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư… của các lô đất trong Khu dân cư Nam Sài Gòn để địa phương có cơ sở tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét giải quyết.

“Đề nghị các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức sớm cung cấp các loại giấy tờ nêu trên cho UBND xã Phong Phú trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ra thông báo này”, thông báo nêu.

Trước đó, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 10585/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, đề nghị thanh tra toàn diện tất cả dự án của Công ty Phi Long trên địa bàn TP.HCM. 

Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Thanh tra TP.HCM nghiên cứu, rà soát về việc tiến hành thanh tra toàn diện các dự án do Công ty Phi Long đang triển khai trên địa bàn TP.HCM theo kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường tại công văn số 7202 vào ngày 26/7/2018.

Văn bản số 10585 yêu cầu Thanh tra TP.HCM đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định giao đất nếu vi phạm pháp luật.

Đến ngày 3/3 Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan liên quan đến việc xử lý vi phạm của Công ty Phi Long tại dự án thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Cụ thể, UBND TPHCM giao huyện Bình Chánh yêu cầu Công ty Phi Long tự tháo dỡ các công trình xây dựng không phép tại dự án nói trên. Trường hợp không thực hiện sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Liên quan đến dự án của Công ty Phi Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đang thụ lý đơn của 3 doanh nghiệp và tập thể tố cáo Công ty Phi Long. Các dự án của Công ty Phi Long bị tố cáo gồm dự án Khu dân cư Phi Long 5 và dự án Khu dân cư Hải Yến tại xã Bình Hưng, dự án Khu dân cư Huy Hoàng và dự án Khu dân cư Nam Sài Gòn tại xã Phong Phú.

Công ty Phi Long được thành lập lần đầu ngày 27/5/2002. Hiện tại, trụ sở chính của Công ty Phi Long tại số 1, đường 28, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Tới ngày 29/6/2017, Công ty Phi Long nâng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên mức 2.459 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông được có sự tham gia của Công ty TNHH Thương mại Tư vấn Đầu tư Văn hóa Việt với 25 tỷ đồng (chiếm 3,125% vốn điều lệ) và ông Phạm Xuân Long với 775 tỷ đồng (chiếm 96,875% vốn điều lệ).

Hiện tại, ông Lê Văn Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên và người đại diện theo pháp luật sau khi Công ty Phi Long tăng vốn lên mức 15.193 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Xuân Long góp tới 15.188 tỷ đồng.

Công an TP.HCM xác định, ông Phạm Xuân Long (sinh năm 1959, ngụ phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM) là chủ sở hữu 4 dự án mà Công ty Phi Long đang bị tố cáo. Tuy nhiên do ông Long không có mặt tại địa chỉ thường trú nên cơ quan cảnh sát điều tra ra thông báo truy tìm để làm rõ các nội dung tổ chức, cá nhân tố cáo.

Nhiều tai tiếng

Tại công văn số 7202, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM nêu rõ, dự án Khu dân cư Nam Sài Gòn được UBND TP.HCM ra Quyết định số 3104/QĐ-UB ngày 30/6/2004 thu hồi hơn 19 ha đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và giao cho Công ty TNHH Đầu tư, nay đổi tên thành Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long, để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Trụ sở Công ty Phi Long xây trái phép ở Khu dân cư Nam Sài Gòn. 
Trụ sở Công ty Phi Long xây trái phép ở Khu dân cư Nam Sài Gòn. 

Đã 14 năm trôi qua, nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư liên tục thay đổi người đại diện pháp luật, chuyển trụ sở từ TP.HCM về tỉnh Tây Ninh.

Công ty Phi Long cũng bị tố tự đo đạc, lập bản đồ quy hoạch phân lô tổng thể, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để kêu gọi hợp tác đầu tư. Chủ đầu tư dự án này cũng tự tiến hành san lấp và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án, khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Trong đó, có hai căn nhà và san lấp rạch trái phép, vi phạm về quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Trụ sở của Công ty Phi Long bên trong dự án Khu dân cư Nam Sài Gòn cũng là xây dựng trái phép.

Hồi tháng 4/2018, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã 2 lần mời đại diện của Công ty Phi Long làm việc về các vấn đề liên quan tới thực hiện dự án Khu dân cư Nam Sài Gòn. Tuy nhiên, Công ty Phi Long đã không cử người đại diện tới tham dự các cuộc họp này. Trong công văn gửi Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM vào ngày 27/4/2018, Công ty Phi Long cho biết, chỉ có một người và lịch họp trùng khớp với các dự án khác tại miền Trung, nên không thể dự họp theo thư mời.

Đến ngày 4/5/2018, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã cùng với các đơn vị liên quan và có sự tham dự của nhân viên Công ty Phi Long công bố kết quả kiểm tra hiện trạng Khu dân cư Nam Sài Gòn.

Kết quả cho thấy, Công ty Phi Long đã vi phạm nhiều quy định như san lấp các rạch trái phép, chưa thực hiện lập lại quy hoạch chi tiết 1/500, trình duyệt và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định, để làm cơ sở cho việc thi công san lấp, hay như việc đầu tư xây dựng 2 căn nhà không phép.

Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM tiến hành thanh tra để xác định các vi phạm của chủ đầu tư, làm cơ sở để thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương