Phân biệt chủng tộc: căn bệnh mãn tính của nước Mỹ

Bao năm qua, ẩn sau bức màn đa văn hóa của xã hội Mỹ vẫn âm ỉ tình trạng phân biệt sắc tộc, một căn bệnh mãn tính khó lòng chữa được.

Nhắc tới kỳ thị chủng tộc, không thể không nhắc tới nước Mỹ. Đây là mảnh đất đa chủng tộc nhất trên thế giới, cũng là nơi vấn nạn này rõ rệt và gay gắt hơn bất cứ đâu. Từ những ngày đầu lập quốc, người da màu đã phải chịu số phận thiệt thòi khi bị đem bán làm nô lệ và bị những ông chủ da trắng đối xử tàn nhẫn.

Cái chết của một người đàn ông Mỹ gốc Phi, 46 tuổi có tên George Floyd hôm tuần trước đã làm dấy lên phong trào chống cảnh sát, chống phân biệt chủng tộc, làn sóng phản kháng có nguy cơ lan ra khắp cả nước.

Phân biệt chủng tộc trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Phân biệt chủng tộc trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.

 Người Mỹ da trắng được trao các đặc quyền và quyền lợi hợp pháp hoặc xã hội trong khi các quyền tương tự bị từ chối đối với các chủng tộc và dân tộc thiểu số khác. Người Mỹ gốc Âu đặc biệt là những người theo đạo Tin lành Anglo-Saxon da trắng giàu có, được hưởng các đặc quyền độc quyền trong các vấn đề giáo dục, nhập cư, quyền bầu cử, quyền công dân, thu hồi đất và thủ tục hình sự trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Một lần nữa người ta lại thấy, ẩn sau bức tranh đa sắc của một nước Mỹ phồn vinh, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ, là mâu thuẫn gay gắt giữa các hệ phái tư tưởng dân tộc, là sự thù hận sắc tộc chỉ cần có cơ hội là bùng phát thành bạo lực.

Những người nhập cư không theo đạo Tin lành từ châu Âu, đặc biệt là người Ireland, Ba Lan và người Ý, thường bị loại trừ bài ngoại và các hình thức phân biệt đối xử dân tộc khác trong xã hội Mỹ cho đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, các nhóm như người Do Thái và người Ả Rập đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử liên tục ở Hoa Kỳ và kết quả là một số người thuộc các nhóm này không xác định là người da trắng. Người Đông, Nam và Đông Nam Á đã đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc tương tự ở Mỹ.

Trong đó nổi cộm lên là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu. 

Nước Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm cho rằng đất nước này được xây lên từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, rằng những “hòn đá tảng” đầu tiên làm nên nước Mỹ được đặt bởi những người đàn ông da trắng. Ngay sau cuộc nội chiến (từ năm 1861 - 1865), Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp.

Bên ngoài thánh đường Tree of Life, nơi xảy ra vụ nổ súng tấn công người Do Thái.
Bên ngoài thánh đường Tree of Life, nơi xảy ra vụ nổ súng tấn công người Do Thái.

Thế nhưng, như một nhà nghiên cứu Pháp nhận xét, xung đột sắc tộc ở Mỹ giống như bệnh AIDS, virus HIV chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và hễ có cơ hội là ngay lập tức phát tác. Soi lại lịch sử, trong một thế kỷ gần đây, Mỹ luôn vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc.

Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc kể trên không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một xã hội bị rạn nứt, thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ. Có chăng những vết nứt đó mới chỉ tạm thời được xóa nhòa bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng. Nhưng sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, cả với người da đen lẫn da trắng, chưa bao giờ “chết”, chúng chỉ “ngủ” và có thể thức dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố đánh thức.

Có thể kể ra một số vụ việc điển hình đụng độ sắc tộc ở Mỹ như: Ngày 14/8/2014, Michael Brown, 18 tuổi, người Mỹ gốc Phi không có vũ khí bị bắn chết ở Ferguson, bang Missouri dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc. Sau đó 1 năm ngày 26/6/2015: 9 người Mỹ gốc Phi ở nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal ở Charleston, bang South Carolina bị Dylann Roof, kẻ cực đoan da trắng sát hại. Cuộc thảm sát diễn ra vào ngày 7/7/2016 khi Alton Sterling, một người da đen bị cảnh sát da trắng đè xuống đất, sau đó bắn nhiều phát ở cự ly gần tại Baton Rouge, Los Angeles...

Nguy hiểm hơn là sau hàng chục năm gần như biến mất khỏi đời sống xã hội Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ tái sinh như tổ chức 3K vốn chủ trương đề cao thuyết người da trắng thượng đẳng.

Hình ảnh George Floyd bị cảnh sát dùng đầu gối đè lên cổ gây phẫn nộ khi được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: The New York Times
Hình ảnh George Floyd bị cảnh sát dùng đầu gối đè lên cổ gây phẫn nộ khi được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: The New York Times

Trở lại với vụ việc xảy ra hồi đầu tuần trước. Ngày 25/5, video liên quan đến vụ việc chấn động đã lan truyền trên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ và nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trong thành phố. Cụ thể, video ghi lại hình ảnh một viên chức của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ) đã bắt giữ George Floyd - một người da đen sinh sống làm bảo vệ tại một nhà hàng ở vùng ngoại ô thành phố.

Sau khi bắt giữ, viên cảnh sát dùng đầu gối đè lên cổ George Floyd trong khi anh liên tục rên rỉ: “Làm ơn, tôi không thở được”. Một số người qua đường cũng kêu gọi các sỹ quan cảnh sát thả George Floyd, nhưng bị phớt lờ. Cảnh sát cho biết George Floyd sau đó đã tử vong trong bệnh viện.

Ngày 27/5, tờ The New York Times nhấn mạnh “đây là công cuộc điều tra mà nhà chức trách bắt buộc phải làm nếu không muốn để giọt nước tràn ly”.

Ngay sau vụ việc, Cảnh sát trưởng Medaria Arradondo của thành phố Minneapolis xác nhận 4 viên cảnh sát tại đây đã bị sa thải. Trong khi đó, Thị trưởng Jacob Frey của Minneapolis cũng lên án: “Là một người da đen ở Mỹ không đồng nghĩa với việc phải lãnh bản án tử hình”. Đồng thời, Thị trưởng Frey mô tả vụ việc trên là “hoàn toàn sai lầm”.

Chính sách cấm nhập cư của Tổng thống Trump nhằm vào các quốc gia Hồi giáo vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân Mỹ cũng như trên thế giới, gây ra làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Ảnh: WBUR
Chính sách cấm nhập cư của Tổng thống Trump nhằm vào các quốc gia Hồi giáo vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân Mỹ cũng như trên thế giới, gây ra làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Ảnh: WBUR

"Quân đoàn Hòa bình Đoàn kết" là một trong nhiều nhóm tình nguyện khắp nước Mỹ được lập ra để chống lại nạn quấy rối người Mỹ gốc Á sau khi đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc.Trong đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc, người ta đã chứng kiến vô vàn câu chuyện thể hiện rõ sự bài người gốc Á ở Mỹ. Một bộ phận cộng đồng người Việt cũng hứng chịu sự phân biệt này.

Nhà sáng lập Leanna Louie cho biết trong vòng 8 tuần, tổ chức của cô đã nộp 24 báo cáo quấy rối.

Đầu tháng 5, máy quay an ninh tại Seattle quay được cảnh một người đàn ông xô một người gốc Á và đánh vào khẩu trang của người này. Từ giữa tháng 3 đến nay, đã có hơn 1.800 vụ phân biệt đối xử liên quan đến COVID-19 khắp nước Mỹ được báo cáo lên trang web "Stop AAPI Hate" giám sát các tội ác thù hằn người Mỹ gốc Á.

Hồi đầu tháng 2, Trang Dong, một người Mỹ gốc Việt 21 tuổi, đã chia sẻ video trên ứng dụng TikTok. Trong clip, Dong và em họ của cô đang cố húp hết nước dùng còn sót lại trong tô phở. Họ pha trò bằng cách dùng đũa để cầm muỗng, theo trang The Verge.

  Sinh viên gốc Á tại Mỹ biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc vì COVID-19. Ảnh: Reuters

Sinh viên gốc Á tại Mỹ biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc vì COVID-19. Ảnh: Reuters

Kể từ đó, video của Dong hứng chịu hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc. “Con dơi ở đâu trong món súp vậy?”, một người dùng TikTok bình luận.

“Ngay từ thời điểm truyền thông đưa tin COVID-19 lan sang Mỹ, những bình luận phân biệt chủng tộc bắt đầu nổi lên. Tôi không hiểu vì sao họ có thể kỳ thị và đùa giỡn về vấn đề khá nghiêm trọng như thế này”, Dong nói với The Verge.

Nhiều người dùng Twitter và Facebook đổ lỗi cho người Trung Quốc, hoặc thậm chí bất kỳ ai trông giống người gốc Hoa trong cộng đồng gốc Á, đã tạo ra và phát tán virus. Nếu nạn nhân phản ứng, một số người dùng mạng xã hội sẽ bảo vệ những bình luận phân biệt chủng tộc của họ rằng đó chỉ là lời nói đùa.

Dong, hiện là sinh viên tại Đại học California, cho biết những từ ngữ và hình ảnh phân biệt chủng tộc làm tổn hại đến hình ảnh cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ.

“Nhiều người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn thường nói hãy tránh xa những người bạn châu Á. Là một người Mỹ gốc Á, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài vĩnh viễn ở đất nước tôi sinh ra”, cô Dong chia sẻ.

Giờ đây, dịch bệnh, thất nghiệp cùng biểu tình bạo lực liên quan tới phân biệt chủng tộc biến nước Mỹ thành "thùng thuốc súng" có thể bắt lửa bất cứ lúc nào.

AN LY (t/h)

Mỹ: Lợi dụng biểu tình, nhóm người quá khích vào Apple Store đập phá, vét sạch iPhone

Mỹ: Lợi dụng biểu tình, nhóm người quá khích vào Apple Store đập phá, vét sạch iPhone

Những nhóm người quá khích đã cố tình phá hoại, trộm đồ và phóng hỏa tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, trong đó có loạt cửa hàng Apple Store.