Sự dối trá của McNamara và Nixon
“The Post” (Tên tiếng Việt là “Bí mật Lầu Năm Góc”) là bộ phim kể lại một phần câu chuyện lịch sử về sự kiện những tờ báo danh tiếng của Mỹ, đi đầu là The Washington Post, cùng với New York Times đã công bố tập tài liệu tối mật có tên “Hồ sơ Lầu Năm Góc” (The Pentagon Papers) của Quốc phòng Mỹ, do bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Robert McNamara và tổng thống đương nhiệm lúc đó, Richard Nixon cất giấu. Động thái dũng cảm này của những người làm báo trên tuyến đầu của mặt trận tin tức Hoa Kỳ thời đó đã phanh phui ra hàng loạt bí mật đen tối của chính phủ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, cũng là bước đệm cho scandal Watergate chấn động chính trường Mỹ năm 1972.
Vụ việc xảy ra từ những năm 1960, vào thời điểm chiến tranh Việt Nam đang sa lầy, Nixon cùng bè lũ của mình đã lạm dụng quyền lực để bưng bít thông tin từ chiến trường, ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.
Khi đó, Daniel Ellsberg, một chuyên gia quân sự của Quốc phòng Mỹ, sau khi tận mắt chứng kiến những đau thương và những đổ máu của cả hai bên, với nguy cơ thảm bại về phía Hoa Kỳ, đã tìm cách ngăn cản McNamara đưa thêm người một cách vô nghĩa vào cuộc chiến. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai mọi sự can ngăn. Trước truyền thông, McNamara vẫn dối trá trắng trợn, vẽ ra một “chiến thắng ảo tưởng” về cuộc chiến ở Đông Nam Á với công chúng Mỹ.
Trước những luận điệu giả tạo của chính quyền Nixon và McNamara, niềm tin của Daniel Ellsberg vào cuộc chiến và nhà cầm quyền Mỹ sụp đổ, ông nghĩ đến việc công bố sự thật về chiến tranh Việt Nam tới công chúng. Bằng nhiều cách khác nhau, ông tìm cách đưa các tài liệu ghi chép lại toàn bộ số liệu thực sự và những bí mật trong việc ngăn chặn tiến trình hòa bình tại Đông Nam Á từ thời tổng thống Harry S. Truman, đến Lyndon B. Johnson, rồi Nixson có tên gọi “Hồ sơ Lầu Năm Góc” đến các cơ quan báo chí.
Daniel Ellsberg |
Tuy nhiên, ngay từ bài đăng đầu tiên của tờ báo đi đầu là New York Times đã gần như ngay lập tức bị chính phủ dập tắt bởi một lệnh dừng xuất bản từ tòa án. Không nhượng bộ, “Hồ sơ Lầu Năm Góc” tiếp tục được đến tay những Biên tập viên của The Washington Post.
Và từ đây, cuộc đối đầu giữa những người đứng đầu một tòa báo hướng về sự thật, với lý tưởng cung cấp những thông tin chân thực, chính xác tới dân chúng và người người nắm quyền cao nhất trong chính phủ Mỹ bắt đầu.
“Đây là câu chuyện tôi cảm thấy cần phải nói với ngày hôm nay”
Ngay khi đọc những trang đầu tiên trong bản thảo từ kịch bản của “The Post”, Steven Spielberg đã nói rằng: “Đây không phải là điều có thể chờ đợi hai hoặc ba năm, đây thực sự là câu chuyện tôi cảm thấy cần phải nói với ngày hôm nay”. Và ngay lập tức, ông cho tạm dừng bộ phim “The Kidnapping of Edgardo Mortara” mà ông đang thực hiện dở dang để bắt tay cho “The Post”.
Với “The Post”, Spielberg nhìn thấy một phần lịch sử và lý tưởng của một nền báo chí Mỹ thời kì huy hoàng nhất (dù cho đến giờ có vẻ hơi xa vời), nhưng ông tin bộ phim sẽ có ý nghĩa lớn trong cuộc đời làm phim của mình và cho cả điện ảnh, báo chí Mỹ nói chung.
Với “The Post”, Spielberg nhìn thấy một phần lịch sử và lý tưởng của một nền báo chí Mỹ |
Sự thực là, dù 45 năm đã trôi qua sau sự kiện “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, thì dường như câu chuyện của “The Post”, của những người cầm bút khi phải đứng giữa ranh giới của một bên là lợi ích kinh tế, là “cơm ăn áo mặc” cho hàng nghìn con người trong tòa soạn, các mối quan hệ, và cao hơn cả là rào cản luật pháp từ những nhà cầm quyền của chính phủ Mỹ, với một bên là SỰ THẬT và nguy cơ tù tội, cho đến nay, vẫn luôn là vấn đề tâm điểm của dư luận.
Đặc biệt, trong thời điểm mối quan hệ của tổng thống Mỹ đương nhiệm là Donald Trump với nhiều tòa báo và cơ quan truyền thông đang ngày một trở nên căng thẳng, thì “The Post” vẫn là câu chuyện mang tính thời đại nóng hổi hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của The Independent, bộ phim thực sự sẽ "là một trong những tác phẩm điện ảnh có vị trí quan trọng trong một thế giới Hollywood đang dần bị chính trị hóa chi phối sau khi Tổng thống Trump vào Nhà trắng”.
Mặc dù có nội dung và cốt chuyện không mới mẻ, nhưng dưới bàn tay điêu luyện của đạo diễn gạo cội Steven Spielberg và bộ ba cộng sự tài năng của ông là quay phim Janusz Kamiński, nhạc soạn nhạc John Williams, và dựng phim Michael Kahn, “The Post” thực sự là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố lịch sử, chính kịch và chất điện ảnh. Phim thành công trong việc tái hiện khung cảnh nước Mỹ những năm 60, 70 của thế kỷ trước với đầy những hoang mang và bất ổn.
Và đặc biệt hơn cả là bức tranh sống động của báo giới Mỹ thời kì đầu với những chiếc máy đánh chữ sơ khai, những tờ báo thơm mùi mực in từ tờ mờ sáng, những con người chạy đua với thông tin từng giây, từng phút, sự đoàn kết của những tờ báo địa phương… một khung cảnh dù phần nào đã được “lý tưởng hóa” nhưng vẫn đầy xúc động và bồi hồi cho bất kì người nào đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí cho đến tận bây giờ.
“The Post” cũng đánh dấu sự kết hợp lần đầu tiên của hai ngôi sao gạo cội là Meryl Streep trong vai Nữ chủ bút dũng cảm của The Washington Post là Katharine Graham và Tom Hank trong vai Tổng biên tập đầy nhiệt tâm Ben Bradlee. Hai vai diễn gần như là “đo ni đóng giày” cho cả hai diễn viên gạo cội vốn đã quá quen thuộc với dạng vai chính kịch.
Steven Spielberg và hai diễn viên chính Meryl Streep và Tom Hank trên phim trường |
Với “The Post”, Meryl Streep đã có sự thể hiện xuất thần, và được ngợi khen là một trong những “màn thể hiện nhiều cảm xúc nhất” của bà trong nhiều năm. Bộ phim được đánh giá là hay nhất trong năm 2017, cả Meryl Streep lẫn Tom Hanks đều lần lượt mang về danh hiệu Nữ và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của giải Hội đồng phê bình phim quốc gia Mỹ (gọi tắt là NBR) và được đề cử cho Nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Oscar năm đó.
Phim thu về 180 triệu đô la trên toàn thế giới, so với ngân sách sản xuất là 50 triệu đô la.
“Đăng hay không đăng?”
“Cha ông lập quốc đã trao quyền Tự Do Báo Chí. Sự tự do mà nó phải có, để thực thi vai trò căn bản của nó trong nền dân chủ của chúng ta. Báo chí là để phục vụ cho quản trị quốc gia, không phải cho nhà cầm quyền”.
Đó là những tuyên bố cuối cùng Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra trong cuộc điện đàm với người đại diện của The Washington Post. Tòa báo trắng án trong vụ kiện.
Katharine Graham, nữ chủ bút đầu tiên của nước Mỹ, trong một xã hội “trọng nam khinh nữ”, giữa sức ép của những người đàn ông đầy định kiến, đã có những quyết định dũng cảm tuyệt vời. Vượt lên trên tất cả những sợ hãi và e ngại, bà đã đứng về phía SỰ THẬT với những quyết định có ảnh hưởng đến cả lịch sử nước Mỹ.
Katharine Graham, nữ chủ bút của Washington Post ngoài đời thực |
Bên cạnh Katharine, một Tổng biên tập Ben Bradlee luôn sục sôi nhiệt huyết và tranh đấu, với ông “Cách duy nhất để xác quyết quyền tự do ngôn luận chính là tự do ngôn luận”, ông không chùn bước và do dự trước bất cứ một trở ngại nào. Ben đại diện cho một thế hệ nhà báo biết dùng ngòi bút làm vũ khí bảo vệ sự thật, dám dũng cảm đứng ra phơi bày mặt trái của xã hội. Chiến thắng của The Washington Post cũng chính là chiến thắng của Tự do ngôn luận, Tự do báo chí, xác lập lại quyền xuất bản và nói lên sự thật của một cơ quan báo chí trước công chúng.
Ngay từ khi ra mắt, bộ phim vấp phải một vài tranh cãi nhỏ về vai trò của tờ New York Times trong vụ “Hồ sơ Lầu Năm Góc” trong phim bị coi nhẹ. Bên cạnh đó là vai trò của nhân vật Daniel Ellsberg (Matthew Rhys đóng) cũng bị khá lu mờ so với Katharine và Ben. Đây là những chi tiết bị coi là hơi sai khác so với lịch sử.
Tom Hank (vai Ben Bradlee) trong phim |
Tuy nhiên, sau tất cả, “The Post” vẫn là bức tranh tuyệt đẹp về sức mạnh của báo chí cùng những giá trị sâu rộng của nó đối với con người và xã hội. Như câu nói mà Katharine Graham nhắc lại lời người chồng quá cố của mình: “Tin tức là phác thảo thô sơ của lịch sử”, và lịch sử ở bất kì thời đại nào, cũng cần được nói lên bằng SỰ THẬT.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam
Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên.