Rạng sáng ngày 21/5 (theo giờ Việt Nam), Giải thưởng Văn học Quốc tế Booker (International Booker Prize) danh giá đã xướng tên tác giả người Ấn Độ Banu Mushtaq cùng dịch giả Deepa Bhasthi với tuyển tập truyện ngắn "Heart Lamp". Tác phẩm là một bức tranh sống động về cuộc sống và những cuộc đấu tranh thầm lặng của phụ nữ miền Nam Ấn Độ, được chắp bút trong suốt hơn ba thập kỷ.
![]() |
Tác giả Banu Mushtaq cùng dịch giả Deepa Bhasthi |
Tại buổi lễ trang trọng diễn ra ở Tate Modern, London, tác giả Max Porter, người từng lọt vào danh sách dài của giải Booker và hiện là chủ tịch hội đồng giám khảo 5 thành viên, đã công bố quyết định lịch sử này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải International Booker Prize, một tuyển tập truyện ngắn được vinh danh.
Chiến thắng này cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng, đó là Deepa Bhasthi trở thành dịch giả người Ấn Độ đầu tiên, và cũng là nữ dịch giả thứ chín, giành giải thưởng này kể từ khi giải đổi tên và thể thức vào năm 2016. Trong khi đó, tác giả Banu Mushtaq trở thành nữ văn sĩ thứ sáu đạt được vinh dự này.
"Heart Lamp" được viết bằng tiếng Kannada, ngôn ngữ bản địa của khoảng 65 triệu người, chủ yếu ở miền Nam Ấn Độ. Vượt qua 5 tác phẩm xuất sắc khác trong vòng chung kết, tuyển tập gồm 12 truyện ngắn được viết từ năm 1990 đến 2023.
Không chỉ là một tiếng nói nổi bật của văn học Kannada cấp tiến, bà Banu Mushtaq còn là một luật sư và một nhà hoạt động nữ quyền. Trong một sự kiện đọc sách, bà Banu Mushtaq đã chia sẻ về thông điệp sâu sắc ẩn chứa trong tác phẩm của mình.
"Những câu chuyện này là về phụ nữ, về cách mà tôn giáo, xã hội và chính trị đòi hỏi sự vâng lời tuyệt đối từ họ, và khi làm như vậy, đã gây ra sự tàn ác vô nhân đạo, biến họ thành những người chỉ biết phục tùng".
Theo ông Max Porter, các truyện ngắn "đầy yếu tố nữ quyền đã làm nên thương hiệu Mushtaq. Và chúng miêu tả xuất sắc hệ thống phụ quyền cũng như nỗ lực phản kháng lại hệ thống đó”. Nhưng đó không phải những câu chuyện tuyên truyền vận động. Trên hết đó vẫn là những tường thuật nên thơ về cuộc sống thường nhật và nhất là cuộc đời của những người phụ nữ.
![]() |
Bà Banu Mushtaq tại lễ trao giải |
Ông chia sẻ niềm vui khi chứng kiến sự đánh giá ngày càng cao của các thành viên ban giám khảo dành cho những câu chuyện này.
"Những câu chuyện đẹp đẽ, đầy sức sống này vươn lên từ tiếng Kannada, xen kẽ với sự phong phú chính trị-xã hội phi thường của các ngôn ngữ và phương ngữ khác", Porter nhận định. "Tác phẩm khắc họa cuộc sống của phụ nữ, quyền sinh sản, đức tin, đẳng cấp, quyền lực và sự áp bức".
Ông Max Porter cũng dành những lời khen ngợi đặc biệt cho bản dịch của Deepa Bhasthi, gọi đó là một tác phẩm "đột phá".
Hầu hết bản dịch đều nhắm đến sự "vô hình" để độc giả không cảm nhận rằng đang đọc một tác phẩm dịch. Song “Heart Lamp” thì ngược lại, đầy những lối diễn đạt và cách nói chuyện của người Ấn, khiến 12 câu chuyện có "sức sống phi thường".
Theo ông Porter, các tác phẩm dịch của Bhasthi "tôn vinh sự chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Bản dịch bao gồm đa dạng sắc thái tiếng Anh. Một bản dịch lớp lang".
Trong cuộc phỏng vấn với Scroll.in hồi đầu năm, Bhasthi từng nói: "Khi dịch một tác phẩm, mục tiêu là giới thiệu đến độc giả ngôn từ mới… Tôi gọi đó là dịch thuật kèm theo phương ngữ, nhắc nhở người đọc rằng họ đang đọc một tác phẩm đặt trong bối cảnh một nền văn hóa khác, nhưng dĩ nhiên là không khiến cuốn sách trở thành một thứ ngoại lai xa lạ".
![]() |
Giải thưởng International Booker Prize trị giá 50.000 bảng Anh (tương đương 66.000 USD) sẽ được chia đều giữa tác giả và dịch giả. Cả hai cũng sẽ nhận được một chiếc cúp danh dự.
Ra đời vào năm 2005, International Booker Prize ban đầu được trao cho một tác giả nhằm tôn vinh toàn bộ văn nghiệp của họ. Nhưng kể từ năm 2016, giải thưởng trao cho cuốn sách dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Anh hoặc Ireland trong vòng 12 tháng trước đó.
Giải thưởng International Booker Prize được trao hàng năm, song song với giải Booker dành cho tác phẩm hư cấu tiếng Anh, dự kiến sẽ được công bố vào mùa thu.
Người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng Booker với tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Orbital
Nữ nhà văn người Anh Samantha Harvey đã xuất sắc giành giải thưởng văn học Booker 2024 danh giá với tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Orbital.