Giữ lửa ‘tổ ấm’ từ sự thấu hiểu và yêu thương đúng cách

Từng là kỹ sư thành đạt, gần 15 năm đào tạo hệ thống kinh doanh, chị Trân và chồng đã chọn một ngã rẽ khác làm Life Coach chuyên sâu về hôn nhân, tình cảm và tâm lý gia đình.

Với giọng nói dịu dàng nhưng đầy nội lực, chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân đã trở thành người đồng hành tin cậy của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam trên hành trình tìm lại chính mình, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Từng là kỹ sư thành đạt, trải qua gần 15 năm đào tạo hệ thống kinh doanh, chị Trân và chồng đã chọn một ngã rẽ khác làm Life Coach chuyên sâu về hôn nhân, tình cảm và tâm lý gia đình.

Cuộc trò chuyện của Phóng viên Tạp chí Phụ Nữ Mới dưới đây hé mở hành trình đầy cảm hứng đó.

Phóng viên: Thưa chị, chị có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực tâm lý học và tư vấn hôn nhân, gia đình?

Chuyên gia Trương Thị Bảo Trân: Trước khi trở thành Life Coach chuyên sâu về hôn nhân và đời sống tình cảm, tôi và chồng đã có gần 15 năm làm công tác đào tạo hệ thống kinh doanh. Công việc giúp chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều phụ nữ đang gồng mình gánh vác gia đình, doanh nghiệp nhưng lại thường xuyên hoang mang, tổn thương. Họ tâm sự rất nhiều về cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn, những mâu thuẫn kéo dài và cảm giác cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Điều khiến chúng tôi day dứt là họ đều rất nỗ lực, nhưng lại chưa chạm được vào gốc rễ vấn đề.

Từ sự trăn trở đó, tôi và chồng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về tâm lý học, các phương pháp nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình và ứng dụng chúng vào thực tế cuộc sống. May mắn thay, chúng tôi được tiếp cận với những kiến thức khoa học, bài bản, giúp ích rất nhiều trong việc hiểu và hỗ trợ phụ nữ. Đó cũng là bước ngoặt lớn đưa chúng tôi chuyển hướng sang lĩnh vực tư vấn tâm lý, nơi mà sự chữa lành và yêu thương đóng vai trò trung tâm.

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân và chồng, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Anh Tuấn
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân và chồng, Chuyên gia tâm lý Nguyễn Anh Tuấn

Trước khi trở thành chuyên gia tâm lý, chị từng làm công việc gì? Điều gì trong quãng thời gian ấy khiến chị quyết định rẽ hướng?

- Trước khi làm tâm lý, tôi và chồng đều là kỹ sư làm việc trong các tập đoàn nước ngoài. Sau này, chúng tôi chuyển sang làm đào tạo hệ thống, tập trung hỗ trợ phát triển con người trong tổ chức. Trong hành trình ấy, chúng tôi nhận ra, điều khiến con người hạnh phúc không phải là thành tích hay tiền bạc, mà là cảm giác được yêu thương và kết nối với người thân yêu.

Việc trở thành Life Coach giúp chúng tôi phát huy mọi kỹ năng đã tích lũy, đồng thời củng cố chính mối quan hệ của vợ chồng mình. Nghề này không chỉ giúp người khác chữa lành mà còn giúp bản thân mỗi ngày tiến bộ hơn, sâu sắc hơn trong cách yêu thương và sống ý nghĩa.

Trong suốt nhiều năm làm nghề, chị thấy đâu là vấn đề tâm lý phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam hiện đại đang đối mặt?

Tôi nhận thấy, rất nhiều phụ nữ hiện đại mắc phải sai lầm từ tư duy. Họ thiếu kiến thức nền tảng trong nuôi dưỡng hôn nhân nhưng lại mang theo nhiều kỳ vọng không thực tế. Họ muốn có một người chồng hoàn hảo, một gia đình trọn vẹn nhưng lại chưa biết cách giao tiếp đúng, hiểu mình và hiểu người. Điều đó khiến những mâu thuẫn nhỏ dần trở thành những vết thương sâu, tích tụ lâu ngày thành khoảng cách lớn.

Hạnh phúc gia đình là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực hàng ngày trong từng hành động, từng lời nói và cách ứng xử. Khi phụ nữ bắt đầu thay đổi từ tư duy, từ cách họ nhìn nhận và yêu chính mình, hôn nhân sẽ dần chuyển hóa theo chiều hướng tích cực.

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân

Chị có thể kể lại một trường hợp khiến chị xúc động nhất khi tư vấn cho một người phụ nữ đang bế tắc trong hôn nhân?

- Tôi từng đồng hành cùng chị Minh Anh, một người phụ nữ đang rơi vào trầm cảm nặng vì mâu thuẫn vợ chồng kéo dài. Chị gần như mất hết hy vọng, tâm lý kiệt quệ, từng tìm đến nhiều phương pháp như chữa lành tâm linh, tư vấn chuyên môn nhưng không hiệu quả. Mỗi ngày đối với chị là một cuộc chiến chống chọi với chính mình.

Khi đến với cộng đồng của tôi, chị không kỳ vọng nhiều. Nhưng sau ba tháng, điều kỳ diệu đã xảy ra: chị thay đổi từ bên trong, lấy lại năng lượng sống, biết yêu thương bản thân và kết nối lại với chồng. Họ không chỉ hàn gắn mà còn yêu nhau như thuở mới cưới. Đó là một hành trình khiến tôi xúc động mãi, và cũng là lý do tôi vững tin rằng: mọi phụ nữ đều có thể chữa lành nếu được đồng hành đúng cách.

Theo chị, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những rạn nứt trong đời sống gia đình hiện nay là gì?

Theo tôi, để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những rạn nứt trong đời sống hôn nhân hiện nay, cần đặt nó trong bối cảnh thay đổi căn bản về nhận thức cá nhân, đặc biệt là sự chuyển dịch vai trò và nhu cầu trong mối quan hệ vợ chồng qua từng thời kỳ lịch sử.

Trước đây, khái niệm “bạn đời” gắn liền với sự phân công truyền thống: người chồng đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế, người vợ tập trung chăm sóc con cái và giữ lửa gia đình. Khi mỗi người hoàn thành tốt phần việc của mình, hôn nhân thường được xem là đủ đầy và ổn định.

Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã làm thay đổi sâu sắc bức tranh ấy. Hôn nhân không còn chỉ là sự gắn kết trên nền tảng vật chất, mà trở thành hành trình đồng hành về cảm xúc, nơi cả hai cùng thấu hiểu, sẻ chia và nuôi dưỡng lẫn nhau. Phụ nữ ngày nay không chỉ cần một người chồng có khả năng tài chính, mà còn cần một người bạn đời biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc thật lòng. Ngược lại, đàn ông cũng khao khát được ghi nhận, được trân trọng và cảm nhận sự tin tưởng từ người vợ. Sự ghi nhận này không chỉ dừng lại ở lời nói, mà còn thể hiện qua thái độ, hành động và cách ứng xử hằng ngày.

Một trong những áp lực lớn mà phụ nữ hiện đại đang đối mặt là kỳ vọng kép, đó là vừa phải thành công trong công việc, vừa duy trì vai trò truyền thống trong gia đình, trong khi vẫn phải giữ được sự mềm mại, nữ tính. Chính điều này khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, và đôi khi không còn đủ năng lượng để thể hiện sự yêu thương, nâng đỡ với người bạn đời, đó là điều mà đàn ông rất cần để duy trì sự kết nối trong hôn nhân.

Khi những nhu cầu tinh thần không được đáp ứng đầy đủ, cộng với áp lực xã hội ngày càng lớn, khoảng cách cảm xúc giữa hai người dễ dàng hình thành và ngày càng giãn rộng. Từ đó dẫn đến hiểu lầm, tổn thương và rạn nứt khó hàn gắn.

Vì vậy, để gìn giữ một cuộc hôn nhân bền vững trong thời đại hiện nay, bên cạnh việc chia sẻ trách nhiệm về tài chính và công việc gia đình, điều cốt lõi là cả hai phải không ngừng vun đắp sự thấu hiểu và ghi nhận lẫn nhau, đó mới là nền tảng lâu dài cho một mối quan hệ hạnh phúc và trưởng thành.

 Chị thường áp dụng phương pháp nào để giúp các cặp đôi, đặc biệt là người vợ, người mẹ, tìm lại tiếng nói chung trong gia đình?

-Tôi xây dựng phương pháp “Giảm muối - Tăng đường”, với thông điệp giảm bớt những lời nói, hành vi gây tổn thương và tăng cường sự ngọt ngào, thấu hiểu trong giao tiếp gia đình. Cốt lõi của phương pháp này là hai kỹ năng quan trọng “nghe chủ động” lắng nghe không phán xét, và “nói đúng cách” là lựa chọn ngôn từ tích cực, khích lệ và chân thành.

Tôi khuyến khích các cặp đôi duy trì những hành vi tích cực hàng ngày như: nói lời cảm ơn, dành thời gian chất lượng bên nhau, hay chỉ đơn giản là một câu nói dịu dàng vào đầu hoặc cuối ngày. Những điều nhỏ nhưng đều đặn này sẽ nuôi dưỡng cảm xúc và giữ vững sự gắn kết trong gia đình.

Với các trường hợp phức tạp như bạo lực gia đình, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, tôi thường phối hợp cùng bác sĩ tâm thần, chuyên gia trị liệu hoặc hội phụ nữ để xây dựng lộ trình hỗ trợ toàn diện. Đồng thời, tôi cũng luôn chú trọng chăm sóc tinh thần của chính mình để có thể đồng hành bền bỉ cùng khách hàng.

Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bảo Trân

Tôi tin rằng, hạnh phúc vợ chồng phụ thuộc rất lớn vào cách giao tiếp. Những lời nói tích cực như “Em tin anh luôn yêu thương gia đình” hay “Em biết ơn vì anh đã cố gắng” sẽ tiếp thêm động lực và giúp người bạn đời mở lòng. Ngược lại, chỉ trích hay trách móc dễ khiến đối phương thu mình và tạo ra khoảng cách. Vì vậy, hãy nói ít “muối”, thêm nhiều “đường”, để tình cảm vợ chồng được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Khi chịu nhiều áp lực tinh thần, người vợ nên làm gì để giữ lửa tổ ấm? Vì sao chị sáng lập “Cộng đồng giảm muối - tăng đường”? Phản hồi từ cộng đồng này thế nào?

Giữ lửa hôn nhân bắt đầu từ việc người vợ biết yêu thương và chăm sóc bản thân. Khi cảm xúc được cân bằng, sự tích cực sẽ lan tỏa đến gia đình. Dù áp lực đến đâu, những hành động nhỏ như một cái ôm, một lời hỏi han hay thời gian chất lượng bên nhau đều có thể giữ ấm tình cảm. Việc giao tiếp theo tinh thần “giảm muối - tăng đường” sẽ giúp xây dựng sự thấu hiểu và gắn kết bền vững.

Chính từ tinh thần đó, tôi sáng lập “Cộng đồng giảm muối - tăng đường” với mong muốn giúp phụ nữ loại bỏ năng lượng tiêu cực trong giao tiếp và nuôi dưỡng hạnh phúc từ bên trong. Phản hồi từ cộng đồng rất tích cực, nhiều chị em chia sẻ họ đã tìm lại sự bình an, cải thiện quan hệ vợ chồng và cảm nhận rõ sự đổi thay trong đời sống gia đình.

Chị có kế hoạch gì để mở rộng hỗ trợ phụ nữ ở vùng nông thôn? Chị kỳ vọng gì ở cộng đồng Hội Phụ nữ trí thức hiện nay?

Chúng tôi đang phối hợp với các hội phụ nữ, tổ chức phi chính phủ và địa phương để tổ chức các buổi chia sẻ trực tiếp tại nông thôn. Đồng thời phát triển hệ thống nội dung số dễ hiểu, ngắn gọn qua livestream, podcast và video ngắn.

Chúng tôi mong muốn không ai bị bỏ lại phía sau. Dù ở bất cứ đâu, mọi phụ nữ đều xứng đáng được sống hạnh phúc, được hỗ trợ để phát triển và gìn giữ gia đình mình.

Là một thành viên tích cực của Hội Phụ nữ trí thức Việt Nam, tôi mong rằng phụ nữ trí thức không chỉ là người giỏi chuyên môn mà còn là người lan tỏa hạnh phúc. Họ có khả năng ảnh hưởng, định hình tư duy cộng đồng. Nếu mỗi người sống ý thức, yêu thương và sẻ chia, chúng ta sẽ có một thế hệ phụ nữ vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng, góp phần xây dựng một xã hội tử tế và nhân văn hơn.

Trân trọng cảm ơn chị!

Mai Anh

Độc lạ hôn nhân: Quen 20 ngày đã cưới, cô vợ chia sẻ khoảnh khắc kì lạ giữa 2 vợ chồng khiến người xem ái ngại

Độc lạ hôn nhân: Quen 20 ngày đã cưới, cô vợ chia sẻ khoảnh khắc kì lạ giữa 2 vợ chồng khiến người xem ái ngại

Trên xe, mặc dù đã là vợ chồng nhưng họ lại lúng túng, ngại ngùng như hai người xa lạ.

Đọc nhiều nhất