Chiều 26/3, Bộ Y tế thông tin trong thời gian vừa qua có nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng nhận được đề xuất nghiên cứu về buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được hội đồng khoa học cấp bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus, an toàn đối với người sử dụng.
Buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm dạng 1 buồng (phun sương dung dịch Clo hoạt tính), hoặc loại 2 buồng nối tiếp nhau (buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương cỡ hạt sương 5µm và nước điện hóa. Nước điện hóa là dung dịch anolyte hay nước Javel, khử khuẩn bằng Clo hoạt tính).
Theo Bộ Y tế, ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào. Không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.
Chưa kể, Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt.
Trong thời gian Bộ Y tế xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn. Người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết. Nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có nồng độ cồn ít nhất 60%...
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây, là tại sao một sản phẩm liên quan đến sức khoẻ lại không được các cơ quan chức năng kiểm định trước khi được bán rộng rãi trên thị trường. Nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân dễ dàng đặt niềm tin với những sản phẩm có thể bảo vệ mình. Và tại sao, đến khi các cơ quan truyền thông đặt vấn đề, thì Bộ Y tế mới đưa ra thông báo, trong khi, lý ra Bộ nên là đơn vị chủ động trong chuyện này.
Nhật Bản dự định tạm đóng cửa biên giới - Indonesia ngừng nhập cảnh đối với du khách 11 nước và vùng lãnh thổ
Ngày 29/11, Chính phủ Nhật Bản sẽ thông báo quyết định ngừng nhập cảnh đối với hầu hết du doanh nhân và sinh viên nước ngoài, một biện pháp cương quyết nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 trong bối cảnh xuất hiện siêu biến chủng mới Omicron.