Nhà hàng không đóng cửa để phòng dịch COVID-19 bị phạt thế nào?

Nhiều nhà hàng, cửa hiệu được yêu cầu đóng cửa để tránh tập trung đông người. Những cơ sở kinh doanh này nếu không thực hiện nghiêm sẽ bị xử phạt nặng.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nhà hàng, cửa hiệu được yêu cầu đóng cửa để tránh tập trung đông người. Những cơ sở kinh doanh này nếu không thực hiện nghiêm sẽ bị xử phạt nặng.

TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhằm phòng, chống COVID-19.

Ngày 14/3, tại Công văn 905/UBND-VX, thành phố đã yêu cầu yêu cầu tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu kể từ 18h, ngày 15/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020.

Đã có 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke, massage, rạp chiếu phim, game online phải đóng cửa sau Công văn này.

Đến ngày 24/3, địa phương này tiếp tục ban hành Công văn số 1049/UBND-TH về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nhà hàng không đóng cửa theo yêu cầu bị phạt nặng. Ảnh minh họa.
Nhà hàng không đóng cửa theo yêu cầu bị phạt nặng. Ảnh minh họa.

Công văn này yêu cầu toàn bộ các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên, câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP.HCM phải tạm dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020.

Trước đó, tại Thông báo số 118/TB-VPCP ban hành ngày 21/3/2020, Thủ tướng cũng đã yêu cầu tạm thời đóng của các cơ sở dịch vụ giải trí như karaoke, mát-xa… 

Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những cơ sở cố tình “phớt lờ” cũng không hiếm.

Cửa hàng không đóng cửa theo yêu cầu phòng COVID-19 bị phạt thế nào?

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch là một trong những biện pháp phòng, chống dịch.

Theo hướng dẫn tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP, điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng, gồm:

- Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

- Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.

COVID-19 là dịch bệnh hô hấp thuộc nhóm A, vì thế hoàn toàn có đủ cơ sở để ban hành biện pháp đóng cửa nhà hàng, dịch vụ công cộng nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Việc xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh “chống đối” yêu cầu tạm đóng cửa của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Khoản 4 Điều 11 Nghị định này quy định như sau:

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Như vậy, nếu không đóng cửa theo yêu cầu, cơ sở kinh doanh bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

COVID-19 là dịch bệnh mang tính chất toàn cầu. Hầu như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều đã có người nhiễm bệnh.

Cả đất nước đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch. Việc tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh nhằm hạn chế tập trung đông người không chỉ để tránh bị xử phạt mà còn là hành động thể hiện ý thức vì cộng đồng.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương