Các nhà báo, chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm truyền thông về bình đẳng giới

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Tọa đàm “Giới và báo chí” đã tạo ra một không gian để các nhà báo và các chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm truyền thông về giới
Toàn cảnh Toạ đàm
Toàn cảnh Toạ đàm "Giới và Báo chí". Ảnh: Hoàng Toàn

Sáng 18/10, tại Hà Nội, nhóm G4 – bao gồm Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, Newzealand, Thụy Sĩ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, phối hợp với Câu lạc bộ nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm: Giới và Báo chí. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2023).

Tham dự Tọa đàm có Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken; Đại sứ Newzealand Tredenen Dobson; Đại sứ Canada Shawn Style; Phó Đại sứ Thụy Sĩ Aldo De Luca; ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.

Tọa đàm có sự tham gia của TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông. Ảnh: Hoàng Toàn
Tọa đàm có sự tham gia của TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông. Ảnh: Hoàng Toàn

Phát biểu chào mừng, bà Hilde Solbakken Đại sứ Na Uy nhấn mạnh bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng được đưa vào chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển của Liên Hợp quốc. Và báo chí có sức mạnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hide Solbakken Phát biểu chào mừng. Ảnh: Hoàng Toàn
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hide Solbakken Phát biểu chào mừng. Ảnh: Hoàng Toàn

“Tôi rất mong mỏi được lắng nghe ý kiến của các nhà báo về các kinh nghiệm, các trải nghiệm khi đưa tin bài liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực giới, những kinh nghiệm giúp tránh việc củng cố khuôn mẫu giới, cách thức nâng cao nhận thức cho những nhà báo trẻ…” - bà Hilde Solbakken Đại sứ Na Uy chia sẻ.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng khẳng định: Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là mục tiêu quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững và một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng. Ảnh: Hoàng Toàn
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng. Ảnh: Hoàng Toàn

“Các phương tiện báo chí, truyền thông giữ một vị trí đặc biệt trong việc định hình nhận thức và quan điểm của công chúng. Truyền thông có thể trao quyền, truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi, nhưng cũng có thể duy trì những định kiến và thành kiến có hại. Năng lực kép này nhấn mạnh trách nhiệm to lớn của các nhà báo khi đưa tin về các chủ đề liên quan đến giới.” - Ông Patrick Haverman khẳng định. 

Chia sẻ tham luận với chủ đề “Báo chí và nỗ lực phòng chống bạo lực giới”, bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết: Với tư cách là một đơn vị thông tin nguồn của TTXVN về các lĩnh vực chính trị - xã hội ở trong nước, cung cấp nguồn tin dồi dào, đáng tin cậy cho hệ thống báo chí truyền thông trong và ngoài ngành, công tác thông tin, truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, là một chủ đề được Ban Biên tập tin Trong nước thường xuyên quan tâm triển khai.

Bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ tham luận với chủ đề “Báo chí và nỗ lực phòng chống bạo lực giới”. Ảnh: Hoàng Toàn
Bà Vũ Hương Thủy, Phó Ban tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ tham luận với chủ đề “Báo chí và nỗ lực phòng chống bạo lực giới”. Ảnh: Hoàng Toàn

Mỗi năm, Ban biên tập tin Trong nước đã phát hơn 1000 tin bài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Nội dung thông tin tập trung: (1) Truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là nữ giới; (2) Phản ánh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, toàn xã hội thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới; (3) Phản ánh các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới; (4) Nêu bật Thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; (5) Thông tin các hoạt động góp phần đấu tranh phòng, chống bao lực trên cơ sở giới như: Phòng, chống mại dâm, phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng chống buôn bán người…

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung Số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi truyền thông về giới trên truyền hình. Ảnh: Hoàng Toàn
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung Số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi truyền thông về giới trên truyền hình. Ảnh: Hoàng Toàn

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung Số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), đã chia sẻ những thuận lợi khi truyền thông về giới trên truyền hình là lợi thế về sức mạnh của truyền hình, truyền thông đa nền tảng, lợi thế của các chương trình truyền hình công… Bà Thu Hà cũng cho biết: Vấn đề giới là vấn đề được Đài truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình địa phương rất quan tâm. Điều đó thể hiện qua nhiều chương trình có tên gọi “đậm chất giới” như “Khi phụ nữ làm chủ”, “Người phụ nữ hạnh phúc”... Với những hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn các thông tin về giới do VTV thực hiện được nhiều khán giả đón nhận.

Tuy nhiên, theo bà Hà, định kiến và khuôn mẫu về giới “ăn” quá sâu trong cộng đồng, khiến một số nhà báo khi đưa tin bài cũng bị chi phối bởi định kiến giới. Bên cạnh đó, việc truyền thông về giới còn chịu những ảnh hưởng từ vấn đề kinh tế báo chí, quấy rối tấn công nhà báo nữ và vấn đề chuyển đổi số.

Bà Trần Hoàng Lan, Trưởng Ban Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi tác nghiệp về giới đối với phóng viên công tác tại báo giới. Ảnh: Hoàng Toàn
Bà Trần Hoàng Lan, Trưởng Ban Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi tác nghiệp về giới đối với phóng viên công tác tại báo giới. Ảnh: Hoàng Toàn

Tại Tọa đàm, bà Trần Hoàng Lan, Trưởng Ban Gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô cũng chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi tác nghiệp về giới đối với phóng viên công tác tại báo giới. Bên cạnh những thuận lợi như: Bình đẳng giới là vấn đề được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội và cộng đồng quan tâm. Hội LHPN Hà Nội - cơ quan chủ quản của Báo Phụ nữ Thủ đô cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đấu tranh cho bình đẳng giới. Do đó, báo luôn được tạo điều kiện trong đưa tin về giới, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới…

Tuy nhiên, là tờ báo giới, báo Phụ nữ Thủ đô cũng đang chịu định kiến về giới của xã hội, cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên. Do bị mặc định là tờ báo của riêng nữ giới nên tỷ lệ nam giới đọc báo còn thấp. Nhiều sự kiện về giới được báo tổ chức có tỷ lệ nam giới tham dự ít. Các bài viết trên báo giới chưa đạt được hiệu quả và phạm vi tuyên truyền tới nam giới trong khi đây là lực lượng quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới…

Bà Trần Hoàng Lan kiến nghị: Có giải pháp chống phân biệt đối xử đối với phóng viên làm việc trong các tờ báo giới; cần cởi mở hơn trong cung cấp, tiếp cận thông tin, khai thác thông tin đối với phóng viên ở báo giới; cần có sự quan tâm nhiều hơn về nguồn lực, con người đối với báo giới; nâng cao nhận thức về giới cho các giới; đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của báo giới.

Phó giáo sư Minelle Mahtani, Viện Tư pháp Xã hội, Đại học British Columbia nhấn mạnh: "Công việc của nhà báo là thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ, bởi tiếng nói của phụ nữ thường không được lắng nghe".

“Với tư cách là nhà báo, cần có kiến thức về giới, cẩn thận khi đưa tin bài về giới để thu hút sự chú ý của xã hội cũng như có cách tiếp cận để đảm bảo tính toàn vẹn, sự rộng lượng và độ cẩn trọng”… Một bài báo khi nói về phụ nữ "cần đề cập đến bản chất của người phụ nữ thay vì vẻ bề ngoài của người phụ nữ đó” - Phó giáo sư Minelle Mahtani lưu ý.

 Bà Trần Lệ Thủy, giảng viên truyền thông, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI phân tích tình huống, chia sẻ những điều nên và không nên khi đưa tin về giới. Ảnh: Hoàng Toàn
 Bà Trần Lệ Thủy, giảng viên truyền thông, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI phân tích tình huống, chia sẻ những điều nên và không nên khi đưa tin về giới. Ảnh: Hoàng Toàn

Dưới sự điều phối của bà Trần Lệ Thủy, giảng viên truyền thông, giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, các nhà báo tham dự Tọa đàm cũng đã tham gia thực hành, phân tích tình huống nhằm rút ra được những điều nên và không nên khi đưa tin về giới.

TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam phát biểu bế mạc Tọa đàm. Ảnh Hoàng Toàn
TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam phát biểu bế mạc Tọa đàm. Ảnh Hoàng Toàn

Tổng kết Tọa đàm, TS. Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho biết: Hơn 20 năm qua, CLB Nhà báo nữ Việt Nam cùng với các CLB nhà báo nữ địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, Hội nghị, hội thảo về nhiều vấn đề của đời sống xã hội, trong đó có bình đẳng giới. Những Hội thảo về nghề và giới mà CLB tổ chức đã cung cấp thêm nhiều kiến thức, vốn sống cho các nhà báo nữ. Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam tin tưởng kết quả buổi tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy truyền thông về giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Toàn