“Trụ cột mà, sao dám mệt!”, thông điệp độc hại đang được bình thường hóa

Hãy ngăn những thông điệp khuôn mẫu kìm hãm sự phát triển của những người không thấy mình “vừa vặn” với bất kỳ hình mẫu giới nào.

Anh Hoàng, công nhân nhà máy, cha của năm đứa con. Mỗi ngày với anh đều là một cuộc đua - không chỉ để kịp lo bữa cơm, kỳ đóng học, mà còn để không bị coi là “kẻ thất bại”. Dù kiệt sức, anh cũng không được nói mình mệt, vì anh là “trụ cột” gia đình.

Chẳng riêng anh Hoàng, đây có thể là câu chuyện thật của anh Linh, anh Minh, anh Tài… bất kỳ cái tên nào bạn có thể nghĩ ra. Xã hội Việt Nam vẫn tin vào vai trò “trụ cột” của đàn ông đến mức những mệt mỏi rã rời của họ bị giấu đi như là lẽ đương nhiên. 

Không phải tự nhiên thông điệp “Trụ cột mà, sao dám mệt” lại nhận được nhiều hưởng ứng thế.

Mới đây, BOSS Cà phê, một thương hiệu cà phê đóng lon đã hợp tác cùng chương trình “Cà phê sáng với VTV3” thực hiện chiến dịch “TRỤ CỘT MÀ, SAO DÁM MỆT” với loạt bài viết và video chia sẻ những câu chuyện không của riêng ai - những người đàn ông bị đẩy vào tình thế phải trở thành trụ cột: con trai bị tan máu bẩm sinh cần truyền máu, con gái bị tim bẩm sinh cần phẫu thuật, vợ nghỉ việc chăm con bại não, tất cả gánh nặng kinh tế đổ lên vai người chồng.

Chuyện về những người đàn ông “gồng gánh gia đình” nhanh chóng được lan tỏa trên hàng loạt kênh truyền thông, OOH, xe buýt... Không ai có thể ngăn những thông điệp về sự hy sinh của cha mẹ lấy đi nước mắt của bao người, chúng ta đều là những người con. 

Thế nhưng, có điều gì không ổn không?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TẠI SAO ĐÀN ÔNG LUÔN PHẢI LÀ TRỤ CỘT?

Có những người đàn ông thực sự bị đẩy vào tình thế phải gánh vác cả gia đình, nhưng cũng có nhiều người bị o ép bởi chuẩn mực xã hội. Báo cáo “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” phác họa hình mẫu “người đàn ông đích thực” trong mắt của chính nam giới Việt, trong đó, vai trò “trụ cột gia đình” được nhấn mạnh là giá trị trọng tâm của một người đàn ông đích thực.

TẠI SAO ĐÀN ÔNG KHÔNG DÁM MỆT?

Việc “ngó lơ” cảm xúc và gồng mình sống cho trọn vẹn hai chữ “nam tính” trở thành thước đo giá trị của một người đàn ông, dẫn đến việc nam giới thường ít tìm kiếm sự giúp đỡ khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm, vì sợ bị đánh giá là yếu đuối. 

Tỷ lệ tự tử ở nam giới gấp 3 lần nữ giới. Việc bị cản trở trong việc giải tỏa cảm xúc cũng khiến nam giới tìm đến những cách giải tỏa không lành mạnh như lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Có đến 44,2% nam giới Việt Nam sử dụng rượu ở mức nguy hại (số liệu năm 2015, tăng gần gấp đôi sau 5 năm từ con số 25,1% ở năm 2010).

“Tính nam độc hại khiến đàn ông nghĩ rằng chỉ có một con đường duy nhất để tồn tại. Phải mạnh mẽ, mạnh mẽ không ngừng”.

LÀM GÌ CŨNG MỆT, AI CŨNG DÁM MỆT

Trong những câu chuyện được kể, “Cà phê sáng với VTV3” không chỉ khắc họa những người đàn ông trong vai trò chuyện trụ cột gồng gánh áp lực tài chính, những áp lực của đàn ông được khắc họa đa dạng hơn. Trụ cột chăm sóc cho người vợ ung thư. Trụ cột ngày chăm con, đêm đi làm. Chăm sóc cũng quan trọng, là thông điệp sáng hiếm hoi.

Thế nhưng, điều này không thể lu mờ đi sự thật là:

“TRỤ CỘT MÀ, SAO DÁM MỆT” LÀ MỘT THÔNG ĐIỆP ĐỘC HẠI!!!

Đàn ông không phải là những cỗ máy chỉ biết chịu đựng. Họ là con người, với cảm xúc và giới hạn như bất kỳ ai khác. Và họ phải được thừa nhận điều đó.

Hãy ngăn những thông điệp về gánh nặng làm “trụ cột” và không được phép yếu đuối tiếp tục đè nặng định kiến giới lên vai những người đàn ông. Hãy ngăn những khuôn mẫu giới tiếp tục là gông cùm với người phụ nữ. Hãy ngăn chúng kìm hãm sự phát triển của những người không thấy mình “vừa vặn” với bất kỳ hình mẫu giới nào.

“Trụ cột mà, sao dám mệt” là một thông điệp thực sự độc hại. 

Chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Các nhãn hàng có thể làm tốt hơn thế. Một xã hội công bằng và nhân văn không ép bất kỳ giới nào phải gánh vác trách nhiệm một mình. Đã đến lúc thay đổi câu chuyện. Hãy lên tiếng, hãy hành động, để ai cũng có thể nói “Tôi mệt, nhưng không một mình”.

Chúng ta cần đặt dấu chấm hết cho những thông điệp tương tự trong tương lai!

Trần Thắng

Tôi không phải “đàn ông đích thực”, mà thế thì đã sao?

Tôi không phải “đàn ông đích thực”, mà thế thì đã sao?

“Đàn ông đích thực” đã bị xã hội và truyền thông xây dựng thành một hình mẫu cố định. Và đây là một hình mẫu nam tính độc hại.