Tôi đã vào bếp như thế nào

Nấu ăn không hề dễ, nhưng cái khó nhất mà tôi phải vượt qua đó chính là định kiến thâm căn cố đế trong chính bản thân mình.

“Quẩn quanh bếp mun” - đó là hình ảnh mà tôi cực ghét khi nhận thức được rằng mình sinh ra là đàn ông. Ngày còn đi học, ở nhà hầu như tôi chưa xuống bếp ngày nào, tất nhiên trừ những lần đói quá, tôi quan niệm bếp núc là chuyện của đàn bà như những người đàn ông xung quanh tôi phát biểu. Và với đàn ông, không gì xấu hổ bằng việc bị ví rằng chí nam nhi chỉ suốt ngày quanh quẩn xó bếp.

Tôi đã sống với quan điểm đó đến năm mình 25 tuổi, tức ba năm về trước. Còn sau cột mốc 25 kia, mọi chuyện đã khác, tôi xuống bếp và biết yêu lấy căn bếp của mình, khi ngày tôi và bạn gái quyết định chung sống.

Nàng là kế toán ở công ty tư nhân, mỗi ngày đi và về hết 15 cây số, sáng 7 giờ đã xách xe đi, chiều 6 giờ mới bắt đầu về, chưa tính thời gian kẹt xe. Tôi là một viên chức quèn, chỗ làm gần, sáng đi muộn chiều về sớm, chẳng có xe mà kẹt. Sự trái ngược trớ trêu ấy khiến từ ngày đầu tiên sống chung nàng đi đến quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi: Anh sẽ vào bếp nấu nướng và rửa chén, em về muộn sẽ giặt quần áo.

Tất nhiên tôi phải đồng ý.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Ngày đầu tiên vào bếp sau 25 năm không biết đến không gian này quả thực khó hơn tôi nghĩ. “Tối nay ăn gì?” là một câu hỏi khó, nhất là với một gã đàn ông đang mang trong mình lòng tự trọng rất cao. Và đi chợ cứ như đặt chân đến một miền đất mới, mất hết phương hướng khi nhìn hàng cá, hàng thịt, hàng rau mà mông lung, bần thần.

Tôi nhớ mãi ngày ra chợ đầu tiên trong cuộc đời ấy, khi đứng trước hàng loạt hàng thức ăn tôi như thằng bụi đời lạc phận vậy. Chị bán cá gọi, anh bán rau kêu, cô hàng thịt vừa nói vừa lầm bầm như muốn đuổi càng khiến tôi phân vân mãi. Cuối cùng tôi đi đến quyết định nấu món canh chua cá rô mà nàng vốn yêu thích: 1 con cá rô, 2 quả cà chua, 1 miếng thơm, 1 bịch me và các rau nêm nếm đủ loại.

Xong việc đi chợ tôi bắt tay vào bếp. Nhưng công đoạn này cũng không hề “ngon ăn” như tôi nghĩ. Rửa cá trước hay nhặt rau trước? Cá có cần chiên sơ không? Cà chua xắt nhỏ hay để miếng?... Hàng loạt câu hỏi tuôn ra khiến tôi xử lý không kịp. Lúc này, tôi mới thấy thấm thía công việc vào bếp hàng chục năm của mẹ!

Nàng đi làm về khi tôi còn loay hoay cắm cơm, vì lo cho món canh chua mà tôi suýt quên việc chính là nấu cơm. Người vừa nóng vừa mệt, lại lo nồi canh quá chua hoặc quá mặn nên tôi chẳng còn lòng dạ nào tươi cười như mọi bữa. Phía bên kia, nàng cũng thế, có vẻ như nàng vừa trải qua một hành trình kẹt xe và qua vài chỗ “tụ nước” nên đang cau có. Tôi im lặng, mối quan tâm duy nhất của tôi lúc này là bữa tối đang lơ lửng trên đầu.

Bữa cơm đầu tiên tôi xuống bếp hôm đó muộn hơn thường ngày, vì nồi cơm điện tôi quên bấm nút. Nàng càu nhàu, tôi cãi lại, và hậu quả là đến đêm hai đứa hai phòng, không nói với nhau lời nào.

Suốt đêm hôm đó nằm một mình tôi miên man suy nghĩ, phải chăng chuyện “lao vào bếp” đã gặm nhấm bản năng đàn ông khiến tôi bực tức và có nhiều lời không hay với nàng? Hay đơn giản chỉ xuất phát từ sự ích kỷ và định kiến của mình? Cuối cùng, tôi rút lại được rằng, mình sai rồi, việc vào bếp chẳng liên quan đến nam tính cả, đó chỉ là một định kiến giới mà thôi.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, nhẹ nhàng mở cửa để nàng không biết. Tôi quyết định chuộc lỗi với nàng bằng một món mà đêm qua tôi thao thức: Bún bò xin lỗi.

Món bún bò hôm đó không thành công, nước lèo nhạt và thịt bò thì dai. Nhưng điều quan trọng hơn là nàng chấp nhận lời xin lỗi của tôi, sau lời hứa sến súa của tôi rằng “anh sẽ nấu cho em ăn suốt của cuộc đời”.

Những ngày sau đó tiếp tục là những ngày tôi vật lộn với gian bếp. Nấu ăn không hề dễ, nhưng cái khó nhất mà tôi phải vượt qua đó chính là định kiến thâm căn cố đế trong chính bản thân mình. Tôi đã hứa với nàng rồi và tôi tin mình sẽ làm được, cứ từ từ mà làm.

Những chi tiết trong câu chuyện đó đã ở thì quá khứ ba năm về trước. Bây giờ tôi đã tự tin khẳng định được rằng mình là một người đàn ông của gian bếp, thậm chí thích “quẩn quanh” bếp. Tôi đã tìm thấy niềm vui khi tự tay thực hiện những món ăn cho người thương của mình, tôi không còn quá bận tâm chuyện thiên hạ bảo “thằng này sao suốt ngày nấu ăn cho vợ” nữa.

Xuống bếp thực sự là một niềm vui, tin tôi đi!

Khánh Hưng

Đàn ông khoác tạp dề

Đàn ông khoác tạp dề

Đàn ông khoác tạp dề không phải mệnh đề chế giễu. Trong công cuộc bình đẳng giới, chị em đừng lấy bếp làm lô cốt cuối cùng, như thế bất công lắm.