Đàn ông đàn ang

Một người đàn ông chỉ có thể có hạnh phúc nếu tự làm chủ được cuộc đời mình

Thi thoảng trong đời ta nghe thấy câu này: “Đàn ông đàn ang gì mà thế!”. Thú thật tôi chả hiểu nghĩa “đàn ông đàn ang” là gì chỉ mang máng thấy nó là một danh hiệu chẳng mấy hay hớm.

Lịch sử từng ghi nhận giai đoạn phụ nữ là thống soái. Đó là thời kỳ mẫu hệ. Thời kỳ của đàn bà làm chủ từ lãnh đạo cộng đồng đến gia đình. Người phụ nữ giai đoạn này là chủ nhân tuyệt đối của thế giới. May thay sự tiến hóa của loài người kéo theo những thay đổi quy luật. Chiến tranh, sinh tồn đặt sức mạnh của người đàn ông lên trên sự yếu mềm phụ nữ. Vị trí của người đàn ông được đặt vào thế đi đầu và là chủ nhân thực sự.

Thời hiện đại tuy đã bình đẳng nam nữ nhưng nói gì thì nói dù không hề phân biệt thì người đàn ông vẫn mặc nhiên phải đảm nhiệm vị trí trụ cột. Bi kịch đời sống gia đình có ở nhiều dạng, đến từ mọi nhẽ nhưng có lẽ một lý do có thể nhận được sự tương đồng từ nhiều người đó là người đàn ông của gia đình nhu nhược, mềm yếu và phụ thuộc vào người phụ nữ.

Tranh minh họa: Tào Linh.
Tranh minh họa: Tào Linh.

Phụ nữ thời nay rất nhiều người giỏi giang kể cả trong lĩnh vực kinh tế. Họ là chính khách, quan chức, doanh nhân và ở các vị trí trong tất cả mọi phương diện đời sống. Nhưng trong gia đình, nói gì thì nói, họ vẫn phải là người vợ, người mẹ. Vai trò người đàn ông dù không phải là quyết định thì vẫn còn đó sự quan trọng. Bây giờ không còn khái niệm người chủ gia đình nữa, một tổ ấm được vận hành hanh thông phải là sự hòa hợp từ cả vợ lẫn chồng. Oái ăm nếu có sự nghiêng lệch về vai trò trong đó người đàn ông là thứ yếu, tôi đảm bảo rằng hạnh phúc là rất mong manh.

Trong các vụ ly hôn mà người vợ đứng nguyên đơn, tôi đồ rằng lý do người đàn ông kém cỏi là phần nhiều. Cũng có những đàn ông kiếm được tiền, sống phóng đãng, vợ nọ con kia, có mới nới cũ và người vợ không thể chịu đựng nổi buộc phải tìm lối thoát cho mình; nhưng lý do người bạn đời không xứng đáng là chủ yếu.

Tôi có một người bạn thân quê ở Nam Định. Anh học ngành xây dựng. Khi ra trường anh cưới một cô vợ con một quan chức lớn. Cuộc hôn nhân hoàn toàn là tình yêu đơm trái chứ bạn tôi không hề có ý lợi dụng gia đình vợ để tiến thân. Thông minh, tài giỏi và đức độ anh thăng tiến rất nhanh trong nghề nghiệp. Mới chỉ 30 tuổi đã là trưởng phòng của một Cục lớn ở một Bộ quan trọng. Anh được dự kiến đào tạo nguồn lãnh đạo. Đùng một cái anh bỏ việc, ly hôn vợ và bỏ ra ngoài làm lính công trường.

Rồi sự nghiệp của anh cũng thành công rực rỡ. Làm doanh nghiệp tư nhân anh có một công ty lớn. Gia đình của anh vợ con hạnh phúc. Mãi gần đây khi tất cả mọi sự đã an bài, anh cũng đã gác kiếm nghỉ ngơi, thì lý do của cái sự từ bỏ con đường hoạn lộ và cuộc ly hôn vội vã năm ấy mới được tiết lộ. Anh bị tổn thương khi vợ anh cho rằng mọi thứ anh có lúc đó là nhờ ở gia đình vợ. Người đàn ông đích thực đã bảo vệ danh dự và năng lực của mình bằng cuộc đào thoát; tôi cho là vĩ đại; để chứng minh bản thân mình bằng con đường tạo dựng sự nghiệp hoàn toàn khác.

Dẫn ra thí dụ này vì tôi thật sự không muốn dẫn chứng những mẫu đàn ông hèn yếu, kém cỏi sống lệ thuộc vào vợ vào gia đình vợ. Tiếc thay loại người đó không hiếm trong xã hội. Nó có mặt ở mọi ngóc ngách đời sống, ở mọi vị trí xã hội. Sự an phận và tĩnh lặng của cái gọi là hạnh phúc kia tôi hoàn toàn không tin tưởng.

Một người đàn ông chỉ có thể có hạnh phúc nếu tự làm chủ được cuộc đời của mình. Thế nên cái từ “đàn ông đàn ang” kia dù đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa của nó là gì nhưng rõ ràng đó là một sự giễu cợt người đàn ông hèn kém. Không thể khác!

Phạm Ngọc Tiến

Đàn ông là phải lo vật chất?

Đàn ông là phải lo vật chất?

Người ta luôn mặc định “Cuộc tình dù đúng dù sai, thiệt thòi luôn thuộc về người con gái” mà quên rằng một mối quan hệ tồn tại đến từ hai phía.