Có một anh bạn sau khi chia tay người yêu viết blog rất tâm trạng về những cuộc tình tan vỡ. Chung quy chỉ có một: vì-anh-không-thể-lo-cho-người-yêu.
Cô thì chê anh lương thấp, không thể cùng cô ấy đến ăn những nơi sang chảnh dù rằng thu nhập cô ấy đủ ổn để tự đi. Cô thì vì yêu anh mà phải từ bỏ những sở thích như trước kia để học cách tiết kiệm cùng nhau.
Anh thấy tuyệt vọng khi họ đến với người có thể chăm lo cho mình hơn, trong khi anh không thể cung ứng cho họ những món quà đắt tiền hay chạy theo thú vui phù phiếm ấy. Anh cho rằng con-gái-ai-cũng-thích-vậy như một thứ đặc quyền của phái nữ và anh tự trách mình.
Ảnh minh họa: internet. |
Người ta luôn mặc định “Cuộc tình dù đúng dù sai, thiệt thòi luôn thuộc về người con gái” mà quên mất rằng một mối quan hệ tồn tại là đến từ hai phía. Một người đàn ông cũng tổn thương như ai. Và nhất là tuy kêu gọi bình đẳng ra rả nữ quyền nhưng lại có quá nhiều định kiến dành cho đàn ông như phải là trụ cột trong gia đình, đảm bảo kinh tế cho vợ con… Nó là một thứ áp lực tai hại khi người đàn ông không thể thỏa mãn nguyện vọng của chính mình, mà thực ra là sự phóng chiếu nhu cầu của người khác. Từ đó dễ hình thành nên tâm lí tự ti, vô dụng, bất tài.
Tôi có một đồng nghiệp rất thú vị. Vợ anh lương vài nghìn đô. Bản thân anh cũng từng kinh qua các chức danh quản lí nhưng anh không xem đó là mục tiêu của đời mình. Anh bỏ việc để chạy Uber, lương tháng 3 triệu đồng chỉ vì thích trải nghiệm cuộc sống. Tôi nói anh thật may mắn khi có người vợ có thể luôn ủng hộ mình. Anh kể, vì cả hai đều xuất phát từ đói nghèo như nhau, đã từng chung lưng đấu cật kiếm sống lề đường, vì thế mà có thể luôn động viên và tôn trọng nhau. Tôi cho đó mới chính là nền tảng của một mối quan hệ lành mạnh: sự sẻ chia.
Cách đây không lâu, cô gái đăng tin tuyển chồng với hàng tá điều kiện vật chất kèm theo làm người người phản ứng. Tôi nghĩ ai cũng có tiêu chuẩn riêng cho mình trong việc tìm kiếm bạn đời, nhưng không phải lí do “cô ấy đẹp nên có quyền tìm người giàu có” như cách người ta biện minh. Nếu nhìn bản chất sâu xa, đó chỉ là một cách “trả giá”. Tôi chỉ tự hỏi, nếu một ngày người bạn đời của cô ấy nổi hứng muốn trải nghiệm cuộc sống lênh đênh như anh bạn tôi - chỉ là một người chạy xe ôm, hay công việc trở nên lụn bại - thì cô ấy có còn cảm thấy anh ấy “xứng đáng” với mình hay không mới là điều quan trọng.
Một người đàn ông không có trách nhiệm phải lo kinh tế cho ai cả. Và người yêu/vợ cũng không phải là gái bao dài hạn để mà truy cầu điều đó. Mỗi người đều là những cá thể riêng biệt, giữ những vai trò khác nhau theo sự phân công trong mối quan hệ, có thể luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau, không vật chất thì là tinh thần. Bên nhau bất kể khó khăn gì. Tôi cho đó mới là một mối quan hệ mà người ta cần hướng tới.
Hoặc là sẽ có những người đàn ông bị thiệt thòi khi bị miệt thị vì truy lại quyền lợi của mình nếu như mối quan hệ đó là sự thoả thuận thể xác - tiền bạc, hoặc họ phải chạy theo định kiến về “quyền và nghĩa vụ của đàn ông” đầy khổ sở.
Đập cái bàn
Thay vì một câu trả lời, phải chăng chị em muốn một thái độ cho những lời càm ràm của mình?