Tôi không phải “đàn ông đích thực”, mà thế thì đã sao?

“Đàn ông đích thực” đã bị xã hội và truyền thông xây dựng thành một hình mẫu cố định. Và đây là một hình mẫu nam tính độc hại.

Từ khi lớn lên đến giờ, đàn ông chúng tôi luôn được dạy đàn ông là phải thế này, đàn ông đích thực là phải thế kia.

Không tin cứ thử Google thì biết.

Đàn ông là phải ga lăng.

Đàn ông là phải có râu.

Đàn ông là phải có tiền.

Đàn ông là phải có sự nghiệp.

Đàn ông là trụ cột gia đình.

Đàn ông là không được khóc.

Đàn ông là không được yếu đuối.

...

“Đàn ông đích thực” đã bị xã hội và truyền thông xây dựng thành một hình mẫu cố định. Và đây là một hình mẫu nam tính độc hại. Nam tính độc hại thậm chí còn được định nghĩa rất rõ ràng như sau, theo tổ chức Tolerance.org

“Nam tính độc hại là một mô tả hẹp và đàn áp về tính nam, quy định tính nam bởi các từ chỉ bạo lực, tình dục, địa vị và sự hung hăng. Đó là một hình mẫu văn hóa về nam tính mà ở đó sức mạnh là tất cả, cảm xúc là yếu đuối; nơi năng lực tình dục và bạo lực là thước đo nam tính, trong khi những đặc điểm được quy ước cho nữ: “cảm xúc”, “không khoái dục” trở thành phương tiện để tước đoạt quyền làm đàn ông.”

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Không thể đồng ý hơn. Tôi thấy tôi là một người đàn ông rất ổn, nhưng tôi căm ghét nam tính độc hại, hoặc nói cách khác, căm ghét việc người ta chỉ cho tôi đàn ông là phải thế này, là phải thế kia. Thế mới là đàn ông đích thực.

Vì nếu theo xã hội quy định, tất cả đàn ông đều giống nhau, phải mạnh mẽ, giàu sang và khắc kỷ với cảm xúc của chính mình và người xung quanh. Hệ quả là đàn ông thích giải quyết mọi việc bằng nắm đấm hoặc tiền bạc, và có xu hướng che giấu cảm xúc thật.

Tôi biết nhiều người đàn ông mạnh mẽ mà không bạo lực, giàu có tinh thần mà không cần phô trương vật chất, và quan trọng hơn, họ rất thấu hiểu cảm xúc của người khác. Và họ không hề thiếu đi nam tính. Đàn ông chúng tôi không tự nhiên sinh ra hành xử bạo lực. Chúng tôi trở nên bạo lực khi lớn lên. Đàn ông chúng tôi không tự nhiên sinh ra che giấu nước mắt. Chúng tôi được dạy phải nuốt nước mắt. Sự ân cần, cảm xúc và cả nước mắt từ từ bị tước đoạt khỏi chúng tôi.

Mọi người dạy đàn ông phải cứng rắn, đó là một thứ nam tính độc hại. Họ dạy chúng tôi: Đừng thể hiện cảm xúc, mạnh mẽ lên, đừng khóc lóc như con gái, như con nít, phải nhanh gọn. Chúng tôi được nuôi dưỡng một cái tôi gai góc, nhưng thực ra là một cái tôi dễ vỡ. Và chính những cái tôi mỏng manh này làm đau phụ nữ.

Khi dạy đàn ông, con trai phải cứng rắn lên, chúng ta đang tạo ra một thế giới đàn ông không biết gọi tên và định nghĩa cảm xúc. Một thế giới đàn ông đầy rẫy những cái tôi ám ảnh quyền lực, chinh phục và lấn át người khác, đặc biệt chinh phục và lấn át phụ nữ.

Nam tính độc hại dần dần huấn luyện đàn ông thành những kẻ bắt nạt. Thực sự là những kẻ bạo lực thích lấn át người khác.

Và nếu như vậy, tôi thà không nhận làm kiểu đàn ông đích thực đó. Tôi không nhận làm kiểu trụ cột gia đình ấy. Vì tôi ghét tấn công tình dục, tôi ghét người kì thị đồng tính, sắc tộc, vùng miền...

Hy vọng rằng con trai của tôi cũng không yêu thích kiểu nam tính ấy. Và con gái của tôi không phải là nạn nhân của kiểu nam tính độc hại này.

Trần AI

Lời tự tình của một gã không… thích nhậu

Lời tự tình của một gã không… thích nhậu

Từ khi quyết tâm bỏ nhậu, tôi luôn trở thành kẻ lạc loài, bị gọi bằng nhiều cái tên đầy ấm ức: “Kẻ mặc váy”, “Thằng không biết quan hệ”…