“Nam vô tửu như kỳ vô phong”.
Ngày xưa, khi còn rất nhỏ tôi đã nghe những người đàn ông xung quanh mình ngâm nga “tuyên ngôn” đó. Đơn giản và dễ hiểu, không cần ai giải thích tôi cũng biết với một người sinh ra mang phận “nam nhi” thì phải biết uống rượu. Không ít thì nhiều, phải biết nếm trải vị đắng cay của men thì mới gọi là trưởng thành, hay đàn ông đích thực được.
Suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến ngày vào đời tôi không thể nhớ hết mình say bao nhiêu lần. Đa số những lần đó tôi uống đến độ “chết bỏ”, cụm từ mà những bạn nhậu xung quanh tôi gọi mỹ miều hơn: “Hết mình vì anh em”.
Nhưng rồi từ ngày bắt đầu đi làm, khoảng hai năm đổ lại đây, sau một cơn say tôi bắt đầu nhận ra chuyện nhậu không đơn giản như mình vẫn tưởng, và “trưởng thành” hay “đàn ông đích thực” chẳng liên quan gì đến “tửu lượng”. Vào một ngày trong đám cưới bạn học cũ, tôi cùng đám bằng hữu lâu năm say mèm. Tôi không nhớ rõ tối hôm đó tôi uống hết bao nhiêu lon bia nhưng dường như là nhiều nhất trong khoảng thời gian tôi biết đến chữ “nhậu”.
Sau cơn say đó tôi như một người mất hồn, đầu óc lửng lơ, cổ họng khô khốc và tệ nhất là cảm giác mùi bia đêm qua vẫn quanh quẩn đâu đó trên mũi, miệng và cả mắt. Tôi mất một ngày hoàn toàn không làm được việc gì, có lẽ cả ngàn nơ-ron thần kinh đã chết theo hàng chục lon bia kia rồi. Mãi tới tối khi miệng bắt đầu hết đắng, tim bắt đầu lấy lại nhịp đập bình thường tôi mới có cảm giác mình trở về “thực tại”. Lúc đó, suy nghĩ của tôi đầu tiên là: “Phải bỏ nhậu thôi, chứ thế này không “đi” sớm thì muộn!”.
Và tôi quyết tâm bỏ nhậu. Tôi lên kế hoạch đàng hoàng, bắt đầu từ việc loại những lon bia trong tủ lạnh, sau đó là đến cách từ chối những cuộc vui. Và kết quả những ngày đầu trôi qua suôn sẻ, tôi bỏ nhậu được rồi?
Nhưng con đường để bỏ nhậu không giản đơn như tôi nghĩ. Ai đó từng nói, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, có lẽ đúng trong trường hợp của tôi. Tôi bỏ nhậu nhưng bạn bè tôi không ai bỏ nhậu, tôi bỏ nhậu nhưng sếp tôi và đồng nghiệp tôi, hay rộng hơn cả họ hàng, làng xóm chung quanh tôi không ai bỏ nhậu, thậm chí họ ngày một “lên đô”. Đó chính là điều cản trở vô cùng lớn.
Từ khi quyết tâm bỏ nhậu, tôi luôn trở thành kẻ lạc loài. Đi đám cưới, thôi nôi, sinh nhật, liên hoan, mừng tân gia… tôi được gọi bằng nhiều cái tên đầy ấm ức: “Kẻ mặc váy”, “Thằng không biết quan hệ”… Những lần tụ họp, tôi cứ như Robinson ngoài hoang đảo.
Trong khi cả đám đông nâng ly cạn chén tôi ngồi thu lu một mình. Dường như tất cả mọi người xung quanh tôi đã mặc định rằng “không biết nhậu đồng nghĩa với không biết cách quan hệ”, mà ở xã hội này người ta đang hô hào rằng: Nhất quan hệ, nhì tiền tệ cơ đấy! Nhiều lần, tôi thấy mình thật buồn, cứ như bị tách khỏi xã hội vậy.
Ngày xưa, khi còn nhậu bất chấp, bạn bè ngày nào cũng gọi, sếp và đồng nghiệp có việc gì cũng ôm vai bá cổ, còn bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Cả tuần có khi chẳng có cuộc gọi nhỡ nào, tệ nhất là những dịp giáp mặt, họ lơ tôi như lơ một người lạ chưa từng quen biết.
Nghĩ cũng lạ, trên báo và mạng xã hội, tôi thấy rất nhiều người hô hào bỏ nhậu, giảm rượu bia ghê lắm. Nhất là sau nhưng đợt có thống kê rằng: “Theo WHO, trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia. Và Việt Nam hiện xếp thứ 3 châu Á cùng với Thái Lan về mức tiêu thụ rượu bia, sau Hàn Quốc, Lào và cao hơn nhiều nước khác như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ...”.
Chính sếp tôi và những người chung quanh tôi ngày xưa cũng nói rằng đừng nên nhậu nhiều. Thì ra đó chỉ là lời nói cho vui, người ta đồn thế thôi. Chứ tôi chưa thấy một ai quanh tôi nói và làm là một cả. Nó cũng tương tự như khẩu hiệu “không được uống rượu bia trong giờ làm việc”.
Tất nhiên rồi, trong giờ làm việc không ai dám uống rượu bia cả, thế nhưng thực tế trớ trêu thay, sau giờ làm việc họ… uống bù. “Anh em lâu ngày gặp nhau mày không hết mình à?”, “Gala cuối năm của công ty sao mày uống nước ngọt”, “đàn ông mà mặc váy”, hay đau đáu hơn khi một cô gái cầm ly bia đến và nói “em uống với anh một ly”, nếu không có bản lĩnh thì cứ lao đầu theo đường ma men dẫn dắt.
Xung quanh tôi không ít “ma men”. Dượng lấy cô tôi là một ví dụ. Dượng năm nay ngoại tứ tuần thôi nhưng nghiện rượu, mỗi lần nhậu dượng “nốc” hơn cả chai xanh nguyên chất. Sau đó thì thế nào? Sau đó là đổi tính đổi nết, miệng từ hát cải lương đến chửi thề, rồi múa, đốt thuốc lá, và điều tệ nhất là mỗi lần dượng say cứ nắm lấy tóc cô tôi mà đánh. Nếu không quyết tâm bỏ thì có ngày tôi cũng trở thành dượng.
Hiện tại tôi vẫn là một kẻ lạc loài trong những lần tụ họp. Người ta vẫn tẩy chay tôi như tẩy chay hàng giả hàng kém chất lượng. Nhưng không sao, dần dà tôi cũng quen, điều này tương tự như ngày xưa tôi tập uống rượu bia, lúc đầu thấy khó nhưng dần dà… cũng quen.
Phẩm chất của đàn ông
Trong cuộc rượu không thiếu cãi vã, căng thẳng nhưng chỉ ngay sau khi đỏ mặt đập ly đó họ lại có thể nâng ly và ôm nhau hòa giải rất ngọt.