Ngày 18-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên.
Mục tiêu của khóa tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người làm báo về bình đằng giới, đồng thời bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới, bạo lực giới; trang bị cho các nhà báo kỹ năng phát triển các vấn đề báo chí có lồng ghép giới, có yếu tố nhạy cảm giới.
Phát biểu tại buổi tập huấn, TS Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, cho biết: Trong 10 điều của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có Điều 4 là: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”. Do đó, bình đẳng giới là vấn đề người làm báo cần quan tâm và hiểu biết để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Giải thích về các khái niệm về giới, TS Lê Văn Sơn cho biết, giới tính là những đặc điểm về sinh học của nam, nữ và liên giới tính; giới là những đặc điểm xã hội của nam, nữ và giới khác. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của các giới.
TS Lê Văn Sơn gợi ý các chủ đề về bình đẳng giới cho các nhà báo như: Luật pháp chính sách về bình đẳng giới, chia sẻ việc nhà, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tảo hôn, hôn nhân cận huyết; quyền lao động nữ tại nơi làm việc…
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại buổi tập huấn. |
Theo PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, một số tiêu chí đánh giá sản phẩm báo chí về đề tài nhạy cảm giới, đó là: Phản ánh trung thực, chính xác về nhạy cảm giới - không có sạn giới trong tác phẩm. Thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử. Phù hợp với trình độ tiếp cận thông tin của nhóm công chúng mục tiêu.
Thúc đẩy thực hiện vai trò giới, bình đẳng giới, góp phần phá bỏ khuôn mẫu giới; góp phần đấu tranh xóa bỏ định kiến giới, thay đổi mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ, truyền cảm hứng về bình đẳng giới.
Các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi: Đối với người chưa hiểu biết về bình đẳng giới thì cung cấp thông tin, kiến thức. Người đã hiểu biết về bình đẳng giới thì xác định rào cản để đối tượng chấp nhận hành vi mới. Chỉ rõ lợi ích của việc thay đổi hành vi, cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và thúc đẩy hoạt động. Tiếp tục khẳng định lợi ích của việc duy trì hành vi mới, bảo đảm về khả năng duy trì hành vi mới. Tạo lập sự ủng hộ của xã hội.
Thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2
Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác do các định kiến và rào cản văn hóa.