Cô gái dân tộc Cao Lan - Vương Thị Bình đã luôn nỗ lực tiến về phía trước để trở thành một vận động viên xuất sắc. Mang về cho thể thao nước nhà những giải thưởng danh giá, Bình đã chứng tỏ bản thân là điển hình của phụ nữ dân tộc thiếu số góp phần thực hiện bình đẳng giới.
Vương Thị Bình sinh năm 1997 tại xã Đông Lợi, huyện Đông Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Cô là vận động viên của đội tuyển quốc gia Pencak Silat Việt Nam. Mặc dù đang theo học tại trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, nhưng cô đã gặt hái được hàng loạt các thành tích thể thao đáng nể.
Bình đam mê võ thuật từ nhỏ, cho đến năm 17 tuổi, Vương Thị Bình được tuyển vào đội thể thao thi đấu của Hà Nội |
Bình chia sẻ, khi còn nhỏ cô đã có đam mê với võ thuật, cho đến năm 17 tuổi, cô may mắn được tuyển vào đội thể thao thi đấu của Hà Nội. Cũng từ đây, Bình có cơ duyên đến với môn võ Pencak Silat.
Khi bước vào luyện tập, so với đồng đội thì Bình là vận động viên được tập khá muộn, vì thế cô gặp nhiều khó khăn về thể chất, chuyên môn. Do chưa từng được tập luyện ở nhà nên khi đến với thể thao chuyên nghiệp, vấn đề thể lực là một rào cản lớn đối với Bình.
"Đã có những ngày sau luyện tập em bị đau người, nhớ nhà và muốn bỏ về, nhưng với sự động viên của thầy cô, gia đình, bạn bè, nhìn thấy những thành tích mà các anh chị vận động viên đạt được, em lại cố gắng phấn đấu từng ngày, tiếp tục đứng dậy để chiến thắng bản thân", cô gái Cao Lan chia sẻ.
Với nỗ lực ấy, ngay giải đấu đầu tiên mà cô tham gia là Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc vào năm 2014, Bình đã giành Huy chương Bạc. Thừa thắng xông lên, năm 2016, Bình tham gia giải đấu quốc tế đầu tiên và cùng đồng đội giành Huy chương Vàng, cùng 1 Huy chương Bạc cá nhân.
Năm 2018, Bình vinh dự được gọi tên vào Đội tuyển Pencak Silat Việt Nam, tham gia ASIAD 18 và giành ngay Huy chương Bạc. Tiếp nối là những giải thưởng thể thao lớn như Huy chương Vàng thế giới, Huy chương Vàng châu Á…
Bước ra từ vùng núi Đông Sơn, Vương Thị Bình đã làm được những điều mà cô không tưởng. Để đến khi nhìn lại chính mình, cô thấy tự hào vì bản thân đã không bỏ cuộc, kể cả khi cô phải chịu đựng những đau đớn do chấn thương.
Bình giành được 2 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc tháng 12/2022 |
Ngay trước thềm Sea Game 31 vừa qua, với cường độ tập luyện cao Bình đã phải cố gắng hơn rất nhiều để vừa điều trị chấn thương, vừa phải hoàn thành bài tập. Nỗ lực này đã mang lại cho cô 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng ở 2 nội dung thi đấu Pencak Silat.
Khi được hỏi điều gì khiến bản thân tự hào nhất, Vương Thị Bình chia sẻ, đó là chính việc cô đã vượt qua chính mình, để từ đó vượt qua thử thách, bước chân lên bục vinh quang khi mang về cho tổ quốc những tấm huy chương danh giá.
Cho đến giờ, trải qua nhiều gian nan khổ luyện, cô gái người dân tộc thiểu số vẫn khẳng định bản thân muốn tiếp tục cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà. Cô cũng mong muốn những người phụ nữ Cao Lan, những người phụ nữ dân tộc thiểu số dám vượt qua chính mình, không ngừng cố gắng thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống và thực hiện ước mơ của mình.
Nêu cao quan điểm nữ quyền, Bình chia sẻ: "Nam nữ đều có quyền bình đẳng. Trong môi trường thể thao người phụ nữ thường khó khăn hơn, họ phải nỗ lực hơn rất nhiều so với nam giới. Đặc biệt trong võ thuật mà em đang theo đuổi, dù khó khăn nhưng thành tích đạt được cũng không hề thua kém nam giới. Điều đó cho thấy phụ nữ đã góp phần thực hiện bình đẳng giới và tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số".
Vương Thị Bình cũng cho rằng, từ lâu, nữ vận động viên thường có phần "lép vế" hơn so với nam giới trên mọi mặt trận. Dù là điền kinh, bơi lội hay đá bóng, họ luôn vất vả hơn. Có lẽ vì mang danh phái đẹp nên họ bị coi là những "bông hồng di động" mặc dù không hề thua kém bất kỳ ai. Thế nhưng, mọi chuyện của ngày hôm nay đã khác khi phụ nữ bắt đầu trở thành một biểu tượng mới trên toàn thế giới. Bất kể ngành nghề, công việc nào cũng đều có bóng dáng của người phụ nữ, kể cả trong thể thao, và quan trọng hơn hết, họ dám đương đầu và gặt hái được rất nhiều thành công.
Lý do HoREA kiến nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm (hoặc 2 năm) một lần.