Làm cách nào để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không?

Tra cứu số điện thoại lừa đảo qua tổng đài, tra cứu thông tin của đối tượng nghi ngờ lừa đảo trên google, kiểm tra thông tin qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia là 3 cách đơn giản để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không.

Những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại phổ biến nhất hiện nay

- Chiêu trò lừa đảo "con nhập viện cấp cứu, cần chuyển tiền gấp": Nhiều ngày qua, sau TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chiêu trò lừa đảo "con nhập viện cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" đã xuất hiện tại Hà Nội. Ngày 14/3, nhiều trường học ở Hà Nội đồng loạt thông tin cho phụ huynh cảnh giác với màn kịch lừa đảo này.

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có Công văn 677/SGDĐT-CTTT- KHCN về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công văn khuyến cáo cha, mẹ học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo.

Làm cách nào để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không? - Ảnh 1.

Tin nhắn của người tự xưng giáo viên nhắn lừa phụ huynh chuyển tiền khi con đang cấp cứu. Ảnh: TPO.

- Giả mạo nhà mạng dọa khóa thuê bao: Nhiều người dùng nhận được cuộc gọi từ số lạ, khi nhấc máy nghe tiếng như tổng đài tự động: "Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong 2 giờ. Bấm phím 1 để được hỗ trợ".

Trong một số trường hợp khác, đầu dây xưng là "Cục Viễn thông", hoặc nhân viên nhà mạng, với nội dung dọa khóa SIM tương tự. Sau khi bấm phím theo yêu cầu, "tổng đài viên" sẽ hướng dẫn người dùng gửi thông tin bao gồm họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, thậm chí yêu cầu chụp ảnh.

Lo bị khóa thuê bao, nhiều người nhanh chóng làm theo hướng dẫn của tổng đài viên, nhưng không nhận ra đó là trò lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để gây sức ép, yêu cầu nộp phạt. Các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng các đầu số giả mạo, sau đó giả làm Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, yêu cầu nạn nhân phải nộp phạt vào số tài khoản mà chúng chỉ định.

- Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email… mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng gọi điện hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.

Hoặc, khai thác các thông tin bảo mật số tài khoản của nạn nhân sau đó rút tiền trong tài khoản nạn nhân và biến mất.

- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó.

Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.

Cách kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không

Tra cứu số điện thoại lừa đảo thông qua tổng đài

Đây được xem là cách tra cứu nhanh chóng và đơn giản nhất tuy nhiên không phải ai sử dụng thiết bị di động đều nắm rõ. Theo đó, bạn có thể liên hệ vào hotline của tổng đài để được hỗ trợ. Hiện nay có 3 nhà mạng được dùng phổ biến và Viettel, Vinaphone, Mobifone, cụ thể:

Làm cách nào để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không? - Ảnh 2.

- Đối với nhà mạng Viettel

Cách 1: Tra cứu số điện thoại Viettel lừa đảo thông qua hotline: 18008098

Cách 2: Tra cứu số điện thoại lừa đảo và thông báo số điện thoại lừa đảo cho công an với cú pháp TTTB gửi 1414 (miễn phí) hoặc gửi 195 (có tính phí).

Tin nhắn phản hồi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày kích hoạt số thuê bao, CMND, ngày cấp.

Cách 3: Kiểm tra số điện thoại thật hay ảo bằng cách soạn *0# hoặc *888# rồi nhấn nút gọi.

- Đối với nhà mạng Mobifone

Cách 1: Liên hệ hotline của tổng đài Mobifone 18009090, nhấn phím 4 để được cung cấp thông tin, kiểm tra số điện thoại lừa đảo.

Cách 2: Nhập cú pháp *555# rồi nhấn nút gọi (miễn phí).

- Đối với nhà mạng Vinaphone

Cách 1: Tra cứu số điện thoại Viettel lừa đảo thông qua hotline: 18009091, sau đó nhận phím 4. Lúc này, hệ thống sẽ thông báo cho bạn biết về thông tin số điện thoại của bạn.

Cách 2: Kiểm tra số điện thoại lừa đảo thông qua mã USSD bằng cách nhập *110# và ấn gọi.

Tra cứu thông tin của đối tượng nghi ngờ lừa đảo trên google

Làm cách nào để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không? - Ảnh 3.

Công an TP.HCM phá vụ lừa đảo qua mạng viễn thông tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Internet.

Trường hợp nhận được tin nhắn hay cuộc gọi thông báo trúng thưởng từ một chương trình nào đó, trước khi làm theo yêu cầu của phía bên kia, cần tìm hiểu kỹ thông tin của công ty cũng như thông tin của chương trình trúng thưởng.

Theo đó, có thể lên Google và kiểm tra bằng cú pháp Tên công ty + lừa đảo, Google sẽ trả lại loại kết quả tìm kiếm liên quan đến công ty này. Trường hợp đây là công ty chuyên lừa đảo và đã được cảnh báo trước đó thì người dân có thể dễ dàng nhận biết được.

Nêu như là số điện thoại, có thể kiểm tra bằng cách copy và dán số điện thoạitrên Google theo cú pháp Số điện thoại + lừa đảo.

Theo cảnh báo của nhà mạng VNPT, khách hàng sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam), ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)…

Kiểm tra thông tin qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia

Khi có nghi ngờ cuộc gọi đến là số điện thoại giả mạo có thể kiểm tra thông tin qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Các bước kiểm tra thực hiện như sau:

Bước 1: Truy cập vào Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tại đường link https://tinnhiemmang.vn/

Bước 2: Nhập tên cơ quan, đơn vị muốn xác thực thông tin và chọn Tìm kiếm.

Bước 3: Sau khi đã chọn cơ quan, đơn vị cần xác thực thông tin thì tiến hành kiểm tra đối soát toàn bộ thông tin được cung cấp so với nội dung của cuộc gọi nghi ngờ để xác định xem đó phải là cuộc gọi lừa đảo hay không.

Ví dụ, khi kiểm tra thông tin của cơ quan, đơn vị nào đó ở phần mô tả sẽ hiện ra thông tin địa chỉ, số điện thoại di động hoặc hotline. Người tra cứu thông qua các thông tin này để đối chiếu với số điện thoại mà mình nhận được.

Bảo vệ mình trước những chiêu thức lừa đảo tinh vi

Làm cách nào để kiểm tra số điện thoại có phải lừa đảo hay không? - Ảnh 4.

Thông báo của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tới phụ huynh, cảnh giác chiêu thức lừa đảo mới. Ảnh: VTC News.

Với các trường hợp nghi lừa đảo, người dùng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình với các nguyên tắc sau:

- KHÔNG cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên với bất kỳ hình thức nào.

- KHÔNG đăng nhập vào bất kỳ đường link nào do người lạ gửi.

- KHÔNG quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin.

- KHÔNG cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví điện tử, tài khoản ngân hàng điện tử...

- KHÔNG để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản Ngân hàng/ví điện tử trên mạng xã hội.

Bị lừa đảo qua điện thoại, làm sao để đòi lại tiền?

Ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an...) để được giải quyết kịp thời.

Người tố giác tội phạm cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây khi làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an:

- Đơn trình báo Công an (trình bày cụ thể sự việc lừa đảo, các yêu cầu cần giải quyết);

- Bản sao công chứng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;

- Chứng cứ kèm theo: Bản ghi âm, biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn… trong đó có chứa thông tin về hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, người bị lừa đảo cũng có thể tố giác tội phạm thông qua đường dây nóng của Bộ Công an, Công an địa phương:

- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431.

- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310.

- Công an TP. Hà Nội: 024.3942.2532.

- Công an TP. HCM: 0283.8413744 hoặc 0693187680.

Sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra dựa vào các thông tin mà người tố giác cung cấp. Trong quá trình giải quyết, người tố giác cần phối hợp với cơ quan Công an để cung cấp thêm thông tin phục vụ điều tra.

(Tổng hợp)

AN LY