Ông Jamie Dimon vẫn kiên định với cách tiếp cận thận trọng đối với tương lai, ông cho biết, thế giới cần vốn để tái quân sự hóa, nền kinh tế xanh, Đạo luật Giảm lạm phát hoặc Đạo luật CHIPS nhưng nếu không có tăng trưởng, tình hình sẽ chín muồi cho tình trạng lạm phát đình trệ.
CEO JPMorgan đang có góc nhìn trái ngược với quan điểm của số đông thành viên thị trường trong việc điều hành lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong phiên họp tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất điều hành và đưa tín hiệu cho thấy cơ quan này đã đưa lãi suất tới cuối chu kỳ thắt chặt. Lãi suất tiêu chuẩn tại Mỹ hiện ở mức 5,25 - 5,5%/năm - mức cao nhất trong 22 năm qua.
Giới chức quản lý Mỹ đưa tín hiệu cho thấy lãi suất cần phải giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đa phần các thành viên thị trường nhận định, Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất trong năm sau.
Về phía CEO JPMorgan, Jamie Dimon cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ phải nâng lãi suất lên cao hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát.
"Khi kịch bản này xảy ra, sự khác biệt giữa lãi suất từ 5% lên 7% có thể đau đơn hơn nhiều đối với nền kinh tế so với mức tăng từ 3% lên 5%", ông Jamie Dimon nhận định.
Đạo luật Khoa học và CHIPS được thông qua vào năm 2022 nhằm cung cấp khoản trợ cấp 58 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Cùng năm đó, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Với mức tài trợ nợ và nợ cao trên toàn thế giới, Dimon cho biết rất khó để xác định tác động của điều đó. Ngoại trừ thời chiến, thâm hụt ngân sách có lẽ vẫn cao hơn bao giờ hết.
"Chi tiêu của chính phủ gây ra lạm phát, các chính phủ không thể đơn giản chi nhiều tiền hơn và nghĩ rằng đó không phải là lạm phát nhưng tôi không biết tác động của điều đó". "Mọi người nên chuẩn bị cho giá dầu và khí đốt cao hơn, giá cao hơn chỉ là vấn đề chuẩn bị thôi, bạn biết đấy", ông Jamie Dimon nói.
'Tự xếp mình vào nhóm thận trọng'
Những lo ngại ngày càng tăng về sự gián đoạn thương mại, giá dầu cao hơn và cuộc xung đột Ukraina-Nga đang diễn ra tiếp tục gây lo lắng.
Tuy nhiên, ông Dimon nói: "Tôi tự xếp mình vào nhóm thận trọng".
Trong số nhiều mối lo ngại, tình hình địa chính trị hiện tại khiến ông lo lắng nhất. Ông nói thêm, trước đây, tình trạng bất ổn toàn cầu đã gây ra sự gián đoạn sâu rộng về bối cảnh kinh tế và tài chính nhưng rất khó để xác định rõ ràng tác động của căng thẳng quốc tế hiện nay đối với nền kinh tế.
Cái giá phải trả về mặt nhân đạo của những căng thẳng này cũng khiến ông lo lắng. Ông Dimon cho biết: "Chúng ta có thể đang ở một điểm uốn của thế giới dân chủ tự do và nói thêm: "Trước đây, chúng ta đã từng giải quyết thâm hụt, chúng ta đã từng giải quyết các cuộc suy thoái, chúng tôi thực sự chưa từng thấy điều gì như thế này kể từ Thế chiến thứ hai".