Theo khảo sát thị trường bất động sản TPHCM thời gian qua, hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, đặt cọc ưu tiên quyền mua xuất hiện khá nhiều tại các dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Khách hàng thường được các môi giới tư vấn giới thiệu hình thức này, như một thủ thuật “chốt sale”, trong khi dự án chưa chính thức ra hàng. Nhiều chủ đầu tư cũng sử dụng hình thức này như một hình thức “test thị trường”, nếu sản phẩm có sức hút thì sẽ dùng tiền đặt cọc của khách hàng để triển khai dự án.
Trong khi đó, Sở Xây dựng được ông Lê Hòa Bình yêu cầu phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai thực hiện tốt các nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng. Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, một dự án chỉ được phép đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Nếu nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng. Ngoài ra, dự án phải được ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà để khi xảy ra “bất trắc”, ngân hàng phải thay mặt chủ đầu tư đứng ra bồi thường cho người mua nhà.
UBND TPHCM đã yêu cầu tất cả chủ đầu tư có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định, đảm bảo về hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký hợp đồng tại Sở Công Thương. Đối với trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh về các trường hợp lách luật bán nhà ở hình thành trong tương lai, Sở Công Thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất để kịp thời xử lý theo quy định. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở (người tiêu dùng), tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015, Nghị định 76/2015 của Chính phủ về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn. Trong đó, có việc kiểm tra về điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định tại điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản; việc bảo lãnh ngân hàng, thanh toán trong bán, cho thuê bất động sản; việc thế chấp, điều kiện thế chấp... Ngoài ra, giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận theo Điều 72 Nghị định số 99 cũng là nội dung được Bộ Xây dựng lưu ý.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trong tháng 6.
Tĩnh Kiên