'Chìa khóa' cho chiến lược của Nga ở Ukraina

Kể từ khi Nga chuyển chiến lược quân sự sang tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina, các thiết bị bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất đã trở thành "chìa khóa" cho nỗ lực chiến tranh của Nga.

Từ tháng 10, các mẫu Shahed-136 và Shahed-131 đã được tăng cường sử dụng để nhắm mục tiêu vào các tòa nhà dân sự và làm hư hại khoảng 1/3 các nhà máy điện ở Ukraina. Trong nhiều tháng, Tehran đã phủ nhận việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga, nhấn mạnh tính trung lập của Iran trong cuộc chiến. 

Hôm 5/11, Ngoại trưởng Iran lần đầu tiên thừa nhận việc bán thiết bị, đồng thời nhấn mạnh rằng việc chuyển giao đã diễn ra trước khi cuộc chiến toàn diện bắt đầu.

Theo Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Moskva đã đặt hàng hơn 2.400 "máy bay không người lái cảm tử" vì chúng được thiết kế để phát nổ khi va chạm. Hơn chục tên lửa có thể được phóng đồng thời từ các hướng khác nhau, từ phía Nam và từ Belarus ở phía Bắc. 

Chúng bay theo cái gọi là chiến thuật bầy đàn gần lòng sông Dnepr, nơi chúng khó bị radar phát hiện hơn. Nga đã kết hợp tấn công bằng các UAV với việc phóng tên lửa hành trình từ lãnh thổ Nga, cụ thể là từ các vùng Kursk và Bryansk, cũng như từ Biển Đen và Biển Caspi.

Chuyên gia Oleksandr Musienko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý Quân sự, nói: "Mục tiêu chính là gây quá tải các hệ thống phòng không của Ukraina và tạo ra một lượng lớn các mục tiêu trên không khiến những người vận hành hệ thống không thể đối phó".

'Chìa khóa' cho chiến lược của Nga ở Ukraina - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa làm việc sau khi một máy bay không người lái bắn vào các tòa nhà ở Kyiv, Ukraina.

Yurii Hnat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraina, cho biết Ukraina đã bắn hạ khoảng 85% số máy bay không người lái, sử dụng máy bay, tên lửa phòng không và súng máy cỡ nòng lớn cũng như hệ thống tác chiến điện tử. Trong khi đó, tỷ lệ bắn hạ thành công tên lửa thông thường là khoảng 65%.

Tuy nhiên, sự mất cân bằng chi phí gây bất lợi cho Ukraina trong lĩnh vực này. Mỗi chiếc Shahed-136 có giá lên tới 30.000 USD, khiến Nga tiết kiệm chi phí khi sử dụng nhiều chiếc cùng một lúc, trong khi lực lượng Ukraina sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền hơn nhiều để bắn hạ chúng.

Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc

Việc bị cô lập quốc tế đã thúc đẩy Điện Kremlin tìm kiếm các đồng minh mới. Các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đã hạn chế đáng kể việc nhập khẩu để thay thế các mặt hàng quan trọng, bao gồm cả các bộ phận vũ khí, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của quân đội Nga. 

Kể từ ngày 24/2, Moskva đã sử dụng hàng nghìn tên lửa hành trình và đạn đạo đắt tiền với tốc độ mà ngành công nghiệp quân sự của nước này phải vật lộn để duy trì. Các nhà phân tích lưu ý rằng chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Iran hôm 19/7 vừa qua báo hiệu sự cần thiết phải củng cố và thiết lập các liên minh mới. 

Chuyên gia phân tích quân sự Ivan Kyrychevskyi thuộc công ty tư vấn Defense Express có trụ sở tại Kiev cho biết điều này sẽ phù hợp với cả hai bên. 

Ông nhận định: "Giống như Moskva, Tehran cũng đang bị cô lập trên trường quốc tế, có tham vọng chính trị ở khu vực Trung Đông và Cận Đông, và cũng đang đối đầu với Mỹ", đồng thời lưu ý rằng Nga đã buộc phải di dời đội tàu của họ ở Biển Caspi để tập trung nguồn lực vào Biển Đen. 

Kyrychevskyi nói: "Sau khi từ bỏ các vị trí ở khu vực Caspi, Moskva có một đồng minh mới ở Tehran. Mối quan hệ có thể đã sâu sắc hơn, nhưng chúng không phải là mới. Trong nhiều năm, Moskva và Tehran đã hợp tác về năng lượng hạt nhân, vũ khí và các biện pháp nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran, bao gồm cả những lệnh trừng phạt mà Moskva đã bỏ phiếu thuận. 

Chuyên gia Musienko trích dẫn thông tin tình báo cho thấy "Moskva đã cung cấp vũ khí cho Tehran từ những năm 2000, bao gồm tên lửa cho các hệ thống phòng không và hơn thế. Hiện nay, Nga đã trở thành người mua vũ khí chính của Iran". Cả Nga và Iran đều quan tâm đến việc hình thành một trục các quốc gia đối đầu với phương Tây.

'Chìa khóa' cho chiến lược của Nga ở Ukraina - Ảnh 3.

Một bài đăng trên Facebook từ Lực lượng Vũ trang Ukraina đã xác định các máy bay không người lái là UAV Shahed-136s tự kích nổ của Iran. Những chiếc Shahed-136 được có tầm bắn lên tới 1.500 dặm, chúng có thể được phóng từ xa.

Vũ khí quan trọng

Ukraina đang nỗ lực hết sức để chống lại các mục tiêu trên không cỡ nhỏ một cách hiệu quả. Các đối tác phương Tây đã và đang cung cấp các hệ thống phòng không quan trọng, bao gồm các radar có độ nhạy cao và thiết bị gây nhiễu làm gián đoạn liên lạc giữa UAV và các vệ tinh định hướng. 

Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp các hệ thống phòng không di động được gọi là C-RAM (pháo chống tên lửa và súng cối) có radar tích hợp để phát hiện các mối đe dọa và một pháo nòng bắn nhanh cỡ lớn để bắn hạ chúng.

Chuyên gia Kyrychevskyi lưu ý: "Việc tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Tehran chắc chắn báo hiệu sự thiếu hụt nguồn lực của Nga về nhân sự, công nghệ và quản lý. Tuy nhiên, những tên lửa đạn đạo này cũng nguy hiểm như S-300 hay Iskander". 

Ukraina tuyên bố đã bắn hạ khoảng 85% số máy bay không người lái của Nga. Theo một số ước tính, chi phí mà Ukraina phải trả cho việc bắn hạ các máy bay không người lái vượt xa số tiền mà Nga đã trả để tìm nguồn cung ứng và phóng chúng. Viện Nghiên cứu Chiến tranh suy đoán rằng Nga có thể đã ký một hợp đồng mới với Iran để tiếp tục cung cấp UAV.

Ông nói thêm rằng Moskva hầu như không sử dụng Iskander nữa, có lẽ là để tiết kiệm tiền vì mỗi chiếc có giá khoảng 10 triệu USD. Tehran và Moskva cũng có thể đàm phán để chuyển giao thêm vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo Shahab-2 với tầm bắn lên tới 500 km, là bản sao tên lửa R-17 của Liên Xô, nằm trong tổ hợp tên lửa Elbrus, hay còn gọi là Scud. 

Các nhà phân tích cảnh báo không nên đánh giá thấp những rủi ro mà liên minh này gây ra. Đối với Ukraina, điều đó có nghĩa là sự gia tăng mạnh mẽ các mối đe dọa quân sự và các cuộc tấn công vào các cơ sở nằm sâu trong hậu phương, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng. 

Đối với phương Tây, điều này có nghĩa là một cuộc đối đầu mới với Nga, quốc gia với sự giúp đỡ của Iran sẽ có thể tránh được hậu quả của một số lệnh trừng phạt. Phân tích các UAV cho thấy 76 thành phần của chúng có nguồn gốc từ 14 công ty có trụ sở tại Mỹ, bất chấp lệnh trừng phạt của Washington chống Tehran.

Musienko lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn là điều cần thiết. "Điều quan trọng nữa là các cơ quan tài chính có liên quan phải điều tra nguồn gốc tài sản và hoạt động rửa tiền để theo dõi chuỗi cung ứng các bộ phận và linh kiện mà Iran có thể đã mua để sản xuất và có được chuỗi cung ứng tương ứng". 

Hơn nữa, việc tăng cường cô lập Iran cần thực hiện song song với việc "chuyển giao nhanh hơn tất cả các thiết bị phòng không có thể chuyển cho Ukraina".

(Nguồn: TTXVN/Eurasiareview)

P.V (tổng hợp)