VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC. Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch tập đoàn này bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ việc mua và đổi tên thành Công ty Faros. Quyết dùng Công ty Faros làm công cụ phương tiện chỉ đạo Doãn Văn Phương và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo lãnh đạo Công ty Faros thực hiện các thủ tục để Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng, được niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE. Bị can chỉ đạo việc mua bán số cổ phiếu khống về giá trị, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cụ thể, sau khi số tiền bán cổ phiếu ROS được chuyển về tài khoản của các cổ đông, Trịnh Thị Minh Huế lập chứng từ rút tiền mặt đưa cho các cổ đông ký, để Huế lấy tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết.
Trong đó, hơn 181 tỷ đồng được nộp vào tài khoản của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và 5 công ty con, công ty liên kết với tập đoàn FLC.
Hơn 436 tỷ nộp vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân để thanh toán, trả nợ vay, gồm: Tống Xuân Vương 196,57 tỷ đồng, Nguyễn Thị Xuân Hoa 196 tỷ đồng, Lê Thị Ngọc Diệp 25,7 tỷ đồng, Trịnh Văn Quyết 5 tỷ đồng, Nguyễn Băng Thương 7,75 tỷ đồng, Hương Trần Kiều Dung 3 tỷ đồng, Đặng Quý Thiết 800 triệu đồng, Ngô Thế Bằng 600 triệu đồng, Lê Thu Hiền 250 triệu đồng, Trịnh Thị Minh Huế 1,23 tỷ đồng và tài khoản thẻ 500 triệu đồng.
Hơn 380 tỷ đồng được nộp vào tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán của các cá nhân, pháp nhân do Huế quản lý, sử dụng để tiếp tục mua bán chứng khoán; hơn 44 tỷ chi tiêu cá nhân.
Còn lại hơn 2.500 tỷ đồng, được nộp vào Tập đoàn FLC, các công ty con, công ty liên kết để hoạt động kinh doanh, nộp vào nhóm tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các cá nhân, pháp nhân do Huế quản lý, điều hành.
Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã chứng minh được có 30.403 nhà đầu tư mua 391.155.480 cổ phiếu ROS (lần bán ra ban đầu) của Trịnh Văn Quyết giao dịch trên sàn HoSE, với tổng giá trị thu về hơn 4.800 tỷ đồng, theo VTC News.
Qua đó, cơ quan điều tra kết luận Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt của 30.403 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.
"Các cá nhân này đã bỏ một khoản tiền thật để mua cổ phiếu ROS của Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán mà không biết cổ phiếu đã bị Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dùng các thủ đoạn gian dối để nâng khống về giá trị, vì vậy được xác định là bị hại của vụ án", cáo trạng nêu.
Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp ủy thác điều tra, đồng thời Bộ Công an và VKSND Tối cao đã nhiều lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị người bị hại đã mua cổ phiếu ROS khai báo, xác minh, lấy lời khai để xem xét, giải quyết trong vụ án.
Kết quả điều tra đến nay mới chỉ xác định 133/30.403 bị hại, đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng. Hiện có 95/133 bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu 381.670 cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khai nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền hơn 189,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra còn xác định, bị can Trịnh Thị Minh Huế (là em gái ông Quyết) đã trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông Quyết thực hiện, điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng. Bị can Huế còn hoàn thiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HoSE; bán cổ phiếu, thu tiền chuyển cho Trịnh Văn Quyết sử dụng.
Tại cơ quan điều tra, bị can Huế khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 100 triệu đồng.
Trong khi đó, bị can Doãn Văn Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Faros) là người tham mưu cho ông Trịnh Văn Quyết, thường xuyên bàn bạc, thống nhất chủ trương và được ông Quyết giao trực tiếp thực hiện thủ tục mua Faros; ký các thủ tục tăng vốn điều lệ, ủy thác đầu tư.
Cáo trạng nêu, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Faros, bị can Phương ký tờ trình, biên bản họp đại hội cổ đông, nghị quyết các lần tăng vốn từ 1.125 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng; từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng; từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; ký 18 giấy rút tiền mặt để Trịnh Thị Minh Huế rút 900 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Faros, để hợp thức dòng tiền tăng vốn khống.
Hiện nay, do bị can Doãn Văn Phương đã xuất cảnh ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can để tiếp tục xử lý khi bắt được bị can.
Cụ thể, bị can Nga đã ký 6 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư của Faros, với tổng số tiền 368 tỷ đồng để nâng khống vốn góp từ 1.125 tỷ lên 3.500 tỷ đồng; ký 50 ủy nhiệm chi chuyển 1.300 tỷ đồng để Huế hợp thức hóa, che giấu số vốn góp khống.
Bên cạnh đó, bị can Nga trực tiếp nhờ 3 nhân viên cấp dưới ký 17 hợp đồng nhận tiền ủy thác đầu tư với tổng số tiền hơn 880 tỷ đồng của Faros để hợp thức nâng khống vốn góp và mượn chứng minh thư nhân dân của nhân viên để đưa cho Huế sử dụng mở 10 tài khoản chứng khoán mua bán cổ phiếu ROS.
Cáo trạng xác định, hành vi của bị can Nga đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó giúp ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, theo SGGP.
Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung bị cáo buộc không nộp tiền vốn khống, không nhận tiền vay của Faros nhưng được ông Quyết giao ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, giấy nộp tiền góp vốn, để sở hữu hơn 53 triệu cổ phần (khoảng hơn 523 tỷ đồng). Sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 10 triệu cổ phần cho ông Quyết để hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết. Còn lại hơn 42 triệu cổ phiếu bà Dung giao cho Huế bán, thu tiền cho ông Quyết.