Ngày 23/11, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.
Tại Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tri thức dân gian "Tri thức may, mặc áo dài Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hoạt động trình diễn bộ sưu tập áo dài Huế trong sáng 23/11. Ảnh: PL |
Phát biểu tại lễ đón nhận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhấn mạnh đây là di sản chung của cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị.
Thời gian tới, Thừa Thiên-Huế tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của áo dài trong cuộc sống đương đại.
Đồng thời, sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cũng theo ông Hải, sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam - nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa, giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay). Trong khoảng thời gian từ năm 1837 - 1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc và được xem là Quốc phục của người Việt.
Trải qua thời gian dài hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều tri thức may, mặc áo dài.
Ở Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán và cũng là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Huế.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” từng bước đưa áo dài lan tỏa trong cộng đồng, các loại hình áo dài được nghiên cứu, phục hồi ngày càng phong phú, đặc biệt là các loại cổ phục.
Huế cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam tổ chức “ Lễ hội áo dài” trong trong kỳ Festival Huế 2002 và được duy trì đều đặn đến nay nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị tà áo dài đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024: Tôn vinh tinh hoa áo dài Việt
Tối 4/10, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Hà Nội-Tinh hoa áo dài” đã khai mạc tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.