Tổng quan kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và những vấn đề cần quan tâm

Dù đạt kết quả ban đầu tích cực, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu bình đẳng giới dài hạn và giải quyết triệt để là cần thiết.
Thạc sĩ Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới (Bộ Nội vụ)
Thạc sĩ Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng giới (Bộ Nội vụ)

Tổng quan về mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030

Ngày 03/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông. Bên cạnh các chỉ tiêu kế thừa, duy trì từ giai đoạn 2011-2020, Chiến lược giai đoạn 2021-2030 còn đề ra các chỉ tiêu mới như: giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân,... nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, bền vững và toàn diện hơn. 

Để triển khai thực hiện Chiến lược 2021-2030, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ ngành các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược cũng như việc thu thập số liệu và báo cáo kết quả thực hiện, giúp cho việc thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả triển khai Chiến lược thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. 100% các bộ, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược, các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được triển khai có hiệu quả, đạt kết quả tốt.

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bình đẳng giới, thực hiện nghiêm túc quy định về lồng ghép giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các lĩnh vực như: Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030, Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025, Đề án “Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024 – 2030; xây dựng, hoàn thiện Bộ Tài liệu hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, cán bộ làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành,…

Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021–2025

Hằng năm, Chính phủ đều báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ cho thấy các kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu năm sau đều có những tiến bộ so với năm trước, tính đến hết năm 2024, có 13/20 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn; Có 05 chỉ tiêu có kết quả đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đến năm 2025; Có 5 chỉ tiêu một phần và 3 chỉ tiêu vẫn còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025, cụ thể như sau:

Có 13/20 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn.

Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2024 đạt 50,09% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030).

Tỷ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 25,5 %. Đạt và vượt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là giảm xuống dưới 30% và tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030 là giảm xuống dưới 25%.

Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 28,2% (theo thống kê từ năm 2020). Đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là đạt 27%.

Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 100%, vượt chỉ tiêu đề ra là đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.

Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn đạt 81,07% vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 50% và đến năm 2030 là 70%.

Duy trì và đạt 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. 

Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đạt 100%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 70% vào năm 2025.

Tỷ suất sinh ở vị thành niên năm 2023 là 15,4‰. Đạt chỉ tiêu Chiến lược đề ra đến năm 2025 (dưới 18‰ vào năm 2025).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai Đề án “Đưa việc giảng dạy nội dung về giới, BĐG vào chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và trình độ đại học giai đoạn 2024-2030”. Phấn đấu đến 2025 đạt mục tiêu nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.

Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 98,6%; Tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2023-2024 đạt 91,7%, năm học 2022-2023 đạt 90%. Như vậy chỉ tiêu này vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và đạt chỉ tiêu đến năm 2030.

Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 34%. Đạt chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đạt trên 30% vào năm 2025 và 2030.

Năm 2024, có khoảng 64,83% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Chỉ tiêu này đã vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%.

Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương đã có chuyên mục, chuyên trang về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được phát sóng định kỳ.

Có 05 chỉ tiêu có kết quả đạt 1 phần và tiệm cận so với mục tiêu đến năm 2025.

Tỷ lệ chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 76% (48/63) vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60% và đến năm 2030 là 75%.

Đặc biệt, sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ 01/3/2025, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 59%, tăng gần 15% so với trước đó và tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Năm 2024 số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ bằng 1,8 lần so với nam giới.

Tỷ số giới tính khi sinh năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố là 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra vào năm 2025 đề ra 111 bé trai/100 bé gái.

Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản năm 2024 là 43/100.000, tiệm cận so với chỉ tiêu đến năm 2025 là 42/100.000, đến năm 2030 xuống dưới 42/100.000

Năm 2024, theo báo cáo của địa phương, có khoảng 98,2% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới. Như vậy chỉ tiêu này tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 100%.

Có 5 chỉ tiêu đạt một phần và 3 chỉ tiêu vẫn còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ  là 14/30 (46,67%) chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là 60% (sau sắp xếp lại các cơ quan thì tỉ lệ này đã đạt 59%, tiệm cận với mục tiêu đề ra).

Tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 1/8 (12,5%) chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là 60%.

Tỷ lệ chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 44,69% chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là 60%.

Tỷ lệ chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 47,54% chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là 60%.

Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ là 45,2%. Chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là không dưới 50%.

Tỷ suất sinh ở vị thành niên khoảng 30‰. Chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là xuống dưới18‰.

Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Hiện nay có 9/63 đạt 14% tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới .

Có khoảng 95% các xã phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. So với chỉ tiêu là 100% đến năm 2025.

Đánh giá chung

Lĩnh vực bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội đã chú trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược và chương trình liên quan phù hợp với điều kiện thực tế.

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước. Các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án được xây dựng với mục tiêu bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó quan tâm đến quyền bình đẳng và cơ hội dành cho cả phụ nữ và nam giới cũng như đặc biệt chú trọng tới các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống ở vùng miền núi…

Việc đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được quan tâm và là nguyên tắc trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hoạt động giáo dục, tuyên truyền về bình đẳng giới đạt được kết quả tốt. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố. 

Công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện bình đẳng giới được tăng cường và phát huy hiệu quả.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược có những tiến triển rõ rệt, có căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025. Nhìn chung khoảng cách giới trong các lĩnh vực tiếp tục được thu hẹp, Việt Nam giữ vị trí 72/146 quốc gia (tăng 11 bậc so với năm 2022)50, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, góp phần gia tăng cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới toàn cầu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Một số vấn đề cần quan tâm

Các vấn đề chung

Định kiến giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong xã hội, đây là một trong những nguyên nhân chính nhằm cản trở tiến trình thực hiện bình đẳng giới nói chung và việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới nói riêng.

Việc lồng ghép giới trong một số văn bản pháp luật còn chưa cơ quan soạn thảo quan tâm đúng mức, chất lượng chưa cao.

Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn hạn chế về số lượng; chưa được chuyên môn hoá cao, đội ngũ cán bộ thường xuyên luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai công tác.

Kinh phí chi thường xuyên cho công tác bình đẳng giới còn hạn chế; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bố trí ngân sách riêng, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ theo Chiến lược và Chương trình đề ra. Việc triển khai các nhiệm vụ về bình đẳng giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.

Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá về bình đẳng giới còn hạn chế do thiếu công cụ thống kê và dữ liệu đồng bộ. Việc thu thập một số chỉ tiêu phụ thuộc vào các cuộc tổng điều tra dài hạn, gây khó khăn cho báo cáo hàng năm. Báo cáo từ một số bộ, ngành và địa phương chưa đảm bảo thời hạn và nội dung theo yêu cầu.

Đối với các lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất khích lệ, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số hợp phần của chỉ tiêu này khó đạt theo mục tiêu của Chiến lược.

Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức. Các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ rất khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn ưu đãi chính thức. Số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ vẫn còn cao hơn so với nam giới.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tuy đã giảm nhưng vẫn còn chênh lệch, gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học - là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.

Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn đáng lo ngại, diễn biến phức tạp và đôi khi chưa được địa phương nhận diện đầy đủ, phát hiện kịp thời, chính xác dẫn đến hạn chế trong việc kịp thời bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và xử lý các vụ việc.

Vấn đề bình đẳng giới còn gặp nhiều thách thức do: (i) Ảnh hưởng của tốc độ già hóa dân số; tỷ lệ nữ giới cao tuổi cao hơn so với nam giới; hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi, nhất là đối với nhóm người cao tuổi là nữ; (ii) Khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số ngày càng trở nên thách thức khi lao động nữ chủ yếu làm việc ở vị trí giản đơn, kỹ năng nghề thấp dễ có nguy cơ mất việc cao; (iii) Tác động của biến đổi khí hậu lên phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương cao hơn so với các nhóm khác.

Một số giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030

Sớm thống nhất bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ. 

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát Luật Bình đẳng giới. 

Tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép giới trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu còn đạt kết quả thấp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và mục tiêu số 5 của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Sơ kết, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu của Chiến lược và đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu mình đẳng đẳng giới.

Xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện, đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng các sản phẩm truyền thông sinh động, dễ hiểu và truyền tải đầy đủ các nội dung truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình, đề án liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Tiếp tục phát huy vai trò, nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027 nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với quốc tế.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

ThS. Lê Khánh Lương

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải thiện giáo dục và bình đẳng giới tại vùng núi

Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải thiện giáo dục và bình đẳng giới tại vùng núi

Đại sứ quán Nhật Bản và Plan International Japan hợp tác viện trợ, nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng giới cho trẻ em vùng cao.

Đọc nhiều nhất