Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái 25/11

Năm nay đánh dấu 25 năm kể từ khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 25/11 là Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ.

Từ năm 1999 đến nay, này 25/11 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn này. 

Năm nay đánh dấu một cột mốc 25 năm kể từ khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 25/11 là Ngày Quốc tế Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ. Nhân dịp này, chiến dịch "16 Ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới" sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12), nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực giới và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Tiếp nối truyền thống, sáng kiến UNiTE do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phát động sẽ đồng hành cùng chiến dịch. Với thông điệp mạnh mẽ "Đoàn kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ", chiến dịch năm nay nhấn mạnh rằng không có bất kỳ lý do nào có thể biện minh cho hành vi bạo lực. Đây là lời khẳng định về quyền được sống trong an toàn, bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời là lời kêu gọi hành động thiết thực để xây dựng một thế giới không còn bạo lực giới.

Ảnh: Pacific Community
Ảnh: Pacific Community

Thực trạng đáng báo động

Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) từng bị một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế trong đời. Đáng lo ngại, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em.

Một báo cáo đáng báo động của UN Women và UNODC cho thấy, năm 2022, gần 89.000 phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đã bị sát hại, con số cao nhất trong vòng 20 năm qua. Đáng sợ hơn, hơn một nửa số nạn nhân bị chính người thân, bạn đời tước đoạt mạng sống, cho thấy ngay cả trong chính ngôi nhà của mình, phụ nữ và trẻ em gái cũng không được an toàn.

Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn trong năm 2023, khi những con số thương tâm tiếp tục gia tăng. Không chỉ đối mặt với nguy hiểm trong gia đình, phụ nữ và trẻ em gái còn bị đe dọa ở nơi làm việc và trên không gian mạng. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, xung đột và biến đổi khí hậu càng khoét sâu thêm vấn nạn bạo lực giới, đẩy phụ nữ vào tình thế ngày càng bấp bênh.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đáng buồn hơn, con số thực tế về các vụ bạo lực có thể còn cao hơn nhiều so với báo cáo. Nỗi sợ hãi, sự xấu hổ, áp lực xã hội khiến nhiều nạn nhân chọn cách im lặng, cam chịu thay vì lên tiếng tố cáo. Sự thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh cũng góp phần che giấu những nỗi đau và tiếp tay cho bạo lực tiếp diễn.

Bà Anna Maswikeni, một nhân viên xã hội ở Nam Phi, chia sẻ rằng chính sự im lặng đã nuôi dưỡng vòng luẩn quẩn của bạo lực qua nhiều thế hệ. Trẻ em lớn lên trong môi trường bạo lực gia đình dễ dàng hình thành quan niệm sai lệch, coi bạo lực là cách giải quyết mâu thuẫn và lặp lại hành vi đó khi trưởng thành.

Những nỗ lực của Việt Nam:

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực cam kết mạnh mẽ thực hiện Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs. Việt Nam cũng là một trong 13 quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược đề ra 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể, trong đó tập trung vào việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tích cực tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức và kiến thức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nổi bật là chiến dịch "The Orange Team" do UN Women thực hiện, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng. Chiến dịch sử dụng màu cam – màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hy vọng – làm biểu tượng, đồng thời thể hiện tính cấp bách của vấn đề, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội.

Để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần phá vỡ sự im lặng. Mỗi người cần lên án bạo lực, ủng hộ nạn nhân và tạo điều kiện để họ tiếp cận công lý, dịch vụ hỗ trợ. Chỉ khi nào bạo lực không còn là "chuyện riêng trong nhà", khi nào mọi người đều có ý thức bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai bình đẳng và an toàn hơn cho tất cả.

Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, cần thay đổi nhận thức, xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng và tôn trọng cho tất cả mọi người.

PV (Tổng hợp)

Quá khứ bất hảo của thần tượng tuổi teen vĩ đại nhất: Bạo lực, lạm dục chất cấm, nói gì về cáo buộc hiếp dâm fan tự kỷ?

Quá khứ bất hảo của thần tượng tuổi teen vĩ đại nhất: Bạo lực, lạm dục chất cấm, nói gì về cáo buộc hiếp dâm fan tự kỷ?

Nick Carter là cái tên được nhắc đến rầm rộ nhiều ngày qua sau khi series điều tra Fallen Angels (Những thần tượng sa ngã): Nick và Aaron Carter lên sóng.