Cho trẻ nghỉ học dài ngày vì virus corona: liệu không đến trường có thực sự là giải pháp an toàn?

Nên chăng, việc đảm bảo an toàn cho con cái còn cần cả hiểu biết và tư duy, đừng vì những cảm xúc quá khích và những tin tức không chính xác gây hoang mang, sợ hãi không cần thiết.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Trước tình hình dịch bệnh do virus corona vẫn đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay từ đầu, tôi vẫn quan điểm giữ ý kiến trung lập về chuyện này, vì quan điểm của tôi là không hoảng loạn quá mức nhưng vẫn cẩn trọng, bằng chứng là mình có đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, khi đi xem phim và đi xe bus, rửa tay thường xuyên và trước khi ăn... còn ngoài ra tôi và gia đình vẫn sống và sinh hoạt như bình thường không có gì thay đổi cả.

Tuy nhiên, vì trong gia đình cũng có con nhỏ, sau khi chứng kiến một số phản ứng của một số phụ huynh cùng độ tuổi như con em trong nhà tôi, tôi quyết định nói ra suy nghĩ của mình về chuyện này.

Mấy ngày nay tôi đọc ý kiến từ các chiều khác nhau về chuyện này. Một bên đã so sánh số người chết vì dịch nCoV với các dịch bệnh trước đó. Thì bên kia phản biện lại rằng những dịch bệnh như SARS… phải mất vài tháng mới đạt được con số "khủng" như nCoV. nCoV tăng quá mạnh. Điều này không sai, nhưng chỉ là một mặt của vấn đề.

Tôi nhớ có lần đứng ở trước cửa khách sạn Daewoo chờ đợi một người bạn thì trước mặt tôi là một tấm bảng cập nhật số người chết vì tai nạn giao thông trên cả nước. Và cứ vài phút thì lại có một người chết vì tai nạn giao thông. Giờ thì tôi không biết cái bảng ấy còn hoạt động không, và nếu có thì liệu có còn ai để ý và cảm thấy sợ hãi vì những con số cảnh báo ấy?

Và liệu, có ai vì sợ tai nạn giao thông mà chọn giải pháp chỉ ngồi yên trong nhà để đảm bảo an toàn hay không? Thực tế rõ ràng là không phải ai cứ đi ra đường là gặp vấn đề về giao thông cả. Cuộc sống hàng ngày, ai cũng phải tham gia giao thông vì miếng cơm manh áo. Thậm chí có không ít trường hợp coi thường các quy tắc an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi xe ô tô không thắt dây an toàn... trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển xe máy...vv...

Chắc các bạn không biết là xe ba bánh dành cho người khuyết tật ở nhiều nước trên thế giới giờ đã có hệ thống chống lật để đảm bảo khi vấp phải đá hay ổ gà trên đường thì dù xe có nghiêng thế nào thì xe sẽ tự động bật trở lại về chỗ cũ. Còn các xe ba bánh tại Việt Nam là xe tự chế không có hệ thống này cho nên nếu bị vấp phải đá là xác định là bị xe ba bánh đè lên người và bị thương nằm giường một thời gian. Nhưng rồi vì miếng cơm manh áo rồi người khuyết tật vẫn phải trèo lên xe ba banh và  ra đường dù biết nguy cơ bị xe đè là rất cao. Và người khuyết tật Việt Nam chấp nhận chuyện bị xe đè là "sống chung với lũ" chứ đâu có chỉ ở yên trong trong nhà không đi ra đường làm việc để bảo vệ cái an toàn của bản thân.

Cho trẻ nghỉ học dài ngày vì virus corona: liệu không đến trường có thực sự là giải pháp an toàn?

Nhìn vào trong hình có thể thấy, chỉ trong 4 ngày tết năm 2020 vừa qua có tới hơn 122 người chết vì tai nạn giao thông, trong khi người dân vẫn dửng bình thản quan tâm, vẫn đi ra đường, đi chơi lễ hội, vẫn bất chấp mọi nguyên tắc an toàn giao thông. Còn dịch nCoV cả tháng vừa qua chúng ta chỉ có 16 người xác nhận bị nhiễm và chưa có ca tử vong tại Việt Nam, đây liệu có phải lý do hợp lý để không nên đi ra đường?

Nói đến nguy hiểm, không chỉ dịch bệnh, mà nguy hiểm rình rập chúng ta hàng ngày ở khắp mọi mặt của cuộc sống: Giao thông, Thực phẩm, Y tế, Môi trường, thậm chí ngồi nhà cũng phải đối diện với nguy cơ "đầu độc" từ mạng xã hôi, smartphone, màn hình TV... liệu chúng ta có thể đảm bảo cho con cái chúng ta một cuộc sống vô nhiễm với tất cả để luôn an toàn trong xã hôi ngày nay?

16 người là số lượng người chưa lấp đầy được 1/2 cái phòng làm việc nhỏ bé của tôi. Ấy vậy mà người ta vẫn nhao nhao lên mạng đòi đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch với thế giới bên ngoài khiến một loạt nông sản ùn tắc ở biên giới không có đầu ra, phải vứt cho trâu bò ăn, dân đi buôn hàng thì khóc ròng vì hàng hóa không lưu thông được. Và liên tục kêu gọi phải cho trẻ con phải nghỉ học cứ như thể virus đang lởn vởn ngoài không khí, chỉ cần chúng ta thò mặt ra đường hít thở là lập tức nhiễm dịch bệnh nguy kịch tính mạng như mấy phim về zombie vậy !!!

Những vị phu huynh mà có 2 bên nội ngoại cùng ở thành phố giống mình thì có thể yên tâm gửi cháu cho ông bà trông hộ rồi yên tâm đi làm. Những gia đình có thu nhập cao có thể thuê người trông trẻ. Còn hàng vạn những lao động nghèo từ quê lên thành phố sống lay lắt không có người thân bên cạnh thì phải làm sao? Dân văn phòng có thể mang con đến công ty, dù có thể hơi phiền, nhưng cũng tạm gọi là giải pháp tình thế. Cò những bố mẹ là công nhân, mang con vào xưởng liệu được chăng?? 

Cho trẻ nghỉ học dài ngày vì virus corona: liệu không đến trường có thực sự là giải pháp an toàn?

Vậy là chúng ta đang sợ con của chúng ta bỏ mạng vì một loài virus chỉ làm cho 16 người bị nhiễm và chưa có ai chết trong một đất nước 90 triệu dân, khả năng bị chết chắc chỉ khoảng chưa đến 1% tại Việt Nam và mang con cái chúng ta đến với những mối nguy hiểm khác có nguy cơ cao hơn nhiều đó là giao thông, mang con cái đến chỗ làm đầy người lớn xa lạ, hay để chúng ở nhà một mình không ai trông nom? Liệu đó có phải là khôn ngoan?

Ở đây tôi không có ý định phản đối những người sợ con mình gặp nguy hiểm bắt con ở nhà. Nuôi và chăm sóc con cái thế nào là quyền của mỗi người. Nếu các vị phụ huynh ấy muốn con mình an toàn tuyệt đối và cho rằng nghỉ học cả năm rồi năm sau học lại cũng không sao thì cứ giữ con của quý vị ở nhà chờ đến sang năm rồi hãy cho đi học. Đó là nhân quyền!

Cuộc sống cơm áo gạo tiền vẫn đang diễn ra hàng ngày, và con cái ai cũng quý, cũng là "số một", nhưng bắt cả một cộng đồng với đủ mọi thành phần xã hội với các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khác nhau cũng phải xử lý vấn đề theo một cách giống nhau thì liệu có là hợp lý? Và nên chăng, việc đảm bảo an toàn cho con cái còn cần cả hiểu biết và tư duy, đừng vì những cảm xúc quá khích và những tin tức không chính xác gây hoang mang, sợ hãi không cần thiết.

Nguyễn Lâm

Bộ GD&ĐT: Trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tạm thời nghỉ học

Bộ GD&ĐT: Trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tạm thời nghỉ học

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, trong trường hợp cần thiết, các đơn vị đào tạo, dạy học cần sắp xếp cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.