Chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới phá sản

Red Lobster - chuỗi nhà hàng vốn cực kỳ nổi tiếng với các món tôm hùm giá phải chăng đã phá sản với khoản nợ hơn 1 tỷ USD.

Chuỗi nhà hàng hải sản nổi tiếng Red Lobster của Mỹ đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản và đang phải gánh chịu khoản nợ lên tới hơn 1 tỷ USD, trong khi số tiền mặt hiện có chỉ chưa đầy 30 triệu USD.

Giám đốc điều hành (CEO) Red Lobster, Jonathan Tibus, cho biết, việc tái cơ cấu là lựa chọn tốt nhất đối với chuỗi nhà hàng đã ra đời năm 56 năm này. Điều này cho phép Red Lobster giải quyết một số thách thức về tài chính và hoạt động, vươn lên mạnh mẽ hơn và tập trung vào tăng trưởng.

Để có nguồn vốn duy trì hoạt động, Red Lobster dự định sẽ bán bớt một phần mảng kinh doanh cho các chủ nợ. Trong thời gian này, hãng cũng sẽ tiếp tục đóng cửa một số nhà hàng.

Nổi danh với các món ăn chế biến từ càng cua và tôm, Red Lobster hiện đang là chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của hãng diễn ra vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Đặc biệt, vào năm 2016, ca sĩ Beyoncé đã nhắc đến chuỗi nhà hàng này trong một ca khúc, giúp doanh số của Red Lobster tăng vọt.

Với 578 nhà hàng trải dài khắp Mỹ và Canada, Red Lobster phục vụ khoảng 64 triệu lượt khách mỗi năm, mang về doanh thu 2 tỷ USD. Ước tính có tới 20% sản lượng đuôi tôm hùm tại Bắc Mỹ được bán cho chuỗi nhà hàng này.

Chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới phá sản- Ảnh 1.

Hình ảnh một cửa hàng Red Lobster.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia phân tích và cựu nhân viên, những sai lầm trong quản lý gần đây, cùng với tình trạng lạm phát, cạnh tranh gay gắt và nhiều yếu tố bất lợi khác đã khiến Red Lobster lâm vào tình cảnh khó khăn. Việc hãng không chú trọng đầu tư vào marketing, chất lượng món ăn, dịch vụ và cơ sở vật chất trong nhiều năm cũng khiến họ khó cạnh tranh với các đối thủ.

Red Lobster được thành lập vào năm 1968 bởi Bill Darden, người được coi là cha đẻ của cuộc cách mạng nhà hàng bình dân tại Mỹ. Sau đó, chuỗi nhà hàng này trở thành một phần của tập đoàn Darden Restaurants.

Năm 2014, Darden bán Red Lobster cho quỹ đầu tư Golden Gate Capital với giá 2,1 tỷ USD. Từ năm 2020, công ty phân phối hải sản Thai Union Group của Thái Lan trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 49% cổ phần của Red Lobster.

Trong vài năm trở lại đây, Red Lobster bắt đầu gặp khó khăn trong kinh doanh. Lượng khách đến ăn giảm 30% so với năm 2019, đặc biệt sau đại dịch. Đầu năm nay, Thai Union tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi Red Lobster và chấp nhận khoản lỗ 530 triệu USD.

Theo một số cựu nhân viên, chính sách cắt giảm chi phí và những chiến lược sai lầm của Thai Union đã góp phần khiến Red Lobster đi xuống. Hãng liên tục thay đổi CEO, với 5 người kể từ năm 2021, cùng với sự xáo trộn ở các vị trí giám đốc marketing, tài chính và truyền thông.

TÚC