Chuyên gia đưa nhiều đề xuất liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị

Tại Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức, các chuyên gia đã có nhiều đề xuất liên quan đến việc phát triển và quy hoạch đô thị.

Tại Hội nghị “Đô thị toàn quốc 2022” do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức, các chuyên gia đã có nhiều đề xuất liên quan đến việc phát triển và quy hoạch đô thị.

Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, việc quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đã có nhiều thành tựu, nhưng vẫn chưa phát huy hết các tiềm lực quốc gia. Do đó, việc đổi mới tư duy quy hoạch là rất quan trọng để hạ tầng quy hoạch có thể đi trước một bước, tạo ra động lực cho việc phát triển kinh tế.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. Nguồn ảnh: Diendandoanhnghiep.vn

Xét ở góc độ địa kinh tế và kinh tế đô thị, KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia cho biết, hệ thống đô thị hiện chưa phát huy hết những tiềm lực kinh tế trong bối cảnh đầu tư dàn trải và nhiều trường hợp phát triển đô thị còn duy ý chí và không theo quy luật thị trường.

Còn ở độ sinh thái môi trường, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực, phát triển ở những vùng không thuận lợi về sinh thái môi trường, dẫn tới vừa phá huỷ hệ sinh thái, vừa tốn tiền đầu tư.

KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia

KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia. Nguồn ảnh: Diendandoanhnghiep.vn

KTS Phạm Thị Nhâm cho biết thêm, nhìn từ góc độ văn hóa xã hội, chưa có quan điểm rõ ràng và khả thi đối với mục tiêu văn hoá - xã hội, đặc biệt là chủ đề công bằng xã hội và bản sắc văn hoá trong không gian đô thị.

Đồng thời, hệ thống đô thị Việt Nam chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như chưa phát huy hết tiềm lực mà biến đổi khí hậu mang lại.

Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu. Đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước, các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước. Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó, hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Đồng quan điểm, KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

T.H