CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC (HOSE: ACC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, Bình dương ACC không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 nhưng cổ phiếu tăng trần 6 phiên cổ đông lớn liên tục "thoát hàng".
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/1/2022, cổ phiếu ACC giao dịch ở ngưỡng 20.400 đồng/cp, tăng 0,99% so với phiên giao dịch liền kề. Trước đó, những ngày đầu năm 2022, cổ phiếu ACC đã ghi nhận 6 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá từ ngưỡng 16.00 đồng/cp lên 23.900 đồng/cp.
Tổng giá trị vốn huy động là 750 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền 1:2,5 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền mua cổ phiếu, cứ 1 quyền mua sẽ được mua thêm 2,5 cổ phiếu mới phát hành thêm). Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 6/01/2022, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 7/1/2022. Thời gian nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu từ 13/1/2022-28/1/2022. Thời gian đăng ký mua cổ phiếu từ 13/1-10/2/2022.
Vốn điều lệ ACC đang ở mức 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm CTCP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương sở hữu 24,9%; ông Hoàng Xuân Quang sở hữu 24,13%; bà Nguyễn Thị Kim Thanh sở hữu 26,67%; và cổ đông nước ngoài Pyn Elite Fund (Non - Ucits) sở hữu 9,99%. Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 24/1/2022, Pyn Elite Fund đã phát đi thông báo giảm tỷ lệ sở hữu tại ACC về còn 4,88%, qua đó không còn là cổ đông nắm giữ trên 5% vốn của doanh nghiệp. Đáng chú ý ACC lên kế hoạch huy động vốn trong bối cảnh doanh nghiệp này có tham vọng tạo đột phá với việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, bắt đầu trở thành chủ đầu tư của dự án có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Phía ACC cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài trên địa bàn Bình Dương và các vùng lân cận.. là địa bàn công ty cung cấp các sản phẩm chính và tổ chức thi công xây dựng trong thời gian vừa qua. Trong quý IV/2021, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, tuy nhiên các công trình cũng chưa triển khai đồng bộ như ban đầu. Vì vậy việc cũng cấp sản phẩm và thi công các công trình không được liên tục. Do đó, việc ghi nhận doanh thu quý IV/2021 sụt giảm đáng kể so với quý IV/2020 dẫn đến lợi nhuận giảm.
Báo cáo tài chính ACC cho thấy, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 2 tỷ đồng xuống còn hơn 800 triệu đồng. Chi phí tài chính tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, lên 15 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng mạnh. Trong khi đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm.
Kết quả, ACC báo lãi trước thuế quý IV 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 31 tỷ đồng. Luỹ kế năm 2021, Bình Dương ACC ghi nhận 353 tỷ đồng doanh thu, giảm 132 tỷ đồng so với năm 2020. Lãi sau thuế đạt 37 tỷ đồng, giảm 29 tỷ đồng. Với kết quả này, ACC không hoàn thành kế hoạch doanh thu (671 tỷ đồng) và chỉ tiêu lợi nhuận (70 tỷ đồng) đã đặt ra trong năm 2021. Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản Bình Dương ACC có hơn 1.172 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng mạnh từ 354 tỷ đồng lên 534 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản phải thu dài hạn ghi nhận thêm 255 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Ở chiều ngược lại, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 205 tỷ đồng về còn 92 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm đáng kể về còn 179 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả ACC tính đến cuối năm 2021 còn 699 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng sau 12 tháng. Trong đó, nợ vay tài chính ở ngưỡng 571 tỷ đồng, chiếm phần lớn cơ cấu nợ của ACC.
Tổng Hợp