Công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Ngày 9/3, Vietnam Report công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022.

Theo đó, Top 10 của bảng xếp hạng gồm những tên tuổi như: Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt, Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt và Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam.

Theo đại diện Vietnam Report, Bảng xếp hạng FAST500 đã bước sang năm thứ 12 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu.

Bên cạnh đó, còn là các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sỡ hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Sơ bộ đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FAST500 trong năm 2021, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, Bảng xếp hạng FAST500 năm nay có sự tham gia trả lời khảo sát của 186 doanh nghiệp; trong đó, 75,8% số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng về doanh thu trong năm 2021 và 23,7% doanh nghiệp còn lại thì bày tỏ doanh thu của họ bị giảm đi so với năm 2020.

Cùng đó, có 72,6% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng lên so với năm 2020 và gần 1/3 doanh nghiệp trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 75%. Đa số các doanh nghiệp đều tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong khoảng dưới 50% so với năm 2020, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút về cả hai chỉ tiêu của năm 2021 so với năm 2020.

Ông Vinh cho biết thêm, điểm đáng lưu ý từ kết quả khảo sát FAST500 lần này là tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về các yếu tố liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh đóng góp cho tăng trưởng là rất thấp. Điều này cho thấy có sự chững lại về những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nguyên nhân khách quan là do các cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng nhiều hơn tới phòng chống dịch và thực hiện các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì thế những giải pháp tháo bỏ rào cản kinh doanh có xu hướng chậm lại, khiến điểm số cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, chỉ số phát triển bền vững và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta bị giảm xuống trong hai năm trở lại đây.

Bước sang năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn, ông Vinh nhấn mạnh.

(Nguồn: TTXVN)

P.V