Dân gian miền biển có câu: “Bấc cầu tài, nam giã bãi” như một tín hiệu, báo cho chúng ta hay mùa khó chịu nhất của năm, đã về. Có người kêu mùa nam là mùa ương chướng, có kẻ kêu là tai quái vì thời tiết khắc nghiệt khiến người già, trẻ nhỏ hay đau. Và càng nguy hiểm hơn đối với những ai có bệnh liên quan đến tim mạch, não bộ vì rất dễ bị đột quỵ, tai biến…
Khởi đi của mùa nam là nam non và gió, dẫu có bức bối oi nồng thật đấy nhưng chưa tới mức độ “kinh hồn khiếp vía” như là nam cồ. Ấy là nói theo giọng điệu của người miền Trung. Gió ngang nhiên chứng tỏ sự hiện diện của mình bằng tất cả những khốc liệt và sự hung hãn. Sự chuyển đổi của gió với rất nhiều cung bậc cho biết tháng năm âm lịch đã đi qua. Đó cũng là lúc những bụi sim ở trên gò, sườn đồi… chấm dứt thời kỳ kết trái.
Những quả sim đã hết non xanh và chát ngắt để bắt đầu đánh mật, chuyển màu và dần từ căng mộng. Thơm lừng, mỗi khi đi qua những bụi sim lủng lỉu những quả là quả. Thứ hương thơm đầy quyến rũ ấy luôn kêu gọi bầy chim từ bốn phía bay dạt tới và thôi thì, ngọt đấy ngon đấy và quá nhiều đấy. Chim tha hồ và thỏa thuê mà thưởng thức nhé! Ban ngày là chim và nghe nói khi màn đêm buông xuống, từng bầy dơi sẽ kéo về thay thế.
Hồi nhỏ, tôi đã rất nhiều khi mường tượng đến những con dơi hôi rình và đen đủi, rúc sâu từng cái mỏ dài vào tận những bụi sim và tự nhiên, thấy ớn sợ sao đâu.
Không chịu thua, bọn trẻ con chúng tôi thủa ấy cũng giành giật dữ lắm với dơi với chim bằng những tốp năm bảy đứa, vài ba đứa rủ rê và lôi kéo nhau đi hái sim. Mùa sim chín trúng ngay tiết hè nên không phải đến trường và cả bọn cứ gò, trũng, triền núi mà quần đảo.
Quả sim căng mật ăn ngọt lịm từ đầu lưỡi tới vòm họng. Ham hố, ăn đến căng bụng nên bỏ bữa là chuyện rất thường. Ăn sim nhiều lưỡi miệng đứa nào đứa nấy tím rịm. Rồi tranh cãi om sòm về màu sim. Đứa bảo quả sim có màu tím than, đứa bảo tím đỏ, đứa bảo tím bầm, đứa bảo tím hồng. Rất may là sau đó, cả bọn đều đồng thuận với nhau là sim có màu tím. Mà quả sim màu tím hay màu tím hoa sim thì còn gì phải nói. Thật, đúng là trẻ con.
Tuổi thơ của tôi và chúng bạn đã đi qua biết bao lần tranh cãi như thế! Đi qua rất nhiều những niềm vui trong trẻo với mùa sim, mùa xay, mùa giu giẻ… Không được sống cận núi, suối, đồi để tự đôi chân leo trèo, tự hai tay bứt hái.
Chúng tôi vẫn có thể nhấm nháp những thứ hoa quả nói trên qua những phần quà mẹ mua cho, sau buổi chợ. Dẫu không có nhiều đến độ phủ phê để mà thưởng thức cho đã đời nhưng mùa nào thức ấy. Cái gì trên núi có là ở phố có. Núi xa mà gần và như thể ở ngay bên qua lon chà là, mớ sim, mấy quả dâu da chua loét.
Những món quà hấp dẫn, ngày một thưa thớt dần rồi vắng bặt, mất biến hẳn giữa phố phường ồn động. Cảm giác hụt hẫng là có thật ở lứa tuổi của chúng tôi. Chứ còn bọn trẻ con bây giờ, hẳn, sẽ rất ngạc nhiên khi nghe ai đó nhắc đến một chùm giu giẻ… Các cháu không nghĩ nổi có một thứ cây trái như vậy trên đời. Không nho sao? Nho Mỹ, nho Tàu hay là nho Ninh Thuận? Không ổi, cóc, xoài sao! Không chôm chôm thường, chôm chôm nhãn sao!
Vẫn đang trời nam vẫn gió tấp về hung bạo. Vẫn bước chân lần khân, chùng chình mãi trong buổi chợ sớm này. Nhớ mẹ và những món quà của núi suốt một chặng đời dài. Vòng vọng tiếng chúng bạn cười với khuôn miệng mở rộng với lưỡi và răng tím rịm màu sim. Nhận ra mình đã may mắn và hạnh phúc biết bao. Khi được đi qua rất nhiều những mùa sim tuyệt vời đến thế!
Gió lay cành trám
Biết bao món được chế biến từ trám, nhưng món nham trám Hoàng Vân vẫn nức tiếng xa gần, vừa đủ cầu kỳ lại hội đủ dư vị một miền đất đặng.