Mùa vải

Như tôi cảm nhận thì vải Bắc Giang trái lớn hơn vải Thanh Hà (Hải Dương – quê hương của giống vải thiều nổi tiếng), màu đỏ sẫm hơn.

Vài năm nay khoảng thời gian này lại rộ lên tin tức về thu hoạch, xuất khẩu vải thiều trồng ở Bắc Giang. Trên truyền hình, báo chí nhiều hình ảnh những trang trại vải chín đỏ rực, chùm quả sai trĩu cành, những chuyến xe tải chở hàng chục sọt vải tươi di khắp mọi miền, xe đông lạnh chở hàng tấn vải tươi lên biên giới...

Mùa vải

Có năm tôi đã về Bắc Giang vào mùa này. Đứng là trên trời dưới vải. Chợ lớn chợ nhỏ tràn ngập vải, xe đạp chở 1 sọt thì xe máy cũng 2, 3 sọt lớn, rồi xe tải nhỏ xe tải lớn... từ trong các nhà vườn, trang trại nối đuôi nhau chạy ra quốc lộ. Như tôi cảm nhận thì vải Bắc Giang trái lớn hơn vải Thanh Hà (Hải Dương – quê hương của giống vải thiều nổi tiếng), màu đỏ sẫm hơn. Cùi dày nước nhiều và vị ngọt không được thanh như vải Thanh Hà, thậm chí còn có vị “hậu” hơi chua.

Xin nhắc lại, đây chỉ là cảm nhận của tôi thôi nhé. Cảm nhận chắc chắn chủ quan, càng chủ quan hơn khi cảm giác “ngon” của trái vải Thanh Hà ngày xưa vẫn còn mãi trong ký ức.

Vào đầu mùa hè, “khi con tu hú gọi bầy” thì Hà Nội cũng xuất hiện những chùm vải trên các gánh hàng rong hay hàng hoa quả ở đầu các chợ. Nhưng muốn ăn vải thiều thì phải chờ độ một tuần mươi ngày nữa. Chùm trái vải lúc này đã bắt đầu chuyển sang màu hồng đỏ, phía dưới trái vải vẫn còn sắc xanh vàng. Trái không lớn lắm nhưng đều nhau, gai nở đều, luôn được buộc với chùm lá còn xanh mướt. Người bán hay bóc vỏ 1, 2 trái để trên làm mẫu: Trái vải cùi dày bao lấy hạt xinh xinh màu nâu, mọng nước nhưng khi bóc không bị tứa nước ra. Chỉ cần nhìn thấy là... chảy nước miếng, muốn mua ngay để có thể cắn ngập răng vào lớp cùi trắng mềm ngọt kia.

Mùa vải

Thật ra ngày ấy ít khi tôi được ăn vải. Mà không chỉ vải, những trái cây theo mùa như nhãn, na, hồng, mận hậu... tôi cũng ít được ăn. Nó là “đặc sản” vì chỉ trồng ở vài vùng, có tiếng là ngon cũng chỉ một, hai nơi. Đưa về Hà Nội không bao nhiêu vì đường xá chuyên chở khó khăn, rồi đồng lương công chức của ba má tôi tôi eo hẹp... nên hiếm khi được thưởng thức. Vì vậy, mỗi lần ăn là một lần nhớ, nhớ cảm giác vui mừng khi thấy má đi làm về trên giỏ xe có chùm trái cây, nhớ cảm giác hồi hộp chờ được má cho ăn, nhớ vị ngon quen mà lạ của vải thiều Thanh Hà của nhãn lồng Hưng Yên, nhớ cảm giác thòm thèm khi má cất chùm trái cây vào “gác – măng - giê” để dành ngày mai... Có lần quên gài tủ nên chuột vào ăn nham nhở cả chùm vải. Hôm sau má rưng rưng: biết vậy hôm qua để con ăn cho đã, hà tiện chi để chuột ăn hết... Lúc ấy tôi hết cả cảm giác thèm thuồng, chỉ thấy thương má quá...

Nhưng cái duyên của tôi với trái vải không chỉ là cảm giác nhớ và thèm, mà còn có cả cảm giác “ngán” nữa. Lạ chưa, không có mà ăn mà lại bày đặt “ngán” là sao? Để tôi kể tiếp cho nghe.

Có một dạo nhà tôi ở ngõ Mai Hương đường Bạch Mai, từ đấy qua Chợ Mơ đi xuống đường Trương Định có một nhà máy chế biến hoa quả. Mùa hè, khi trái cây chín rộ thì nhà máy tuyển thêm nhân công làm thời vụ. Học sinh khoảng 14, 15 tuổi hay đến làm thêm. Tôi và nhiều bạn trong khu tập thể cũng vậy. Chúng tôi cũng được phân theo ca kíp sáng, chiều và đêm, đi làm như công nhân thực sự, được ăn bồi dưỡng giữa ca và tất nhiên, cuối tháng lĩnh lương đàng hoàng. Lâu lắm rồi tôi chẳng nhớ là bao nhiêu, nhưng sau hai tháng hè thì với món tiền đó tôi có thể mua đủ sách vở cho năm học mới và đóng các khoản tiền linh tinh ở trường vào đầu năm học.

Mấy năm liền tôi đi làm vào mùa vải và dứa (khóm). Vào ca làm vải thì bóc vỏ tách hột. Bóc vải không được làm dập hay sây sát trái vải, sau đó dùng một dụng cụ chuyên lấy hột từ đầu trái vải, sao cho trái vải không bị rách và đầu trái không bị tưa ra, rồi nhẹ nhàng để vào thau nhôm. Khi thau gần đầy thì cô công nhân đến lấy mang qua nơi kiểm tra, trái nào không đạt thì bỏ ra... Cuối ca ai làm bị lỗi nhiều hoặc làm được ít sẽ bị nhắc nhở và tất nhiên, cuối tháng bị trừ lương. Sản phẩm cuối cùng là trái vải được đóng hộp với nước đường.

Những công nhân nghiệp dư ngồi đối diện nhau trên chiếc bàn dài, tay cầm dao, rồi lại cầm cái ống lấy hột, xung quanh là mùi vải ngây ngất. Một hai ngày đầu còn lén ăn những trái xanh hay làm bị hỏng, nhưng ngày thứ ba thứ tư thì không còn thấy thèm nữa vì khắp nơi là mùi vải, ngày tiếp theo thì bắt đầu ngán... ngán đến không ăn được cơm hay mì bồi dưỡng giữa ca.

Còn làm dứa thì sao? Dứa có máy gọt vỏ nên chúng tôi ngồi cắt mắt cho sạch, cũng không được làm dập hay cắt quá sâu, sau đó được mang qua máy đục cùi, máy cắt thành khoanh hoặc từng miếng... Sau đó cũng đóng hộp với nước đường. Làm dứa còn ngán hơn vì có ăn cũng chỉ vài miếng là rát lưỡi, nhưng cắt mắt dứa dù đeo bao tay bằng cao su thì cuối ca vẫn bị chảy máu ở kẽ móng tay vì bị chất chua (axit) trong trái dứa ngấm vào.

Chỉ có thế thôi mà năm nào vào mùa này tôi cũng nhớ về kỷ niệm nho nhỏ này. Bây giờ thì trái cây nào cũng được trồng ở nhiều nơi, vị ngon hay không thì tùy sở thích mỗi người. Tính chất “đặc sản” hiếm hoi cũng mất vì thông thương dễ dàng giữa các vùng miền. Tuy nhiên tôi thấy sản phẩm về vải và dứa hình như không khác trước, có thêm vải sấy khô nữa thôi. Mỗi năm vẫn thấy trái cây được mùa rớt giá, rồi dội chợ, thậm chí có lúc phải “giải cứu” nữa, vì thế tôi không biết nhà máy chế biến hoa quả - hay là chế biến nông sản nói chung – có được xây dựng nhiều hơn không, có được xây dựng ở những vùng chuyên canh vải, dứa hay những loại trái cây khác hay không?

Mùa vải

Nhiều năm tham gia xây dựng Quy hoạch kinh tế - xã hội cho các tỉnh, tôi thấy tỉnh nào cũng định hướng Công nghiệp hóa là xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút đầu tư nhưng phần lớn nhà máy là làm gia công cho nước ngoài. Hầu như không có nhà máy chế biến nông sản hay sản xuất sản phẩm từ nông sản, dù địa phương có thế mạnh về loại đó. Trái cây nông sản vẫn bán buôn thậm chí xuất khẩu “thô sơ” như bao nhiêu năm trước,! Nếu cứ vậy làm sao tránh được rủi ro như lúc này, hay chỉ cần bên mua ép giá hay ra một điều kiện mới nào đấy (như đã từng xảy ra) là trái cây sẽ ứ đọng ở cửa khẩu... Công sức tiền bạc cả năm có khi chỉ vài ngày trái cây nằm trên xe là mất hết.

Là một đất nước nông nghiệp, Công nghiệp hóa đầu tiên phải là CNH nền nông nghiệp để làm thay đổi một “hằng số” của xã hội Việt Nam là Nông nghiệp – nông dân – nông thôn (như thầy tôi, GS Trần Quốc Vượng đã nói). Sự thay đổi tận gốc này chính là một con đường để phát triển bền vững.

Hậu KC

Dự báo thời tiết ngày mai 10/6: Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to

Dự báo thời tiết ngày mai 10/6: Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to

Dự báo thời tiết ngày mai 10/6 theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An ngày có mưa rào và dông rải rác, chiều tối và đêm mưa rất to.