Diễn biến của giá cổ phiếu, giá trị tài sản trên sàn của ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân có biến động mạnh

Với diễn biến của giá cổ phiếu, giá trị tài sản trên sàn của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup và bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup cũng bị ảnh hưởng.

Với việc sở hữu (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC, giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng trong tuần qua giảm gần 33.000 tỷ đồng xuống còn 176.138 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản của bà Phạm Thu Hương - phu nhân ông Phạm Nhật Vượng - cũng sụt giảm 2.600 tỷ đồng xuống còn 13.884 tỷ đồng và rời khỏi top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Người đứng thứ 10 trong danh sách người giàu chứng khoán Việt Nam hiện nay là bà Vũ Thị Hiền - phu nhân ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Với việc cổ phiếu HPG tăng giá 11,73% trong tuần (tương ứng tăng 4.950 đồng/cổ phiếu), tài sản của bà Vũ Thị Hiền tăng thêm 1.624,2 tỷ đồng, đạt 15.521 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long cũng củng cố vị trí giàu thứ hai trên thị trường với khối tài sản 55.171 tỷ đồng, tăng 5.773,7 tỷ đồng so với thời điểm trước Tết. HPG cũng là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất đối với chỉ số chính, kéo VN-Index tăng 5,88 điểm. Ngoài ra, trong tuần vừa rồi, đà tăng của VN-Index còn được hỗ trợ bởi các cổ phiếu như GVR (đóng góp 2,84 điểm), MSN với đóng góp 2,1 điểm; SAB với đóng góp 1,81 điểm. Hai ông lớn ngành hàng không là VJC, HVN cũng lần lượt đóng góp 1,6 điểm và 1,2 điểm cho VN-Index.

Theo dữ liệu từ FiinPro, tuần qua, VIC bị tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 243 tỷ đồng, khối tự doanh bán ròng 87,8 tỷ đồng và khối ngoại cũng bán ròng 1.605 tỷ đồng đối với VIC.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mua ròng rất mạnh đối với cổ phiếu VIC với giá trị 1.936 tỷ đồng. Khối nhà đầu tư này mua ròng tổng cộng 3.327 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Dần. Khối ngoại bán ròng trở lại 1.084 tỷ đồng trên HoSE trong khi khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng bán ròng 123,3 tỷ đồng. Nhìn chung, thị trường trở lại giao dịch tương đối tích cực trong tuần đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 25.060 tỷ đồng/phiên, tăng 0,5% so với tuần trước Tết, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 23.010 tỷ đồng, giảm 0,75%.

Phiên giao dịch ngày 11/2, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup giảm thêm 2.300 đồng, tương ứng 2,7%, xuống còn 81.7000 đồng/cổ phiếu và tiếp tục bị nhà đầu tư bán mạnh. Mức giá đóng cửa của VIC gần sát với mức giá thấp nhất trong ngày của mã này (giá giao dịch thấp nhất phiên của VIC là 81.500 đồng/cổ phiếu).

Trong mức giảm 5,08 điểm của VN-Index phiên cuối tuần thì VIC đã góp vào 2,43 điểm. Ngoài ra, VRE tác động 0,66 điểm đến chỉ số và mức tác động của VHM là 0,45 điểm. Do sự "ghìm chân" của cổ phiếu "họ Vin" cùng với việc độ rộng sàn HoSE nghiêng về phía các mã giảm giá (có 171 mã giảm so với 148 mã tăng) nên VN-Index đã đánh mất mạch tăng kể từ sau Tết Nguyên đán, giảm 5,08 điểm tương ứng 0,34% còn 1.501,71 điểm. Riêng VN30-Index giảm 3,03 điểm tương ứng 0,2% còn 1.545,92 điểm.

Tính chung trong tuần qua, VN-Index vẫn giữ được trên mốc 1.500 điểm với mức tăng 22,75 điểm, tương ứng 1,54%, so với tuần giao dịch trước, trong khi HNX-Index ghi nhận mức tăng 2,44% so với tuần trước và dừng tại mức 426,89 điểm. Nếu VN-Index có 4 trên 5 phiên tăng thì VIC của Vingroup lại giảm nguyên một tuần, tổng mức giảm là 15.300 đồng, tương ứng 15,77%. Theo thống kê, lũy kế tuần vừa rồi, chỉ riêng VIC đã "ghìm" chân VN-Index kéo chỉ số tới 14,1 điểm.

Tổng Hợp