Điệu twist của tinh cầu

Nhưng chắc chắn, sau đại dịch lớn nhất thế kỷ 21 tính tới nay, sẽ có rất nhiều biến chuyển cực lớn. Tôi cảm giác rằng có vẻ như đây là một cú lắc của tự nhiên, một điệu twist của tinh cầu này để đánh thức loài người.

Toàn nhân loại, ai đang ở đâu cứ ở yên đó”. Tôi chỉ muốn hô vang lên câu ấy ở thời điểm này, thời điểm được coi là bắt đầu vào mùa Xuân ở châu Âu nhưng khốn thay, trong biến cố quá lớn mang tên Covid-19, mùa Xuân ấy trở nên xám xịt khôn lường.

Trong những ngày “ở đâu ngồi yên đó” nơi quê nhà, ngoài những việc (tự mình khai) là: ăn, WFH (làm việc tại nhà nhưng cứ phải gọi là “work from home” cho nó kêu và thời thượng), trêu chọc con (chứ chẳng dạy dỗ gì), tôi tự tạo thêm thú vui bằng cách xem phim trên Netflix. Gọi là tự mình khai bởi vì nó hơi khác với một thứ thời gian biểu mùa dịch đang được khai phổ biến trên mạng hiện nay là “sáng: ăn mắng; trưa: ăn mắng; chiều: ăn mắng và tối: lại ăn mắng” mà trong đó chủ thể bị mắng luôn là chúng ta và chủ thể mắng chắc chắn phải là người phụ nữ chủ nhà. Tự khai và cư dân mạng khai, cái nào đúng hơn cũng chưa biết chừng, nhất là ở thời Covid-19 này. Nhưng tôi cứ phải kể thế ra cho vui vì giữa cơn hoang mang tập thể hôm nay, kiếm tìm một chút gì vui vui qua ngày cũng nên lắm và đáng lắm.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Netflix kỳ diệu đã cứu rỗi cả mùa dịch khi đúng thời điểm WFH thì họ tung ra rất nhiều TV series lý thú. Tôi không bị chìm vào mấy thứ sến sẩm thị thành sặc màu ngôn tình tuổi trẻ trâu như “hạ cánh” gì đó (chắc có lẽ nghe cái cụm “hạ cánh an toàn” rát hết cả tai bao năm nay rồi) mà mày mò những series dựa trên những sự kiện lịch sử, những con người lịch sử. Một trong những thứ cuốn hút là “Crown” (Vương quyền), một serie 3 mùa của Anh quốc kể lại quãng đời của nữ hoàng Elizabeth II. Crown, như tôi đã từng nói, chính là Corona trong tiếng Anh. Nó là cái vương miện, nhưng nó biểu trưng cho vương quyền và rõ là trong mùa dịch bệnh đang nắm vương quyền về thông tin và mối quan tâm, sẽ chẳng có gì phù hợp hơn với riêng mình bằng việc ôm lấy serie “Vương quyền” kể trên.

Trong season đầu tiên của “Vương quyền”, tập phim kể lại câu chuyện về “Trận mù sương khổng lồ” (Great Smog) ở London hồi tháng 12/1952 bỗng dưng cuốn hút đến lạ. Rất dễ hiểu, nó khiến tôi liên tưởng đến những gì đang xảy ra trong đợt “Ở yên toàn cầu” này.

“Crown” (Vương quyền) - Một trong những series phim đình đám nhất của Netflix
Crown” (Vương quyền) - Một trong những series phim đình đám nhất của Netflix

68 năm trước, chỉ 4 ngày London mù mịt (từ ngày 05/12 cho tới ngày 09/12/1952) bởi sương mù và khói bụi thôi cũng đã đủ tạo nên cơn hoảng loạn cho đô thị sầm uất bậc nhất châu Âu ấy. Trong tập phim đó, mọi chỉ trích dồn vào phía thủ tướng Anh Winston Churchill với luận điểm ông ta đã “không làm gì”. Và trong cuộc họp nội các của mình, chính Winston Churchill đã phải nói rằng “đó là việc của trời”. Đúng là việc của trời bởi ông Churchill không thể như một đấng siêu phàm nào đó tuyên bố rằng mình thông linh được với Thượng đế và có thể thò tay bắt quyết thổi phù phù để tan đi làn sương khói mịt mù đó. Chỉ trích căng thẳng đến mức chỉ tới ngày thứ hai mù sương thôi, đã bắt đầu có ý kiến yêu cầu Churchill từ chức. Tất nhiên, cái mịt mù thời tiết chỉ là cớ khi chính trường Anh quốc lúc đó đã ngán, và sợ, Churchill lắm rồi. Song, khi cô thư ký đánh máy cho Churchill chết vì tại nạn giao thông (cũng do sương mù mà xe bus đã đâm phải cô), ông đã bỏ cuộc họp nội các định sẵn để đến bệnh viện thăm cô gái ấy lần cuối. Churchill đã khóc, khóc thật. Giọt nước mắt của ông cho nữ thư ký có thể bởi vì cô ấy như “một đứa trẻ” (lời thoại phim) và khiến ông liên tưởng đến cô con gái của mình đã mất sớm vì nhiễm trùng vòm họng.

Nhưng sau giọt nước mắt thật thà kia, Churchill nhận ra ngay có quá nhiều bệnh nhân hô hấp vì sương mù và khói bụi đang ở bệnh viện. Và lập tức, ông nói trợ lý tổ chức ngay một cuộc họp báo tại chỗ, với cam kết rõ ràng “sẽ làm tất cả và cho điều tra một cách minh bạch về tình trạng ô nhiễm khí thải”. Đó là một đòn cao tay của một chính trị gia lão làng. Nó kết liễu mọi kêu gào Churchill phải từ chức và ở ngày 09/12/1952, khi Churchill vào diện kiến nữ hoàng Elizabeth II theo lịch trình hàng tuần, nắng đã hửng lên xua tan những mịt mù. Sự xua tan mịt mù ấy là kết quả của thượng đế, không phải của Churchill. Còn đạo luật Không khí sạch của Vương quốc Anh mãi đến năm 1956 mới ra đời. Trước đó 1 năm, Churchill xin từ chức để nghỉ hưu.

Sự hoảng loạn của “Trận mù sương khổng lồ” bắt tôi phải nhìn vào thực tế của nước Anh hiện nay. Một thủ tướng mới nhậm chức, Boris Johnson, cũng là người đang phải đứng trước thử thách cam go nhất, thử thách lớn lao không thua gì những gì Churchill từng trải qua. Và Boris Johnson cũng mong muốn mình có thể trở thành một Churchill thế kỷ 21 của Vương quốc Anh. Nhưng đó là một giấc mơ xa vời khi các thoả thuận ly dị EU vẫn còn chưa đâu vào đâu thì dịch bệnh đã tấn công nước Anh của Boris Johnson những đòn nặng nề.

Dịch bệnh đã tấn công nước Anh của Boris Johnson những đòn nặng nề.
Dịch bệnh đã tấn công nước Anh của Boris Johnson những đòn nặng nề.

Khi Covid-19 còn là nỗi lo châu Á nói chung và Vũ Hán nói riêng, châu Âu vẫn bình thản đối với nguy cơ của nó, dù đã có những cảnh báo. Thậm chí, có thể nói còn có cả những phớt lờ từ giới chức cao cấp. Châu Âu như thế, nước Anh còn bình thản hơn. Và khi nước Ý bắt đầu trở thành tâm dịch, sự hoảng loạn bắt đầu nhen nhóm trong cộng đồng EU. Lý thuyết “Herd Immunity” (miễn dịch bầy đàn) bắt đầu được đưa ra để biện hộ, kể cả khi Quốc vụ khanh Y tế của Anh , bà Nadine Dorries, nhiễm bệnh. Nhưng rồi tất cả thay đổi chóng vánh chỉ sau đó chưa tới hai tuần. Ngày 11/03, bà Nadine Dorries nhiễm bệnh sau những tuyên bố còn tương đối lạc quan.

Ngày 21/03, ông Boris Johnson tuyên bố “hãy ở nhà vì chính sự an nguy của các bạn”. Ở thời điểm Boris Johnson tuyên bố điều này, thống kê cho thấy có khoảng 1 triệu rưỡi người Anh trong nhóm nguy cơ cao và điều mà ông thủ tướng tóc vàng hoe này mong mỏi là họ hãy tự cách ly tại nhà ít nhất trong vòng 3 tháng. Nỗi lo sợ bao trùm bởi khi đã đưa vào danh sách trực chiến cả 20 ngàn cán bộ y tế tư nhân trên toàn quốc, nước Anh vẫn có thể rơi vào thảm hoạ vỡ trận nếu ca nhiễm tăng cao và vượt quá khả năng của hệ thống y tế công.

Khi ông Johnson nhận thấy rằng nếu huy động cả lực lượng bệnh viện tư thì nước Anh cũng chỉ thêm được 8000 giường bệnh (2000 ở London), 1200 máy thở, 10 ngàn y tá, 700 bác sỹ và 8 ngàn nhân viên y tế khác, ông đã hiểu ra rằng lực lượng trong tay mình mỏng như thế nào. Và cũng vào thời điểm ông nhận ra điều đó, cựu chủ tịch CLB Real Madrid (Lorenzo Sanz) chết vì Covid-19, hàng loạt nhân vật của công chúng đã mắc bệnh ở cả châu Âu lẫn châu Mỹ, từ tài tử Tom Hanks hay các ngôi sao bóng đá như Matuidi, Dybala… cho tới các chính trị gia ở Brazil. Điều đó cho thấy virus không phân biệt địa vị, tài sản, học thức hay chủng tộc. Trước virus, con người chỉ là một loại sinh vật mà nó có thể tấn công và sẵn sàng biến đổi để các cuộc tấn công trở nên hiệu quả nhất. Có lẽ, ông Johnson lúc này đã hiểu vì sao Donald Trump lại đóng cửa biên giới đối với châu Âu trước đó vài ngày và lý do gì mà các quốc gia EU như Ý, Tây Ban Nha, Pháp cũng bắt đầu phải theo phương án phong tỏa.

Nói đến các cường quốc châu Âu khác, có lẽ không thể không kể đến cái đơn kiện Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn của 3 bác sỹ. Họ kiện bởi lẽ các cảnh báo đã bị phớt lờ kể từ khi dịch bệnh bùng lên ở Vũ Hán và chính sự phớt lờ đó đã đẩy nước Pháp vào tình cảnh bi đát như hiện thời. Nhưng có vẻ như ông Agné Buzyn bị kiện oan. Ông đã từ chức từ hồi tháng 2/2020. Và ông cũng tiết lộ với truyền thông rằng rằng tất cả những gì nước Pháp phải gánh chịu lúc này chính là hậu quả của sự che đậy và dối trá. Ông Buzyn cho biết ngay từ hồi 01/2020, các chuyên gia Bộ Y tế đã báo cáo lên Édouard Philippe về sự nguy hiểm kinh hoàng của virus Corona chủng mới và cảnh báo không được xem thường. Và những gì mà Buzyn nói về chính trường Pháp thực tế chỉ là một hình ảnh đại diện của chính trường châu Âu lục địa hiện nay mà thôi.

Tất cả những mối quan tâm quan trọng nhất chỉ là những cuộc đua vào chỗ để “đặt đít” của các chính đảng và các cá nhân của chính đảng ấy. Quyền lợi của nhân dân ư? Thôi cứ để “bọn nước ngoài đang thèm muốn” ca ngợi. Và khi nước Ý thất thủ vì Covid-19, thành trì đầu tiên của châu Âu sụp đổ. Châu Âu thất thủ sau đó chẳng bao lâu với hệ quả kéo theo sẽ là kinh tế, tài chính và cả những vấn đề xã hội hệ lụy.

Hoàn cảnh ấy của châu Âu đã kéo theo một cuộc cãi nhau ùm bà xòe ở "xứ xở thần tiên" nước mình mà nhiều khi tôi cũng "ngứa miệng" tham gia. Đó là cuộc cãi nhau giữa những kẻ tôn thờ thuyết Âu tâm, thậm chí coi một nước châu Âu nào đó còn thiêng liêng hơn quê mệ, với những người chỉ so sánh giữa Âu và Á ở đại dịch này dựa trên kết quả hành động. Rõ ràng, nếu nhìn vào cách phong tỏa sớm, cách ly quyết liệt, chống dịch như ra trận của các nước Á đông, nhiều người sẽ phải thừa nhận nó hiệu quả hơn hẳn. Hay ít ra một nước ít “bàn tay sắt” hơn như Hàn Quốc chẳng hạn. Tuy không chơi đòn rốt ráo nhưng họ lại kiểm soát chặt chẽ đến chi tiết các dữ kiện cá nhân công dân trong mùa dịch, một hành động dễ bị quy chụp đến vấn đề nhân quyền. Nhưng thực sự, ở châu Á, quyền sống của con người quan trọng hơn các quyền cơ bản khác. Tất cả dường như đều chung một suy nghĩ rằng nếu dịch bùng phát lớn, hệ thống y tế sẽ sụp đổ và lúc đó sẽ là một hảm họa diệt vong. Thế thì phải chặn không cho nó bùng phát ngay từ sớm chứ không thể ngồi chờ đợi quan sát, tính toán khoa học dựa trên nhiều yếu tố cho dù các tính toán ấy là chuẩn xác tuyệt đối đi chăng nữa.

Và từ cuộc cãi nhau ùm bà xoè kể trên, đại dịch Covid-19 cũng lật mặt loài người. Rất nhiều giá trị của văn minh và đạo đức đã bị đạp đổ. Hành vi gom hàng tưởng như mông muội và chỉ diễn ra ở các xứ sở “thấp hèn” đã lộ ra ở cả châu Âu, Úc, Mỹ… Và nó cũng bộc lộ cá tính chung của các dân tộc đến mức trần trụi. Tôi không thể thoát nổi cái tin của Y tế Thailand hôm 19/03 kể lại câu chuyện một phụ nữ người Tàu đã bắt xe bus từ Bangkok đi Saraburi và khạc nhổ tứ tung để phát tán mầm bệnh. Người phụ nữ này đã tiếp tục có hành vi ấy khi lên tàu ngược về Bangkok và lập tức bị bắt giữ. Hành vi kinh hoàng ấy vượt xa sức tưởng tượng của một con người bình thường song nếu chỉ nghĩ đến chuyện những người phương Tây từng chế giễu, chửi bới, thậm chí đe dọa những người gốc Á đeo khẩu trang để rồi sau đó chính họ đi săn lùng khẩu trang, bản thân tôi phải thấy sợ hãi chính giống loài của mình. Dường như, ở vào thời khắc thảm họa cận kề, mọi giá trị cao đẹp đều dễ dàng bị đạp đổ. Hành vi của con người bắt đầu trở nên đớn hèn hơn, thô bỉ hơn và súc vật hơn.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Rồi Covid-19 sẽ đi qua. Rồi một tháng năm nào đó chúng ta sẽ lại được chứng kiến một chủng virus mới kinh hoàng hơn. Vậy thì tại sao chúng ta không học từ chính lần đại hoạ này để ứng xử thích hợp hơn ở những gì có thể xảy ra trong tương lai? Đó là câu hỏi chả ai chịu trách nhiệm trả lời cả.

Nhưng chắc chắn, sau đại dịch lớn nhất thế kỷ 21 tính tới nay, sẽ có rất nhiều biến chuyển cực lớn. Mới chỉ phong toả nhiều địa phương trong thời gian dịch thôi, chỉ số ô nhiễm đã sụt giảm rất đáng kể. Vịt trời đã trở lại các quảng trường thành phố lớn ở châu Âu, cá heo thậm chí bơi sâu vào cả các con kênh của Venice. Đơn giản, loài người không có cơ hội làm phiền chúng lúc này nên tự nhiên trở lại với chính nó. Tôi cảm giác rằng có vẻ như đây là một cú lắc của tự nhiên, một điệu twist của tinh cầu này để đánh thức loài người. Cú lắc ấy, điệu twist ấy sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa khi đại dịch đi qua, nhiều nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia sẽ phải nhìn nhận lại hệ thống của mình, nghi ngờ sự ưu việt của mình mà mình vẫn tự tin bấy lâu và đánh giá lại sự thấp kém của những thể chế khác mà cũng chính họ bao nhiêu năm chỉ trích và chống lại nó.

Sực nhớ, chỉ 12 năm trước thôi, chính tờ The Times đã phải giật ra trang nhất hình ảnh của Marx kèm theo cái tít “Ông ấy đã trở lại”. Đó là năm đánh dấu kỷ lục khi ấn bản bán ra của cuốn “Tư bản luận” tăng vọt 300% ngay sau khi chính phủ Đức thừa nhận rằng “ý tưởng của Marx không hẳn đã lỗi thời” (not so bad). Trong khi đó, ở Nhật, phiên bản manga của “Tư bản luận” được chia sẻ mạnh mẽ trên internet. Thậm chí, ở Pháp, cựu tổng thống Sarkozy còn bị chụp ảnh trong tay cầm cuốn sách đó phiên bản Pháp ngữ.

Nguyên do có thể do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã buộc người ta phải đọc lại trước tác của Marx. Thực sự, Marx có những cái đúng về lý thuyết, đặc biệt là ông hiểu rằng hệ thống tư bản là bất ổn định, dễ vỡ và vô cùng phức tạp. Và bây giờ, khi Covid-19 qua đi, toàn cầu cần khôi phục lại vết thương kinh tế, người ta có lấy bài học của sự can thiệp sớm để chặn đứng một mối nguy áp dụng vào quản trị một quốc gia hay không, nhất là khi tiếng nói cho rằng chủ nghĩa tân tự do, toàn cầu hoá đã làm chủ nghĩa tư bản thoái trào. Nhưng quan trọng là cái gì sẽ cải thiện nó và liệu sự cải tổ ấy có tạo ra một cú lắc khác, một điệu twist khác khiến con người điêu đứng?

Thôi thì không thể lạm bàn thêm nữa, khi bộ óc và kiến thức của mình cũng chỉ tới đó. Tôi quay lại với những niềm vui nho nhỏ để qua ngày trong cơn đại dịch “chôn chân cả làng” này. Đó là ở Pháp vẫn có tiếng vỗ tay đêm ngợi ca những người làm y tế, ở Ý vẫn có những tiếng hát, tiếng đàn từ các balcony để xua đi nỗi tẻ nhạt phong tỏa và cách ly. Và quê hương tôi, vẫn có đường truyền internet tốt để xem phim, nhân dân vẫn làm thơ và có thêm cả hoa nữa, nhất là hoa Ban.

Anh Bèn

TP.HCM có thêm 3 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh

TP.HCM có thêm 3 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh

Thêm 3 bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi bệnh trong ngày 1/4, đây là những trường hợp nhiễm COVID-19 có liên quan đến bệnh nhân thứ 34.