Giá đất huyện Củ Chi và Hóc Môn của TPHCM đang rất nhộn nhịp

Những ngày này, tại huyện Củ Chi và Hóc Môn của TPHCM đang rất nhộn nhịp với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Từ đất thổ cư, đất thổ cư xen lẫn đất nông nghiệp cho đến đất trồng cây lâu năm, đất lúa… đều được chào bán.

Diễn biến giao dịch đất đai những ngày vừa qua ở Củ Chi, Hóc Môn cũng tương tự như cơn sốt đất cách đây 5 năm khi thông tin các siêu dự án đô thị, đường ven sông được đề xuất đầu tư tại đây. Thời điểm đó, giá đất cũng được thổi “dựng đứng” sau thông tin Tập đoàn Tuần Châu đầu tư các dự án quy mô hàng tỷ USD tại Củ Chi. Sau đó, những dự án này không được chấp thuận và giá nhà đất tại đây lại trở về như cũ sau khi “cò” đất rút đi.

Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là đầu nậu, “cò” đất hay doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn loạn lên. “Người mua cần cân nhắc, bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Nếu chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hoặc đầu nậu hưởng lợi. Chúng tôi đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn làm liều, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Những người có ý định mua đất lúc này ở Củ Chi, Hóc Môn phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang”, ông Châu nói.

Thông tin Củ Chi lên thành phố, huyện Hóc Môn lên quận cùng với việc TPHCM đã mời gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi khiến giá bất động sản nơi đây tăng mạnh nhưng nguy cơ nhiều rủi ro. Bán một cách rầm rộ trước thông tin 2 địa phương này lên quận, thành phố và vừa mới tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM cho rằng, địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng. Về trục phát triển, khu vực này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu.

Tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh. Bên cạnh đó, có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn thuận lợi để phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng… “Từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km” – ông Nhã nhấn mạnh.

Trưa cùng ngày, tại lễ đón nhận huân chương lao động hạng Ba do đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cam kết chính quyền địa phương sẽ nỗ lực phấn đấu để sớm chuyển đổi, đưa huyện Củ Chi trở thành một thành phố trực thuộc TPHCM.

Tại quán nước trên Tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông, chủ quán cho biết, mấy tuần gần đây, người đến Củ Chi mua đất nhiều quá. Bây giờ từ đất vườn, đến đất ruộng, đất trồng cây hằng năm hay lâu năm đều tính giá từng mét vuông chứ không tính mét ngang như trước nữa. “Nhưng họ rao vậy thôi chớ không ai bán đâu, đừng đi tìm mất công. Họ gỡ bảng rao bán đất hết rồi, để chờ mặt bằng giá mới”, chủ quán nước nói. Không chỉ ở Củ Chi mà tình trạng sốt đất cũng xảy ra ở Hóc Môn. Dạo quanh nhiều xã ở huyện Hóc Môn, gặp nhiều môi giới để đặt vấn đề mua mảnh đất từ 50-80 m2 với giá tiền khoảng 2,5 tỷ đồng nhưng chúng tôi đều nhận được câu trả lời rằng, không thể mua được mảnh đất nào ở Hóc Môn vào thời điểm này với giá đó. Lý do, những khu đất có tuyến đường nhựa mới mở hiện đều đã tăng gấp đôi so với năm trước.

Tổng Hợp