Giá dầu thô giảm do lo ngại suy thoái kinh tế

Giá xăng dầu hôm nay ghi nhận dầu thô Brent giao dịch ở mức 83,62 USD/thùng vào rạng sáng 22/2, giảm 0,5% so với phiên trước.

Dầu Brent giảm vào phiên giao dịch vừa qua, đảo ngược mức tăng của ngày hôm trước, do lo ngại rằng suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu nhiên liệu giảm, trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất mạnh đã khiến các nhà đầu tư chốt lời.

Các nhà giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến diễn ra vào ngày 23/2, vì dữ liệu về lạm phát cơ bản đã làm tăng nguy cơ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Dầu thô Brent giảm 1,25%, dao động ở mức 83,11 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI cho tháng 3, hết hạn vào ngày 21/2, không đổi ở mức 76,34 USD/thùng.

Dầu Brent đang ở giữa phạm vi giao dịch kể từ cuối tháng 12 là từ 78 đến 88 USD/thùng, với một số nhà đầu tư chốt lãi do lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ trong khi những người khác giữ tâm lý lạc quan với dự kiến phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc.

Ông nói: "Thị trường có thể sẽ duy trì trong phạm vi hẹp cho đến khi có nhiều dấu hiệu rõ ràng hơn về định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ trong tương lai và con đường phục hồi kinh tế ở Trung Quốc".

Với việc nhập khẩu dầu của Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 và nhu cầu từ Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào chính sách tiền tệ của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn nhất.

Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể tăng trong những tuần tới do nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu phục hồi, bất chấp việc Mỹ tăng lãi suất.

Theo Edward Moya, một nhà phân tích tại OANDA cho biết: "Nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu thô của Nga đã trở lại mức như khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina".

Moya cho biết: "Phương Tây sẽ cố gắng gây áp lực buộc Trung Quốc và Ấn Độ tìm kiếm các nguồn thay thế, điều này sẽ khiến thị trường dầu mỏ trở nên khan hiếm".

Nga có kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng, vào tháng 3 sau khi phương Tây áp đặt trần giá đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga.

Trong khi đó, giá dầu chuẩn của Anh đã giảm khoảng 4% vào tuần trước sau khi chính phủ Mỹ công bố kế hoạch giải phóng 26 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, trong khi dữ liệu mới nhất chỉ ra lượng dự trữ dầu thô của Mỹ lớn hơn nhiều so với dự kiến.

Ở thị trường trong nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong kỳ điều hành giá hôm nay 21/2, giá xăng trong nước giảm: Xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 700 đồng/lít.

Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng: Xăng E5 RON 92 là 22.540 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.440 đồng/lít.

Giá dầu tiếp tục điều chỉnh giảm. Cụ thể, dầu diesel giảm 700 đồng/lít còn 20.860 đồng/lít. Như vậy, giá dầu diesel đã về mức thấp hơn giá mặt hàng xăng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 6 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 1 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh trước đó, giá xăng ở mức 22.860 đồng/lít với E5 RON92 và 23.760 đồng/lít với RON95. Dầu diesel giá 21.560 đồng/lít, dầu hỏa giá 21.594 đồng/lít và dầu mazut bán ra là 13.636 đồng/kg. 

Tại kỳ điều hành giá ngày 13/2, cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời ngừng trích lập quỹ với xăng và trích lập 600 đồng/lít với dầu diesel, 200 đồng/lít với dầu hỏa.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 15/2, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với kỳ trước. Cụ thể, giá xăng RON92 là 97,2 USD/thùng; xăng RON95 là 100,2 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu diesel là 106,12 USD/thùng, dầu hỏa là 108,9 USD/thùng và dầu mazut là 409,1 USD/tấn.

TRUNG HIẾU