Giá trị tài sản ròng là gì?
Giá trị tài sản ròng là giá trị tài sản mà một người hoặc công ty sở hữu, sau khi trừ đi các khoản nợ phải trả. Giá trị tài sản ròng là chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe và tình hình tài chính của một công ty.
Giá trị tài sản ròng là một khái niệm định lượng đo lường giá trị tài sản của một cá nhân, tập đoàn, lĩnh vực hoặc một quốc gia.
Giá trị tài sản ròng cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính hiện tại của một công ty.
Trong kinh doanh, giá trị tài sản ròng còn được gọi là giá trị sổ sách (book value) hoặc vốn chủ sở hữu của cổ đông.
Những người có giá trị tài sản ròng lớn được gọi là cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Các loại tài sản ròng trong doanh nghiệp
Phân loại tài sản ròng doanh nghiệp sẽ giúp việc tính toán chính xác và quản lý hiệu quả hơn. Dưới đây là các loại tài sản ròng trong doanh nghiệp bạn cần nắm rõ:
Tài sản ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn là loại tài sản có thời gian sử dụng thấp, thường dưới 12 tháng hoặc trong 1 chu kỳ kinh doanh. Giá trị tài sản ngắn hạn thường khá thấp, thường xuyên thay đổi hình thái trong quá trình sử dụng.
Tài sản ngắn hạn bao gồm các loại cụ thể như: Tiền và tài sản tương đương tiền, khoản đầu tư ngắn hạn, hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn đang bị các đơn vị và tổ chức khác chiếm dụng, các khoản ký quỹ…
Tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn là có thời gian sử dụng dài trên 12 tháng, được dùng trong nhiều chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp. Giá trị tài sản dài hạn thường khá lớn, ít thay đổi hình thái trong quá trình sử dụng, vận hành. Tài sản dài hạn cụ thể có thể được xác định dưới các hình thái:
Tài sản cố định: Loại tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng lâu dài hơn 12 tháng. Tài sản cố định tham gia vào nhiều chu trình kinh doanh và bị hao mòn dần trong quá trình sử dụng. Luật kinh tế có quy định rõ ràng về điều kiện đánh giá tài sản cố định.
Hiện nay, có 2 loại tài sản cố định chính: Tài sản cố định hữu hình (nhà cửa, thiết bị, máy móc, nhà xưởng...) và tài sản cố định vô hình (bản quyền, quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác).
Đầu tư tài chính dài hạn: Khoản đầu tư bên ngoài với mục đích kiếm lời trong dài hạn (đầu tư liên kết, liên doanh, cho vay dài hạn).
Bất động sản đầu tư: Khoản đầu tư nhà đất với mục đích kiếm lời của doanh nghiệp.
Các khoản phải thu dài hạn: Tài sản đang bị đơn vị khác chiếm dụng, nắm giữ với thời gian trên 1 năm.
Tài sản dài hạn khác có thể kể đến các khoản ký cược dài hạn, chi phí trả trước dài hạn.
Cách tính giá trị tài sản ròng
'Giá trị tài sản ròng = Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả'
Trong đó:
+ Tổng tài sản:
Tài sản lưu động: bao gồm tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi, tiền mặt hoặc các khoản tiền có giá trị tương đương khác.
Bất động sản: nhà ở, các bất động sản bạn dành để đầu tư, mặt bằng,…
Tài sản cá nhân: bao gồm các loại đồ đạc, đồ trang sức, ô tô, xe máy,… Đây là những tài sản không có giá trị quá cao khi bán nên có một số người sẽ không tính nó trong tổng tài sản của mình.
Tài sản hoặc cổ phần kinh doanh.
Các khoản vay cá nhân: gồm tất cả những khoản vay mà bạn đã cho bạn bè hay đối tác kinh doanh vay mượn có khả năng thu hồi trở lại.
Các khoản đầu tư hưu trí: gồm bảo hiểm xã hội và các khoản đầu tư hưu trí không bắt buộc.
Tài sản khác: như số tiền được hoàn lại từ bảo hiểm nhân thọ, lãi suất từ việc cho vay, các khoản tiền bồi thường,…
Xác định tổng tài sản và tổng nợ sẽ tính được giá trị tài sản ròng
+ Tổng nợ phải trả:
Vay trả góp: gồm các khoản vay thường dùng để mua nhà, mua xe hoặc vay để mua các sản phẩm đồ điện tử, đồ gia dụng.
Vay thế chấp: là các khoản vay mua xe, mua nhà, thế chấp đầu tư,…
Vay kinh doanh: nếu vay với tư cách cá nhân thì số nợ này vẫn sẽ được tính vào giá trị tài sản ròng của bạn.
Vay cá nhân: các khoản vay mượn từ người thân, bạn bè hoặc đối tác kinh doanh.
Nợ thẻ tín dụng: cần thường xuyên tìm hiểu về các khoản nợ này do dư nợ sẽ thay đổi liên tục.
Ý nghĩa của tài sản ròng
Giá trị tài sản ròng là thước đo khả năng tài chính của một chủ thể, doanh nghiệp hay một đất nước. Xác định tài sản ròng giúp chủ thể nắm được tình hình kinh tế, tài chính từ đó có chiến lược và kế hoạch phù hợp.
Xác định giá trị tài sản ròng âm, cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động không hiệu quả. Việc quản lý công nợ chưa tốt, dẫn đến lỗ lũy kế vượt quá số vốn chủ sở hữu hiện có. Lúc này, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong cơ cấu quản lý để cải thiện tình hình tài chính và kinh doanh.
Đối với các đối tượng (nhà đầu tư, ngân hàng, đối tác…) dựa trên giá trị tài sản ròng để đánh giá tiềm lực của một doanh nghiệp, mã chứng khoán. Giá trị tài sản ròng tốt, dương liên tục cho thấy hoạt động kinh doanh tốt, đáng đầu tư.
Dựa vào báo cáo tài chính, các chỉ số doanh nghiệp và tài sản ròng hiện có, để doanh nghiệp có kế hoạch với nghĩa vụ nợ phù hợp.
Thuật ngữ tài sản ròng không chỉ quan trọng với các doanh nghiệp mà còn cần thiết với người chơi tham gia thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cần hiểu về đặc điểm và bản chất của tài sản ròng là gì? Từ đó tính toán được giá trị tài sản ròng và định giá doanh nghiệp một cách chính xác nhất.
(Tổng hợp)