Phụ huynh Hà Nội nói: Chừng nào còn hiện tượng này thì nhiều cha mẹ có con học cấp 1 vẫn phải "lách luật" đi học thêm

Tôi cho rằng, đang có 1 mâu thuẫn rất lớn giữa chủ trương và thực tế.

*Bài viết thể hiện quan điểm của chị T.Ph.Nga - một phụ huynh có con đang học tiểu học tại Hà Nội: 

Mới đây, tôi có đọc được tình trạng học thêm “trá hình” sau lệnh cấm dạy thêm ở tiểu học được phản ánh trên báo chí. Những câu chuyện trong đó khiến tôi giật mình vì giống hoàn toàn với những gì gia đình tôi và nhiều người quen đang trải qua.

Chẳng hạn một phụ huynh ở Hà Nội kể, chị cho con học thêm cả ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh tại trung tâm. Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, các lớp này không hề dừng lại, mà chỉ... đổi tên. “Lớp ôn Toán” trở thành “kỹ năng tính toán”, học tiếng Việt thì gọi là “rèn tư duy ngôn ngữ”.

Một phụ huynh khác thì ngỡ ngàng vì lớp học thêm của con chị chuyển sang học online vài buổi rồi lại quay sáng học bình thường, chỉ đổi thành "giờ học kỹ năng". Hay chính phía chủ trung tâm cũng cho hay, việc đổi tên nhằm hợp thức hoá giấy tờ, còn học sinh vẫn ôn luyện như cũ. Vì sao? Vì như cầu học lớn, phụ huynh muốn, học sinh cần. 

Đọc những trường hợp báo chí phản ánh, tôi thấy đúng thật. Bởi chính tôi cũng đang rủ rêm gom nhóm học sinh để thuê giáo viên dạy online, mời sinh viên giỏi kèm riêng tiếng Anh con. Vì nếu không làm vậy, con tôi – học lớp 5 – sẽ khó có khả năng vượt qua kỳ thi vào trường chất lượng cao sắp tới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nỗi lo mất cơ hội vì không học thêm

Tôi hiểu Thông tư 29 là một chủ trương nhân văn, muốn học sinh tiểu học được học nhẹ nhàng, có thời gian vui chơi, phát triển toàn diện. Nhưng trên thực tế, nếu con tôi chỉ học chương trình chính khóa, thì kiến thức đó không đủ để làm các dạng đề thi vào trường top như Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh...

Tôi không muốn chạy đua, không muốn ép con, nhưng hệ thống thi cử hiện tại khiến tôi không còn lựa chọn. Vì vậy, tôi phải tìm cách cho con học thêm, dù biết là “lách luật”.

Ngành giáo dục đang “đuối lý”?

Ngành giáo dục cấm học thêm, nhưng lại để các trường top giữ nguyên hình thức tuyển sinh bằng đề thi khó. Điều này dẫn đến mâu thuẫn rất lớn giữa chủ trương và thực tế.

Trong khi các thầy cô ở trường công phải ngừng dạy thêm để tuân thủ quy định, thì các trung tâm lại hoạt động sôi nổi, dưới những cái tên được “sáng tạo” để tránh bị kiểm tra. Thậm chí, việc thuê gia sư, học nhóm online còn khó bị phát hiện hơn.

Nếu quy định không đi kèm kiểm soát triệt để và thay đổi ở đầu vào của các trường, thì học thêm vẫn tồn tại như một nhu cầu tự nhiên.

Tôi có lỗi không?

Nhiều người sẽ trách phụ huynh như tôi “chạy đua”, “gây áp lực cho con”, nhưng thật sự tôi không thể ngồi yên nhìn con mình bị tụt lại khi những đứa trẻ khác đều được luyện đề bài bản. Việc tôi làm không phải để hơn ai, mà là để bảo vệ cơ hội học tập cho con mình.

Tôi cũng thử cho con học sách giáo khoa, tự học, làm đề cơ bản – nhưng những gì con làm được hoàn toàn không tương thích với đề thi thực tế của các trường điểm. Khi một cuộc thi vẫn diễn ra, thì các gia đình như tôi khó lòng dừng lại giữa chừng.

Hệ lụy lâu dài: Học sớm – mệt sớm – chán học

Tôi cũng hiểu những cảnh báo của các chuyên gia giáo dục. Áp lực học tập quá sớm khiến con trẻ mệt mỏi, mất hứng thú học, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Chi phí học thêm tăng theo từng tháng, làm gia đình phải chi tiêu chắt bóp, trong khi trường học chính khóa không được cải thiện đáng kể.

Thầy cô có tâm thì vẫn dạy tốt, nhưng thiếu động lực đổi mới vì học sinh giỏi cũng đều đi học thêm cả rồi. Một vòng luẩn quẩn đang hình thành – và không ai biết khi nào mới có lối ra.

Tôi không phản đối lệnh cấm học thêm. Tôi chỉ mong ngành giáo dục có một giải pháp đồng bộ: Nếu cấm học thêm, hãy thay đổi hình thức thi đầu vào, đánh giá năng lực thực sự thay vì đề ôn luyện.

Hãy đầu tư hơn cho lớp học chính khóa, giúp học sinh học tốt ngay trên lớp. Hãy xây dựng nền tảng học tập online miễn phí hoặc giá rẻ, để những đứa trẻ không có điều kiện vẫn được tiếp cận kiến thức nâng cao.

Và cuối cùng, hãy lắng nghe chúng tôi – những phụ huynh không muốn làm trái quy định, nhưng cũng không thể chấp nhận để con mình thua thiệt vì tuân thủ.

Chừng nào còn thi, chừng đó còn học thêm. Nếu không thay đổi từ gốc, những đứa trẻ tiểu học vẫn sẽ phải sống trong áp lực sớm hơn tuổi, còn chúng tôi – cha mẹ chúng – vẫn sẽ tiếp tục là người “vừa vi phạm, vừa bất an”.

Thanh Hương

Đọc nhiều nhất