"Có tiền học trường tư thì tuổi thơ con tung tăng, nô đùa: Còn nhà tôi nghèo nên cố học thêm để đỗ trường công!"

Ai chẳng muốn con có tuổi thơ, nhưng không học thêm, không có tiền học trường tư, sợ là con tôi sẽ rơi vào danh sách "gần 40% trượt công lập".

Bài viết thể hiện quan điểm của một phụ huynh có con đang học cấp 2 tại Hà Nội:

Những ngày qua, chuyện Thông tư 29 với những quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm khiến cộng đồng giáo viên, phụ huynh tranh cãi dữ dội trên nhiều diễn đàn. Bản thân là một người mẹ có con đang học cấp 2 ở Hà Nội, tôi thấy ý kiến nào cũng đúng, cũng có lý.

Không bàn ai đúng ai sai, ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của bản thân, từ chính hoàn cảnh gia đình mình. 

Nhiều người chất vấn: Tại sao cha mẹ phải cho con đi học thêm? Có phải vì sợ giáo viên trù dập, vì ganh đua với nhà hàng xóm, hay vì muốn bản thân nhàn hạ, không phải kèm con học. Tôi không phủ nhận rằng những lý do đó tồn tại nhưng với riêng tôi, tôi cho con đi học thêm không phải vì ai cả, mà là vì chính tương lai của con.

Nếu không học thêm, con làm sao đỗ vào trường công?

Kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội từ lâu đã là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất. Năm 2024, chỉ có khoảng 81.200 học sinh được vào trường THPT công lập, trong khi có tới 51.800 em phải học tại các trường tư thục, trung tâm GDTX hoặc chuyển hướng sang học nghề. Theo thống kê của báo chí, năm vừa qua, gần 40% học sinh lớp 9 ở Hà Nội không thể vào lớp 10 công lập.

Trường công lập có học phí thấp, chất lượng giảng dạy ổn định hơn so với nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ đại học cũng cao. Không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để cho con vào trường tư, không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng đi học nghề ở tuổi 15. Đơn cử như gia đình tôi, vợ chồng còn khoản nợ, lương tổng cả 2 cũng không nhiều để cho con học trường tư. Bản thân con trai tôi cũng chỉ muốn được học trường công và quyết chí thi trường công.

Vậy nên những buổi học thêm ở trường, có thầy cô quen kèm cặp, với cháu không phải áp lực mà là cơ hội, nhất là khi khả năng tự học của cháu vốn không tốt và cần sự hướng dẫn. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tôi thấy nhiều chuyên gia nói, tuổi thơ cần được trải nghiệm cuộc sống sôi động, ý nghĩa, cần được vui chơi, này kia, được học các môn múa, hát, vẽ, võ, bơi,... Nếu gia đình tôi có điều kiện để con theo học những trường tư tốt với mức học phí từ 4 - 5 triệu/ tháng trở lên, chưa kèm các khoản tiền đồng phục, tiền học liệu, tiền ăn, tiền ngoại khoá, tiền tiếng Anh tăng cường,... thì chẳng nói làm gì. 

Vấn đề là gia đình tôi và nhiều gia đình khác không có điều kiện, vậy nên chúng tôi buộc phải để con học thêm để tăng cơ hội giành suất trường công. 

Đây không phải là câu chuyện thích hay không thích, muốn hay không muốn, tuổi thơ hay không tuổi thơ mà là câu chuyện của cơ hội và điều kiện.

Chương trình học nặng, học trên lớp không đủ để thi

Chúng ta luôn nói rằng nếu giáo dục tốt, học sinh không cần học thêm vẫn có thể học tốt. Nhưng thực tế thế nào?

Lớp học có 40-50 học sinh, giáo viên không thể kèm từng em, không thể quay lại giảng bài riêng cho những em chậm hơn. Tiến độ học nhanh, bài tập nhiều, nếu học sinh lơ là một chút là sẽ bị bỏ lại phía sau. Một bài toán khó, một bài văn nghị luận phức tạp, nếu không có ai hướng dẫn kỹ, liệu học sinh có thể tự mình tìm ra cách giải quyết?

Vậy ai sẽ giúp con tôi nếu không phải là giáo viên dạy thêm? Tôi có thể tự kèm con, nhưng tôi không phải là giáo viên, tôi không có kinh nghiệm luyện thi. Tôi không thể hướng dẫn con từng chi tiết nhỏ trong đề thi, từng dạng toán mẹo, từng lỗi sai trong bài văn.

Học thêm giúp con tôi có cơ hội được giảng lại những chỗ con chưa hiểu, luyện tập nhiều hơn, tránh bị tụt lại so với bạn bè.

Không học thêm, làm sao con có kỹ năng làm bài thi?

Điểm số trong kỳ thi vào lớp 10 không chỉ phụ thuộc vào việc con có hiểu bài hay không, mà còn phụ thuộc vào kỹ năng làm bài thi.

Như môn Toán, nếu không luyện đề, con có biết cách phân bổ thời gian hợp lý để không bị thiếu giờ không? Môn Văn: Nếu không được rèn luyện, con có biết cách viết một bài văn có điểm nhấn, tránh lối viết sáo rỗng không? Môn Anh: Nếu không làm nhiều bài tập, con có tránh được bẫy trắc nghiệm không?

Nếu hệ thống giáo dục thay đổi, tôi sẵn sàng dừng học thêm ngay lập tức

Tôi không ủng hộ việc học thêm tràn lan. Tôi cũng mong muốn một ngày nào đó, hệ thống giáo dục thay đổi để không còn ai phải học thêm nữa, để những đứa trẻ có thời gian xả hơi, thư giãn. 

Nếu tất cả học sinh đều có suất vào trường công, không cần thi cử căng thẳng, tôi sẽ không cho con học thêm. Nếu sĩ số lớp học giảm xuống, giáo viên có thể quan tâm đến từng học sinh nhiều hơn, tôi sẽ không cho con học thêm. Nếu chương trình học được giảm tải, học sinh có thể tiếp thu bài ngay trên lớp, tôi sẽ không cho con học thêm. Nếu kỳ thi vào lớp 10 không còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt, tôi sẽ không cho con học thêm.

Nhưng hiện tại, mọi thứ vẫn như cũ. Tôi không thể đánh cược tương lai con mình vào những lời hô hào "học thêm là không cần thiết", "học thêm là chạy đua vô ích", "học thêm là giết chết tuổi thơ". Vì thực tế, nếu không học thêm, con tôi có thể sẽ không có cơ hội học trường công.

Tôi không thích học thêm, con tôi cũng không thích học thêm. Nhưng trong một hệ thống giáo dục mà suất vào trường công có hạn, nơi kỳ thi lớp 10 là một cuộc cạnh tranh đầy khắc nghiệt, tôi không thể không lo lắng.

Nhà bạn có điều kiện, bạn có thể để con thong thả tận hưởng tuổi thơ. Nhưng nhà tôi không có lựa chọn đó. Tôi không thể ngồi yên nhìn con mình thất bại chỉ vì thiếu sự chuẩn bị.

Thanh Hương