Nuôi con bằng sữa mẹ: Hơn cả sức khỏe, đó là lá chắn xanh cho tương lai

Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2025 mang thông điệp mới: Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là hành động thiết thực bảo vệ môi trường, tương đương với việc trồng cả một cánh rừng.
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh minh họa: ITN
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh minh họa: ITN

Từ ngày 1 - 7/ 8 hàng năm, Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ lại được các quốc gia trên thế giới tổ chức, nhằm khuyến khích, hỗ trợ và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Năm 2025, sự kiện này mang một thông điệp đột phá: lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là nền tảng sức khỏe cho thế hệ tương lai mà còn là một hành động có sức ảnh hưởng lớn đến môi trường, tương đương với việc trồng cả một cánh rừng.

Cục Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn hướng dẫn triển khai Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ 2025 với chủ đề “Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ: Tạo dựng hệ thống hỗ trợ bền vững”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững cho các bà mẹ nuôi con bú, bởi lẽ, việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có vai trò thiết yếu với sức khỏe của trẻ và mẹ, mà còn đóng góp đáng kể vào việc tạo ra một môi trường bền vững, giúp giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Nuôi con bằng sữa mẹ, một hành động môi trường đầy ý nghĩa

Một trong những thông tin gây ấn tượng mạnh được Bộ Y tế công bố, dựa trên các báo cáo khoa học uy tín được đăng tải trên tạp chí y khoa The BMJ và từ WABA (Liên minh Thế giới về Nuôi con bằng sữa mẹ), là mối liên hệ trực tiếp giữa việc cho con bú và giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, nếu các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi cho con bú hoàn toàn thêm chỉ 1 tháng, tác động tích cực đến môi trường có thể tương đương với việc trồng thêm 300.000 cây xanh.

Để hình dung rõ hơn về tác động môi trường của việc sản xuất sữa công thức, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sản xuất và tiêu thụ sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có thể phát thải tới 7,5 tỷ kg CO₂. Con số này tương đương với lượng phát thải của một chiếc xe hơi chạy quãng đường 30 tỷ km, gấp gần 200 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Đồng thời, việc này cũng tiêu tốn tới 2,6 tỷ mét khối nước, tương đương hơn một triệu bể bơi Olympic.

Chỉ riêng tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, việc sản xuất và sử dụng sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tạo ra lượng khí thải nhà kính tương đương với phát thải từ 2 triệu chiếc ô tô hoặc lượng khí thải mà 318 triệu cây xanh có thể hấp thụ trong 1 năm. Những con số này cho thấy rõ ràng gánh nặng môi trường mà ngành công nghiệp sữa công thức đang tạo ra, đồng thời khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ trong nỗ lực bảo vệ hành tinh.

Xây dựng hệ thống hỗ trợ vững chắc

Để hưởng ứng Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm đảm bảo việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ. Các đơn vị y tế trên địa bàn cần duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng cách, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ.

Việc tăng cường nhận thức và xây dựng một hệ thống hỗ trợ bền vững không chỉ giúp các bà mẹ vượt qua những khó khăn ban đầu, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về một lựa chọn thông minh, bền vững cho cả sức khỏe con người và môi trường sống. Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người mẹ, và hơn hết, đó là một hành động thiết thực vì một tương lai xanh hơn.

Hoàng Toàn

Da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ: Chuyên gia chỉ ra những  sai lầm của các mẹ

Da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ: Chuyên gia chỉ ra những sai lầm của các mẹ

Da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích vượt trội, nhưng nhiều mẹ vẫn hiểu sai. Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân và cách thực hiện đúng.