Lá nho, “kho báu dinh dưỡng” bị lãng quên

Lá nho đang dần khẳng định vị thế là một "siêu thực phẩm" mà bạn nên cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Khi nhắc đến nho, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những chùm quả mọng nước với hương vị chua ngọt. Thế nhưng ít ai biết rằng phần lá của loài cây này cũng là một “kho báu dinh dưỡng” với vô vàn lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc.

Từ đặc tính chống viêm mạnh mẽ đến khả năng hỗ trợ xương chắc khỏe và điều hòa đường huyết, lá nho đang dần khẳng định vị thế là một "siêu thực phẩm" mà bạn nên cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Lá nho, “kho báu dinh dưỡng” bị lãng quên

Giá trị dinh dưỡng đáng chú ý

Theo chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul, nhà sáng lập Trung tâm Sức khỏe và Dinh dưỡng NutriActivania (Ấn Độ), “Lá nho chứa rất ít calo nhưng lại cung cấp lượng lớn vi chất cần thiết cho cơ thể”.

Cụ thể, hàm lượng dinh dưỡng trong khoảng 14 gram lá nho (tương đương 5 lá) bao gồm:

14 kcal năng lượng

77% nhu cầu vitamin A khuyến nghị mỗi ngày

120% vitamin K

6% vitamin C

4% canxi

5% sắt

Cùng một số các chất khác như protein, carb và chất xơ.

Những lợi ích sức khỏe của lá nho

Chống oxy hóa mạnh:

"Những chiếc lá nho chứa đầy flavonoid, axit phenolic và vitamin C, giúp trung hòa các gốc tự do và giảm stress oxy hóa, một trong những nguyên nhân gốc rễ của các bệnh mãn tính", chuyên gia Avni Kaul nhấn mạnh cho biết.

Duy trì sức khỏe xương khớp:

Đừng chỉ nghĩ đến canxi khi nói về xương chắc khỏe. Vitamin K trong lá nho đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì mật độ khoáng xương, giúp ngăn ngừa loãng xương và gãy xương, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ - nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.

Hỗ trợ sức khỏe thị lực:

Không chỉ có trong cà rốt, lá nho cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A và beta-carotene, những dưỡng chất vô cùng cần thiết cho thị lực. Theo chuyên gia Kaul, chúng "hỗ trợ chức năng võng mạc, ngăn ngừa quáng gà và giảm nguy cơ thoái hóa mắt liên quan đến tuổi tác".

Lá nho, “kho báu dinh dưỡng” bị lãng quên

Tăng cường sức khỏe tiêu hóa:

Hàm lượng chất xơ trong lá nho giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón. Chất xơ này còn góp phần duy trì sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, tạo nên một hệ vi sinh vật khỏe mạnh, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể.

Đặc tính chống viêm mạnh mẽ:

Lá nho sở hữu khả năng kháng viêm ấn tượng nhờ sự hiện diện của các hợp chất có lợi như axit quinic, kaempferol và quercetin, như được công bố trong một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers In Chemistry.

Theo chuyên gia Kaul, "Polyphenol trong lá nho có thể ức chế các dấu hiệu viêm trong cơ thể, giúp giảm triệu chứng viêm khớp, bệnh viêm ruột và đau nhức toàn thân do viêm mãn tính".

Thúc đẩy sức khỏe tim mạch:

Với hàm lượng chất béo bão hòa và natri thấp tự nhiên, cùng với kali và magie, lá nho là thực phẩm lý tưởng cho trái tim. Theo chuyên gia, những chất này giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ giảm cholesterol, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác.

Điều hòa lượng đường trong máu:

Lá nho có đặc tính chống viêm và chống tiểu đường, theo một nghiên cứu được công bố bởi ResearchGate. Chúng chứa polyphenol giúp cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm quá trình tăng đường huyết sau bữa ăn, trở thành lựa chọn tuyệt vời cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Dùng lá nho như thế nào?

Lá nho, “kho báu dinh dưỡng” bị lãng quên

Bạn có thể thưởng thức lá nho một cách đơn giản như ăn kèm trong các món salad, hoặc biến tấu phức tạp hơn bằng cách nhồi các nguyên liệu lành mạnh vào bên trong rồi hấp hoặc nướng. Dưới đây là một vài gợi ý món ngon từ lá nho:

Món Dolmas (Lá nho nhồi gạo lứt và rau thơm):

Nguyên liệu: Lá nho, gạo lứt, hành tây, rau mùi tây, nước cốt chanh, muối Himalaya, nước dùng rau củ.

Cách làm: Chần sơ lá nho, trộn gạo lứt đã nấu chín với hỗn hợp thái nhỏ gồm hành tây, rau mùi tây, nước cốt chanh và muối làm nhân. Cuốn nhân vào lá nho, xếp vào đĩa nướng cùng vài lát chanh và nước dùng rau củ. Nướng ở nhiệt độ 175 độ C khoảng 30-35 phút. Dùng kèm sữa chua Hy Lạp không đường.

Cuộn lá nho hấp với hạt kê:

Nguyên liệu: Lá nho, hành tây, dầu ô liu, cà rốt bào sợi, hạt kê, rau mùi tây, nước cốt chanh, muối đá.

Cách làm: Xào hành tây, thêm cà rốt và hạt kê đã nấu chín. Trộn cùng rau mùi tây, nước cốt chanh và muối. Cuốn hỗn hợp vào lá nho, xếp vào nồi hấp và hấp khoảng 20 phút.

Lá nho nhồi quinoa và rau củ:

Nguyên liệu: Quinoa, đậu gà, cà chua, hành tây, ớt chuông, rau mùi tây, lá nho, nước cốt chanh, dầu ô liu.

Cách làm: Trộn đều quinoa, đậu gà, rau củ và rau mùi tây. Múc hỗn hợp vào lá nho và cuốn lại. Hấp hoặc om nhẹ nhàng trong 20-30 phút với một chút nước cốt chanh và dầu ô liu. Dùng kèm sữa chua Hy Lạp không đường.

Lá nho, “kho báu dinh dưỡng” bị lãng quên

Những lưu ý khi dùng lá nho

Nhìn chung, lá nho không độc và an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một vài tác dụng phụ có thể xảy ra:

- Một số lá nho được bảo quản bằng cách ngâm nước muối nên có thể chứa lượng natri dư thừa, dẫn đến tăng huyết áp hoặc giữ nước ở những người nhạy cảm.

- Những người bị dị ứng với nho cần hết sức cẩn trọng.

- Ăn quá nhiều lá nho có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng do hàm lượng chất xơ cao.

Lá nho thực sự là một nguồn dinh dưỡng phong phú mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên như bất kỳ thực phẩm lành mạnh nào khác, việc sử dụng điều độ luôn là chìa khóa để tận dụng tối đa ưu điểm mà vẫn tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

TM (theo Healthshots)

Lợi ích sức khỏe bất ngờ từ lá oliu và cách sử dụng lá an toàn

Lợi ích sức khỏe bất ngờ từ lá oliu và cách sử dụng lá an toàn

Những lợi ích ít được biết đến từ lá oliu có thể khiến ta kinh ngạc.