Lần đầu tiên thực hiện thành công ghép bàng quang cho người

Ca phẫu thuật mang tính đột phá này không chỉ là thành tựu vượt bậc của y học hiện đại mà còn mở ra hy vọng sống cho hàng triệu người mắc các rối loạn nghiêm trọng về bàng quang.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA (thuộc Đại học California, Los Angeles, Mỹ) mới đây đã thực hiện thành công ca ghép bàng quang hoàn chỉnh đầu tiên cho một bệnh nhân.

Trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ ngày 4/5, các bác sĩ đã ghép thành công cả bàng quang và một quả thận từ người hiến tạng.
Trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ ngày 4/5, các bác sĩ đã ghép thành công cả bàng quang và một quả thận từ người hiến tạng.

Bệnh nhân đầu tiên trong thành tựu y học lịch sử này là ông Oscar Larrainzar, 41 tuổi, cha của bốn người con. Nhiều năm trước, ông từng phải cắt bỏ phần lớn bàng quang do ung thư. Không dừng lại ở đó, căn bệnh quái ác này tiếp tục cướp đi cả hai quả thận của ông, buộc ông phải sống chung với máy lọc máu suốt bảy năm qua.

Ngày 4/5, sau ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, các bác sĩ đã ghép thành công cho ông một quả thận và một bàng quang hoàn chỉnh từ người hiến tạng. Đến ngày 19/5, UCLA chính thức công bố ca cấy ghép bàng quang được thực hiện thành công và hiện đang hoạt động hiệu quả.

Tiến sĩ Nima Nassiri, một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, cho biết các chỉ số hồi phục xuất hiện rất nhanh sau ca ghép.

“Thận mới bắt đầu sản xuất một lượng lớn nước tiểu ngay sau khi được ghép và chức năng thận cải thiện rõ rệt. Không cần phải lọc máu sau phẫu thuật và nước tiểu đã được dẫn lưu bình thường vào bàng quang mới".

Theo quy trình, các bác sĩ thực hiện ghép thận trước, tiếp đó là bàng quang, rồi kết nối hai cơ quan bằng một kỹ thuật vi phẫu phức tạp do chính nhóm UCLA phát triển. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của ca mổ vốn được đánh giá là “không tưởng” trong quá khứ.

Trước đó, việc ghép toàn bộ bàng quang chưa từng được thực hiện, chủ yếu do cấu trúc mạch máu vùng chậu quá phức tạp khiến quá trình phẫu thuật trở nên cực kỳ khó khăn. Tiến sĩ Nassiri chia sẻ rằng ca ghép này là kết quả của hơn 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị không ngừng nghỉ.

Bác sĩ Inderbir Gill (trái) là người thực hiện ca phẫu thuật cùng với bác sĩ Nima Nassiri, chụp cạnh ông Oscar Larrainzar, bệnh nhân đầu tiên được thực hiện ca ghép lịch sử.
Bác sĩ Inderbir Gill (trái) là người thực hiện ca phẫu thuật cùng với bác sĩ Nima Nassiri, chụp cạnh ông Oscar Larrainzar, bệnh nhân đầu tiên được thực hiện ca ghép lịch sử.

Các phương pháp điều trị thay thế bàng quang hiện tại thường sử dụng đoạn ruột để tạo bàng quang nhân tạo hoặc đặt ống thông tiểu vĩnh viễn. Đây là những lựa chọn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Với kỹ thuật mới, các bác sĩ kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi an toàn và hiệu quả hơn cho những người cần tái tạo bàng quang, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng phục hồi, sinh hoạt và tinh thần cho bệnh nhân.

TM (theo Guardian)

Tim ghép lưu giữ ký ức người hiến, bí ẩn y học đã có lời giải thích?

Tim ghép lưu giữ ký ức người hiến, bí ẩn y học đã có lời giải thích?

Một số bệnh nhân ghép tim cho biết trái tim mới của họ có những ký ức của người hiến tặng