Bị phản đòn trên mặt trận ngoại giao
Những phát triển kinh tế và ngoại giao gần đây tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy Trung Quốc đang bước đầu thắng Mỹ trong cuộc đua tranh vị thế bá chủ. Tuy nhiên, cho đến khi đại dịch Covid-19 khởi đầu từ Trung Quốc lan ra tàn phá thế giới, với chính sách ngoại giao sai lầm đã khiến Bắc Kinh tự đẩy mình vào thế khó.
Ngày 4/6/2020, Ấn Độ và Australia đã nâng mối quan hệ giữa hai quốc gia thành đối tác chiến lược toàn diện, với một tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cả hai cam kết hỗ trợ hậu cần lẫn nhau, qua đó tăng khả năng hợp tác quân sự.
Với sự kiện này, khả năng Australia tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm càng lớn hơn. Đây là cuộc tập trận hải quân được Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản tổ chức liên tục trong 6 năm qua. Australia tham gia lần cuối vào năm 2007. Đầu năm nay Australia đã ngõ ý sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận Malabar, theo Asia Times.
Người Phillipines biểu tình phản đối Trung Quốc tại Manila ngày 18/6/2019. |
Nếu tái tham dự Malabar, sự có mặt của Australia sẽ bổ sung yếu tố quân sự vào Đối thoại An ninh Tứ giác (Quadrilateral Security Dialogue – viết tắt là Quad. Đây là đối thoại chiến lược không chính thức giữa bốn nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, hay còn được gọi là Bộ Tứ an ninh do Thủ tướng Nhật Bản Abe khởi xướng năm 2007) ngay cả khi các nhà ngoại giao Australia liên tục trấn an Bắc Kinh rằng Quad chỉ đơn giản là một cơ chế tham vấn.
Tầm nhìn chung của Ấn Độ và Australia được thể hiện trong tuyên bố chung. Theo đó, hai quốc gia này có mối quan tâm lâu dài đến một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cả hai có mối quan tâm chung về việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tuyên bố này tự nó đã là một thách thức đối với Trung Quốc.
Trong khi đó tại Đông Nam Á, hôm 2/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đình chỉ việc bãi bỏ Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA), cho phép sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại quốc đảo này. Dù sau đó, ông Duterte đã thông báo VFA sẽ chỉ được gia hạn thêm 6 tháng nữa, nhưng khả năng Philippines tiếp tục duy trì VFA là rất cao.
Bởi lẽ, ông Duterte đã “nếm trái đắng” khi Trung Quốc hứa hẹn đầu tư, hỗ trợ rất nhiều cho Philippines nhưng không làm gì cả. Ngược lại, hành động của Trung Quốc chủ yếu là lấn chiếm, tranh giành vùng biển của Philippines và một số nước thành viên khác của ASEAN.
Thái độ bất mãn của Phillipines đối với Trung Quốc thể hiện rõ hồi tháng 4 năm nay. Đó là lúc Philippines đứng về phía Việt Nam sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông. Trước đó một năm, hồi tháng 6/2019, một tàu cá của Việt Nam đã cứu vớt 22 ngư dân Philippines rơi xuống biển, khi bị một tàu Trung Quốc đâm chìm. Philippines và Việt Nam hiện có sự hiểu biết lẫn nhau về mối đe dọa chung mà cả hai nước phải đối mặt ở Biển Đông, theo Asia Times.
Sau sự kiện năm nay, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao chính thức lên Liên Hợp Quốc, tuyên bố rằng Việt Nam xem Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất quy định toàn diện và tuyệt đối phạm vi chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông vượt ra ngoài các ranh giới được quy định trong UNCLOS, bao gồm các yêu sách liên quan đến các quyền lịch sử vô căn cứ và không có giá trị pháp lý.
Đầy hó khăn trên mặt trận kinh tế
CPTPP với sự hỗ trợ từ Châu Âu thực sự là một đối trọng khó chịu đối với Bắc Kinh. |
Trên mặt trận kinh tế, mọi thứ cũng không suôn sẻ đối với Trung Quốc. Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), rất có thể trong 2 - 3 tháng tới sẽ có hiệu lực.
Hiệp định này khiến 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam được miễn thuế. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ hai ký hiệp định thương mại với EU. Hiệp định bảo vệ thương mại và đầu tư tự do EU - Singapore có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái. Việt Nam cũng đang thực hiện một thỏa thuận song phương với Vương quốc Anh.
Hiệp định thương mại của các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với đối tác châu Âu hoặc Anh là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh sẽ có sự suy giảm đáng kể.
Ngày 9/6, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương. Qua đó nhằm thay thế sự tham gia của Anh trong Hiệp định Đối tác Kinh tế EU - Nhật Bản thời kỳ hậu Brexit.
Dù không nằm trong khu vực, nhưng Anh cũng mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ý định này của đảo quốc Đại Tây Dương được Nhật Bản ủng hộ. CPTPP là sự kế thừa của Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, nhưng bị Tổng thống Donald Trump bỏ rơi.
Các nước ký kết CPTPP hiện tại là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Thái Lan, Indonesia, Columbia, Hàn Quốc và Đài Loan là những ứng cử viên tiềm năng khác để trở thành thành viên.
Trong một diễn biến khác, trước sự phản đối ngày càng tăng của Đảng Bảo thủ đối với Huawei của Trung Quốc, chính phủ Anh được cho là đang thảo luận với Tập đoàn NEC của Nhật Bản và Samsung của Hàn Quốc trong một nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G thay thế. Các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã hợp tác để phát triển các giải pháp 5G có thể xuất khẩu trong năm qua. Như vậy, công nghệ 5G của Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc chơi.
Không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ đảo ngược quyết định và tham gia CPTPP dưới một tổng thống mới. Nhưng CPTPP với sự hỗ trợ từ châu Âu thực sự là một đối trọng khó chịu đối với Bắc Kinh. Mặt khác, quân đội Mỹ tiếp tục hỗ trợ một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên luật lệ quốc tế, liệu Trung Quốc có thể làm gì để thay đổi thế cờ?