Theo thống kê, nhóm du khách lớn nhất đến Việt Nam đến từ khách Hàn Quốc với 3,6 triệu người, chiếm thị phần 28%. Trong khi đó, có 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2. Chỉ riêng lượng người Hàn Quốc và Trung Quốc đến Việt Nam du lịch chiếm 42% tỷ lệ khách quốc tế.
Ngoài ra, 3 quốc gia gửi khách nhiều tiếp theo ở Việt Nam lần lượt đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản. Tổng cục Du lịch báo cáo lượng khách nước ngoài đến Việt Nam phục hồi 70% so với năm 2019, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát. Tuy nhiên, lượng khách từ Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%, còn Nga là 19%, theo TPO.
Khách tới từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia cũng có tín hiệu phục hồi ổn định. Đồng thời, dấu hiệu tích cực cũng đến từ thị trường chính ở châu Âu, điển hình như Tây Ban Nha, Đức, Anh và Pháp.
Nhìn lại cả quá trình từ năm 2010 đến 2019, thời điểm trước COVID-19, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng liên tục qua các năm, đồng thời phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Đây có thể coi là minh chứng cho sức hút của Việt Nam trong mắt du khách Hàn.
Lý giải về điều này, giới chuyên gia từng nêu một số lý do như giữa hai nước có nhiều đường bay thẳng nối các thành phố lớn, giá vé tương đối rẻ với người Hàn, trong đó Đà Nẵng được coi là điểm đến phổ biến nhất nhờ biển đẹp, ẩm thực đa dạng và nhiều lựa chọn nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Nha Trang, Phú Quốc và Đà Lạt cũng ngày càng được ưa chuộng, theo An ninh tiền tệ.
Các cơ quan và doanh nghiệp cũng ngày càng tăng cường xúc tiến, thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hồi tháng 9/2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm mục tiêu này.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên là tiền đề để xây dựng các chương trình du lịch Việt Nam - Hàn Quốc mang tính chuyên nghiệp cao, từ việc nghiên cứu nhu cầu của khách đến xây dựng sản phẩm, quảng cáo, tư vấn, tổ chức các chuyến du lịch giữa 2 quốc gia.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 sau khi năm 2023 thu hút 12,6 triệu lượt, tương ứng 70% so với trước dịch. Nếu đạt mục tiêu, ngành du lịch nước ta sẽ phục hồi 95-100% so với năm 2019.
Mới đây, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UN WTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo du lịch toàn cầu đang trên đà phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Đại diện hai tổ chức này nhận định nhu cầu của du khách quốc tế sẽ tiếp tục quay vòng, đòi hỏi các nước phải cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch, đồng thời triển khai thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi kỹ thuật số nhằm cung cấp những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Trong năm 2023, du lịch được coi là điểm sáng, có sự bứt phá tích cực, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước. Toàn ngành đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách đội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỷ đồng, vượt 4,3%. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023 đều đón trên 1 triệu khách đến Việt Nam/tháng, riêng tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trên cả nước, tạo nội lực tăng trưởng, phục hồi cả thị trường nội địa, quốc tế. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tăng cường liên kết triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch.
(Tổng hợp)