Theo HSBC, lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 có thể cao hơn năm 2021, thế nhưng rủi ro của lạm phát tác động vào nền kinh tế Việt Nam không đáng kể.
Theo đó, HSBC nhận định, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. Trong khi đó, đưa ra dự lạm phát bình quân của Việt Nam trong năm 2022, HSBC cho rằng sẽ tăng nhẹ từ 2,7% lên 3%.
“Tuy nhiên, mức này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ. Do đó, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng "không phải mối lo lớn" với Việt Nam năm nay”, HSBC nhận xét.
Bên cạnh về lạm phát, HSBC còn cho rằng, hiện nay, dù số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn gia tăng, Việt Nam đã không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước.
"Các nhà hoạch định chính sách đã kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, chủ yếu là nhờ triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc. Các điều kiện này khiến cho tâm lý tiêu dùng tăng cao trở lại giúp bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc", nhóm nghiên cứu tại HSBC nhận định. Cụ thể, sau khi giảm gần 4% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng có vẻ chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do kết quả của tháng 1/2021 khá cao.
Bên cạnh đó, HSBC cũng cho rằng, quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện. Chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua cho thấy dấu hiệu sản lượng công nghiệp mạnh mẽ trở lại. Hầu hết các chỉ số chi tiết chính đều thể hiện sự phục hồi bền vững, dự báo một viễn cảnh lạc quan về tình hình sản xuất sẽ lấy lại phong độ như thời điểm trước Covid-19.
Kể từ đầu năm 2022 cho tới nay, giá xăng dầu trong nước đã 3 lần tăng giá. Hiện, riêng mặt hàng xăng đã tiệm cận mức 25.000 đồng/lít, cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Không chỉ mặt hàng xăng dầu, một số sản phẩm nguyên liệu khác như gas, lương thực, thực phẩm,... cũng đang có chiều hướng tăng giá trong tháng 1/2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2021 tăng 1,94%. Trong đó, các mặt hàng thịt lợn, thủy hải sản, thịt gia cầm, trứng,... là mặt hàng tăng giá mạnh nhất.
Theo VDSC, lạm phát gia tăng có thể là kết quả của chính sách kích thích từ chính phủ, có liên quan trực tiếp đến lạm phát do cầu kéo. Gói kích cầu trị giá khoảng 347 nghìn tỷ đồng (~ 4,1% GDP, ~15,3 tỷ USD), bao gồm các biện pháp hỗ trợ chính như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% (49,4 nghìn tỷ đồng, ~2,1 tỷ USD), gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp (40 nghìn tỷ đồng, ~1,7 tỷ USD), và khoảng 135 nghìn tỷ đồng (~5,9 tỷ USD) cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Với các biện pháp kích cầu mới, lạm phát không lành mạnh có thể đến từ gói bù lãi suất 2%/năm trị giá 20 nghìn tỷ đồng/năm (0,9 tỷ USD) trong giai đoạn 2022-2023. Chúng tôi cho rằng gói này bị giới hạn cả về phạm vi và số lượng cung cấp cho các doanh nghiệp trong khi tác động của gói này đối với lạm phát phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách thực thi chính sách. Cho đến nay, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát năm nay gắn nhiều với vấn đề lạm phát do chi phí đẩy hơn là lạm phát do cầu kéo', VDSC nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, VnDirect cũng cho rằng, áp lực lực lạm phát gia tăng do cung tiền dự kiến sẽ cao hơn và các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn được thực thi vào năm 2022.
Trong khi đó, quỹ VinaCapital cho rằng, mức lạm phát ở Việt Nam ở mức dưới 2% (so với năm trước) vào cuối 2021, nhưng sự tăng giá điện sắp tới sẽ thêm khoảng 0,5 điểm % vào tỷ lệ lạm phát. Quỹ này cũng kỳ vọng sự tăng trở lại của giá thịt heo ở Việt Nam (sau khi giảm 30% trong 2021) vì sự tái bùng phát của dịch tả lợn Châu Phí (ASF) đã đẩy giá thịt heo của Trung Quốc lên 10% trong tháng 12.
Tổng Hợp