Khuyến cáo điều trị, phòng bệnh sán lá gan của Bộ Y tế: Nhiều loại rau tuyệt đối không ăn sống

Việc ăn sống các loại rau trồng dưới nước như rau muống là nguyên nhân gây bệnh sán lá gan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mới đây đã ký Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn. 

Theo Bộ Y tế, bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan gây nên những tổn thương, ổ áp xe tại gan, hoặc cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Người mắc bệnh sán lá gan được xác định là do ăn sống các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống, rau nhút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen,... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Vật chủ chính của sán lá gan lớn thường là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và động vật có sừng khác. Những nhóm này khi ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.

Việc ăn sống các loại rau trồng dưới nước có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Việc ăn sống các loại rau trồng dưới nước có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi vào cơ thể, ấu trùng sẽ tới dạ dày, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, đến gan cùng các cơ quan khác ký sinh.

Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2 đến 3 tháng, sán sẽ tới đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị.

Điểm nguy hiểm là gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập.

Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng.

Đến giai đoạn mạn tính, các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm lẫn với với bệnh khác.

Thậm chí một số trường hợp không có triệu chứng, chỉ được phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh khác.

Khi bị nhẹ, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu. Ở thể trung bình, 70-80% người bệnh bị đau bụng, đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, đau từng cơn, sốt cao, rét run, thiếu máu.

Ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, có trường hợp bị vỡ gan.

Bộ Y tế nhấn mạnh thói quen và tập quán ăn uống là một phần nguyên nhân gây nhiễm bệnh. Do đó, người dân tránh ăn sống các rau mọc dưới nước và không uống nước lã.

Người nghi mắc sán lá gan lớn phải đến bệnh viện khám, điều trị sớm. Các hộ chăn nuôi cần định kỳ tẩy giun, sán cho trâu, bò nhằm tiêu diệt ký sinh trùng.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng cảnh báo kể cả rau tự trồng tại nhà vẫn có thể nhiễm các loại ký sinh trùng như giun kim, giun móc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ. 

Người trồng rau thường tưới rau bằng nước tiểu của người, phân tươi, nước từ mương ao, cống rãnh nhiễm bẩn hoặc trồng trong khu vực có nhiều phân chó mèo,… Người bán rau cũng hay dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi. 

Nhiều người thường ngâm rau sống trong dung dịch thuốc tím hoặc nước muối loãng nhưng cả hai đều không có tác dụng với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là hóa chất bảo vệ thực vật.

Các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên ăn rau sống, phương pháp ăn chín uống sôi vẫn là cách bảo vệ sức khỏe an toàn nhất. Trong trường hợp muốn ăn, chúng ta nên chần qua nước sôi. Riêng phụ nữ mang thai, người bị đau dạ dày, viêm đại tràng tuyệt đối không nên ăn rau sống.

Thanh Mai

Đại dịch virus đậu mùa khỉ liệu có trở thành đại dịch tiếp theo sau Covid-19?

Đại dịch virus đậu mùa khỉ liệu có trở thành đại dịch tiếp theo sau Covid-19?

Nhiều người lo ngại rằng virus đậu mùa khỉ có thể tạo nên một đại dịch mới tiếp theo sau đại dịch Covid-19.